Đầu tư 08/01/2015 08:35

Năm 2015: Những cánh cửa đang mở

Sự tăng trưởng tích cực của hoạt động sản xuất và áp lực cải thiện môi trường kinh doanh dự báo một năm khởi sắc trong kinh doanh của doanh nghiệp. Tất nhiên, sự khởi sắc này đang kèm theo nhiều điều kiện.

PMI tiếp tục tăng

 

Việc làm quý I/2015 của doanh nghiệp trong ngành sản xuất đang nhận được các thông số tích cực. Số đơn đặt hàng mới tăng cả về sản lượng lẫn số lượng trong tháng 12/2014, theo khảo sát Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của Ngân hàng HSBC vừa công bố ngày 5/1, đã dự báo điều này. Đây là chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất.

Đặc biệt, mức tăng này được ghi nhận là cao nhất trong 8 tháng qua, ở cả đơn hàng trong nước và quốc tế. Cộng với các điều kiện thuận lợi về chi phí vận chuyển, giá nhiên liệu, giá cả nhà cung cấp với mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2012, chuyên viên kinh tế Trinh Nguyễn của HSBC nhận định, lĩnh vực sản xuất sẽ được hưởng lợi từ mức độ cạnh tranh về chi phí nhân công, giá cả đầu vào và kỳ vọng sản lượng tiếp tục tăng trong những tháng tới, cho dù có thể chậm lại đôi chút trong mùa Tết Nguyên đán (tháng 2/2015).

 

cải thiện môi trường kinh doanh, nghị quyết 19/2014

Số đơn đặt hàng mới của doanh nghiệp sản xuất tăng cả về sản lượng lẫn số lượng. Ảnh: Hà Thanh

 

 

 

 

 

Đây cũng là lý do PMI đạt mức 52,7 điểm trong tháng 12, mức điểm cao nhất kể từ tháng 4/2014. Tăng trưởng đã được ghi nhận trong 16 tháng liên tiếp báo hiệu tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong ngành.

 

Điều đáng nói là, sự cải thiện này đang được hậu thuẫn không chỉ bởi sự khởi sắc của thị trường bên ngoài, mà còn từ nền tảng khá vững chắc trong hoạt động của chính các doanh nghiệp.

 

Khảo sát của Vietnam Report với nhóm doanh nghiệp lớn nhất và hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam từ năm 2007 đến nay cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng, kinh doanh đang xấu đi giảm dần qua các năm, năm 2012 là 21,9%; năm 2014 là 9,1%. Năm 2015, tỷ lệ này giảm còn 7,1%.

 

Sở dĩ doanh nghiệp lớn có thể tự tin đến như vậy một phần dựa trên thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ trong năm 2014. Theo thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 2015, tổng doanh thu của Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014 đạt xấp xỉ 2.354 ngàn tỷ đồng, tăng 14,8% so với Top 10 năm 2013. ROA, ROE của Top 10 năm 2015 cũng tốt hơn nhiều so với năm ngoái.

 

Đặt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn với các cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do sẽ được ký kết trong năm 2015, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư U&I cho rằng, doanh nghiệp có nhiều hy vọng hơn cho năm 2015.

 

Mốc ASEAN 6 và cao hơn

 

Cộng đồng doanh nghiệp đang chờ mộtvăn bản tương tự Nghị quyết 19/2014/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ được Chính phủ ban hành ngay trong đầu năm 2015. Tại phiên họp thường kỳ cuối năm 2014 của Chính phủ sau khi Nghị quyết 01/2015/NQ-CP đã được ban hành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ ban hành một văn bản như vậy.

 

Áp lực cạnh tranh “không có cách nào khác” của năm 2015 đã đặt cho cả doanh nghiệp và Chính phủ những nhiệm vụ sống còn.

 

Các doanh nghiệp lớn khi tham gia khảo sát về tình hình kinh doanh 2015 cũng khuyến nghị, họ cần nhìn thấy những chính sách và phương thức mới phù hợp trong môi trường kinh doanh đang đòi hỏi cao về minh bạch hóa chính sách, đơn giản hóa thủ tục, cạnh tranh bình đẳng… Vì trên thực tế, cho dù những cải thiện môi trường kinh doanh diễn ra liên tục, song vẫn có tới 44,4% doanh nghiệp cho rằng, việc thủ tục hành chính còn rườm rà khiến họ gặp khó khăn không ít khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước; 37,4% kêu ca về hạ tầng cơ sở; 31,3 than phiền về các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường...

 

Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài thậm chí còn có cách nhìn bi quan hơn khi 88,2% đánh giá kém về dịch vụ hành chính, 35,4% cho rằng khó tiếp cận đất đai… Điều đó có nghĩa là, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang đối mặt với những khó khăn thậm chí còn lớn hơn.

 

Rõ ràng, các doanh nghiệp lớn cũng đặt thêm nhiều điều kiện cho dự báo tích cực của mình. Đây là phần việc mà Chính phủ sẽ phải xắn tay.

 

Phó thủ tướng Vũ  Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng cho rằng, Nghị quyết 19 đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế đối với quyết tâm cải cách của Việt Nam trong năm 2014.

 

Tuy nhiên, ông Đam cũng thẳng thắn, những thay đổi mới chỉ là rà soát, sửa đổi trên giấy. Ngay cả số giờ làm thủ tục nộp thuế đã vượt mục tiêu, thấp hơn cả mức trung bình của 6 nước ASEAN cũng được ông Đam bình luận mới là tính toán.

 

“Bước tiếp theo là phải đưa những cải cách đó đến được với từng doanh nghiệp. Năm 2015, nếu không tiếp tục làm quyết liệt, thì có khi những thay đổi trong năm 2014 thành ra phản tác dụng”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Đầu Tư

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *