Đầu tư 31/03/2015 09:02

Người Nhật đang “bẻ lái” đầu tư

FICA - Dưới áp lực cạnh tranh gay gắt đến từ các đối thủ trong các lĩnh vực đầu tư vốn là thế mạnh, gần đây giới đầu tư Nhật Bản đang tìm cho mình hướng đi mới khi bỏ vốn đầu tư tại Việt Nam và nông nghiệp công nghệ cao đang được họ chú trọng.

V
Với quyết tâm đổ vốn vào nông nghiệp công nghệ cao, các nhà đầu tư Nhật Bản đang đa dạng hóa kênh đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn
 
Vốn Nhật giảm kiểu “kỹ thuật”?
 
Trong cuộc đua bỏ vốn vào Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn chiếm vị trí quán quân kể từ những năm 1995 trở lại đây. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, vốn đầu tư của Nhật Bản đăng ký và cấp mới tại Việt Nam đang có dấu hiệu giảm dần.
 
Số liệu của Tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản (JETRO) cho hay, vốn đầu tư của nước này vào Việt Nam năm 2014 đã giảm hơn 65% từ mức 5,87 tỷ USD (2013) xuống còn 2,05 tỷ USD năm 2014. Ba tháng đầu năm 2015, vốn Nhật tại Việt Nam cũng giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Từ vị trí số 1 nhiều năm, năm 2014 Nhật Bản tụt xuống vị trí thứ 4 về vốn đầu tư.
 

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, sự suy giảm đầu tư của Nhật Bản này là giảm theo kiểu… “kỹ thuật”. Tuy nhiên, cách đầu tư và thoái lui của họ cho chúng ta bài học về đầu tư và nhận đầu tư. “Rút vốn khi đồng Yên mất giá để đầu tư trong nước, củng cố “chân trụ”. Sẵn sàng nhường bớt sân cho các đối thủ tránh cạnh tranh tiêu cực nếu cảm thấy lợi nhuận thị trường đã bão hòa. Và đi tìm những lĩnh vực mới tốt hơn, màu mỡ hơn dù chưa ai khai thác”.

 

Cũng theo vị chuyên gia này, vốn Nhật rời khỏi Việt Nam nay được chuyển qua các thị trường mới như Myanamar, Campuchia vì đây là những mảnh đất mới sinh lời tốt hơn. Vốn Nhật giảm chủ yếu ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đăng ký tăng thêm hoặc cấp mới, còn trên thực tế, vốn của các Tập đoàn lớn của Nhật Bản không hề rút đi. Đây là thực tế cho thấy, sự cạnh tranh trong đầu tư tại Việt Nam đang tốt, lợi nhuận đã được san sẻ nhiều hơn và các doanh nghiệp Nhật cần đi đến những vùng đất mới, lĩnh vực mới để kiếm được lợi nhuận nhiều hơn.

 

Theo quan sát thực tế, những năm gần đây, một số ngành đầu tư quy mô và chiến lược của Nhật Bản tại Việt Nam là công nghiệp chế tạo – lắp ráp ô tô xe máy, điện tử và điện dân dụng thì nay đã có nhiều hơn các nhà đầu tư tại Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Đài Loan hòng chia lợi nhuận, phân bố lại giá trị thị trường. Đây cũng là yếu tố khiến các nhà đầu tư Nhật Bản phải “xem giỏ bỏ thóc” vốn của mình.

 

Bắt đầu tư công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, các hãng xe ô tô Nhật Bản như Toyota, Honda đang phải cạnh tranh rất quyết liệt với các hãng xe Việt Nam và liên doanh hay mới nhất là các dòng xe giá rẻ của Ấn Độ…

 

Ngành thứ hai là công nghiệp điện tử Nhật với những ông lớn như Sony, Panasonic, Canon, Fuji … không chỉ thua thiệt ở nước ngoài mà ngay tại Việt Nam, các hãng này cũng bị các đối thủ của Hàn Quốc như Samsung, LG hay Foxconn Đài Loan, Intel (Mỹ)... cạnh tranh quyết liệt về cuộc đua công nghệ lẫn các ứng dụng tiện ích.
 
Không chỉ vậy, cuộc chiến tranh tìm những nhân sự kỹ thuật bậc cao, lao động lành nghề, nhà phân phối linh kiện giữa các công ty này tại Việt Nam hiện đang rất nóng khiến đây không phải mảnh đất dễ cho các nhà đầu tư non tay, mới gia nhập thị trường.
 

Nông nghiệp - “mảng miếng mới”

 

So với lợi nhuận đầu tư vào chế tạo máy, điện tử, lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ không bằng song hướng đầu tư này cũng được các doanh nghiệp Nhật hướng đến và tận dụng triệt để cơ hội.

 

Tháng 11/2014, hội thảo “Phát triển thị trường nông sản Việt Nam & Nhật Bản - Nông sản Việt Nam với công nghệ Nhật Bản” được tổ chức tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cam kết đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp công nghệ cao.

 

Các nhà đầu tư Nhật cho rằng, Việt Nam có điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao để xuất khẩu vào Nhật Bản. Ngành nông nghiệp Nhật Bản với dân số già hóa nhanh nên trong những năm tới rất cần lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ thông qua chuỗi siêu thị Aeon hay các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam để xuất khẩu về Nhật Bản hoặc đưa mặt hàng này ra thế giới.

 

Thực tế là từ năm 2013 đến nay, nhiều dự án nông nghiệp của DN Nhật Bản được đầu tư tại Việt Nam như  làng rau sạch mệnh danh là “Làng Thần kỳ” thứ hai của Nhật Bản tại Lạ Dương (Lâm Đồng) của ông Hironosi Tsuchiya. Hay dự án hợp tác, đánh bắt cá ngừ xuất khẩu giữa ngư dân Bình Định và doanh nghiệp xuất khẩu Nhật. Dự án nông nghiệp sạch, công nghệ cao hàng chục ha của hai công ty Always và Veggy của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc tháng 5/2014.

 

Đầu năm 2015, tại cuộc gặp gỡ trao đổi về kế hoạch hợp tác sản xuất rau an toàn tại Đà Lạt, nhiều doanh nghiệp Nhật thể hiện quyết tâm đưa vùng rau an toàn, rau sạch của Đà Lạt trở thành “vựa rau sạch của Châu Á” “Làng thần kỳ” thứ 2 của Nhật Bản, trực tiếp sản xuất rau theo công nghệ Nhật, cung ứng cho người tiêu dùng Việt Nam, xuất khẩu sang Nhật và đưa ra thế giới.

 

Mặc dù chưa có thống kê về con số vốn đầu tư của Nhật vào nông nghiệp, nhưng những động thái chuyển vốn, mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực vốn được xem là “điểm trũng” ít lợi nhuận, nhiều rủi ro cho thấy các nhà đầu tư của Nhật Bản đang thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhất là trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang có được sự quan tâm  đổ vốn rất lớn từ các đại gia Việt.

Nguyễn Tuyền
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *