Đầu tư 31/10/2014 18:50

Kinh tế Quảng Ninh giảm lệ thuộc vào than

FICA – Tỷ trọng đóng góp của ngành than trong GRDP tỉnh đã giảm từ mức chiếm 24% năm 2011 xuống còn 17%; thu ngân sách nội địa dựa vào than giảm từ 60% năm 2011 còn 47%.

Ngày 30/10/2014, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng các Thứ trưởng đã có buổi làm việc cùng Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Báo cáo với Lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Phạm Minh Chính - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ ”nâu” sang ”xanh” trên địa bàn đã có hiệu quả.

Cụ thể, tỷ trọng đóng góp của ngành than trong GRDP tỉnh đã giảm từ mức chiếm 24% năm 2011 xuống còn 17%; thu ngân sách nội địa dựa vào than giảm từ tỷ lệ chiếm đến 60% năm 2011 đến nay chỉ còn 47% trong khi thu từ lĩnh vực du lịch từ 2,6% tăng lên chiếm 5,2% tổng thu nội địa; sản xuất điện từ 1,6% năm 2011 lên 5% tổng thu nội địa năm 2014.

Môi trường kinh doanh được cải thiện, thu hút vốn đầu tư có hiệu quả. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 trong tốp 4 cả nước, dẫn đầu khu vực miền Bắc, tăng 16 bậc so với năm 2012. Từ Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2012 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được xấp xỉ 1,1 tỷ USD từ vốn FDI và hơn 116.000 tỷ đồng vốn trong nước, tương đương hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư cũng tăng lên (chỉ số ICOR năm 2011 là 8,5 đến năm 2014 đã xuống dưới 7).

Trong 8 nội dung mà Quảng Ninh kiến nghị với Bộ Công Thương, địa phương này đề xuất Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc thành lập và xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái và sớm hoàn thiện Đề án tổng thể chung về xây dựng các Khu hợp tác kinh tế biên giới Việt - Trung báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thống nhất với Chính phủ Trung Quốc phê duyệt làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.

Đối với Nhiệm vụ quy hoạch phân khu Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 3397/BCT-KH ngày 23/4/2014 góp ý cụ thể đối với Nhiệm vụ quy hoạch, trong đó nêu rõ: “việc xây dựng Nhiệm vụ quy hoạch phân khu Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo các nội dung của Đề án tổng thể chung Xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc nhằm phù hợp và thống nhất về các nội dung như quy mô diện tích, các bộ phận cấu thành của Khu, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, các chương trình, dự án đầu tư, v.v...”.

Hiện nay, Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương đang tiếp tục trao đổi, phối hợp với Phòng tham tán Kinh tế - Thương mại Trung Quốc, các đơn vị trong Bộ và các địa phương có liên quan của cả hai nước (Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vân Nam, Quảng Tây) để thảo luận, trao đổi thông tin, hoàn chỉnh Dự thảo Đề án tổng thể chung về xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt – Trung.

Bộ Công Thương đã có Công văn gửi xin ý kiến các Bộ, ngành hữu quan về Dự thảo Đề án tổng thể chung. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, Vụ Kế hoạch đang tổng hợp và hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh có cặp cửa khẩu nằm trong Khu hợp tác kinh tế biên giới Việt Nam – Trung Quốc nói chung và Quảng Ninh nói riêng sẽ triển khai thực hiện Khu hợp tác kinh tế Móng Cái – Đông Hưng trên cơ sở những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương.

Đến nay, Quảng Ninh đã có những phát triển nổi bật trong phát triển công nghiệp, thương mại như:

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng phát triển dịch vụ thương mại đặc biệt thu hút đầu tư và khai trương trung tâm thương mại Vincom center Hạ Long của Tập đoàn Vingroup với vốn đầu tư trên 1000 tỷ đồng.

-Khởi công xây dựng khu công nghiệp Hải Hà giai đoạn 1 trên 643ha với số vốn trên 3 triệu USD trong đó có nhà máy nhiệt điện Hải Hà công suất 2000MW đã được Bộ quan tâm bổ sung quy hoạch điện VII.

-Khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện Thăng Long 600MW với tổng mức đầu tư 22000 tỷ đồng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

-Phát triển công nghiệp hỗ trợ: đưa nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị ô tô đi vào hoạt động từ tháng 10/2014 tạo ra sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn đầu tiên của Quảng Ninh với số vốn đầu tư trên 35 triệu USD do Nhật đầu tư.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *