Đầu tư 14/11/2014 07:08

Không để một cửa trên giấy, nhiều cửa trên đường

Ngày 12.11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chính thức tuyên bố khai trương cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng biển quốc tế. Hiện Việt Nam đang làm ăn với trên 220 quốc gia và kim ngạch thu từ hoạt động XNK, dịch vụ, du lịch qua hệ thống cảng biển, cửa khẩu là rất lớn, có ý nghĩa quan trọng trong nền kinh tế quốc gia.

Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng).

Trước sự kiện “cơ chế một cửa quốc gia” này, phóng viên Báo Lao Động đã có mặt tại những nơi “mang lại nguồn thu lớn cho đất nước” và ghi nhận một thực tế: Cơ chế một cửa trên giấy sẽ rất lâu mới trở thành một cửa trên thực tế.

Vẫn chưa hết “chuyện nhỏ” gây hậu quả to

Ông Nguyễn Thái Linh - TGĐ Cty giấy vi tính Liên Sơn (TPHCM) - cho biết, mỗi lần mở tờ khai hải quan làm thủ tục XNK hàng hóa, Cty phải nộp lệ phí 20.000 đồng. Do không được nộp tiền mặt tại cửa khẩu, Cty phải thanh toán bằng chuyển khoản qua Kho bạc Nhà nước, tốn thêm chi phí chuyển khoản 16.500 đồng. Nếu Cty thanh toán chậm tiền nợ lệ phí này, sẽ bị đưa vào diện nợ thuế và bị cưỡng chế. Chúng tôi kiến nghị nên bỏ khoản lệ phí này, vì nó quá nhỏ và làm mất thời gian khi đi làm thủ tục hải quan” - ông Linh nói.

Một số DN xuất nhập khẩu tại các TP lớn như TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng còn phản ánh, tại nhiều cảng, tình trạng ngành hải quan trang bị máy soi chiếu container, kiểm tra hàng hóa nhưng lại bắt DN nộp phí soi chiếu là bất hợp lý. Bởi lẽ, những lô hàng hải quan xác định luồng đỏ phải kiểm tra qua máy soi container là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Trong khi đó, việc yêu cầu DN đóng phí sẽ làm tăng thêm chi phí.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng thừa nhận, dù thời gian qua, ngành thuế và hải quan đã nỗ lực cải thiện cung cách phục vụ, đơn giản thủ tục hành chính nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử như câu chuyện DN bị cưỡng chế vì nợ 20.000 đồng lệ phí, ông Tuấn tái khẳng định Bộ Tài chính quy định DN nợ phí không được coi là nợ đọng thuế để đưa vào diện cưỡng chế, nếu DN nào bị tình trạng này cần thông báo với Tổng cục Hải quan. Đừng lấy 20.000 đồng nợ phí là cái cớ để gây khó cho DN. Chi cục thuế hay hải quan nào cưỡng chế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đền bù thiệt hại cho DN.

 
 Hải quan kiểm tra hàng hóa tại cảng.

Về việc DN phải đóng các loại phí để soi chiếu hàng hóa, container, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã yêu cầu Tổng cục Hải quan kiểm tra, rà soát lại. Đây là phí do các Cty kinh doanh cảng đặt ra, là việc làm chưa đúng và vi phạm pháp luật nên Bộ Tài chính đã lên tiếng, đề nghị Tổng cục Hải quan có văn bản, công khai cảng nào có thu khoản phí này, không thể để những DN có hàng bị soi chiếu tăng thêm chi phí so với DN khác.

Khai báo điện tử nhưng phải trình... bản giấy

Chiều 12.11, sau khi hay tin Chính phủ vừa chính thức khai trương cơ chế một cửa quốc gia, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Văn Lĩnh - GĐ Cty CP thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) - nói: “Tờ khai điện tử chưa khả thi”. Cty CP thủy sản Thuận Phước là một trong những DN có khối lượng sản phẩm XNK lớn ở Đà Nẵng với kim ngạch mỗi năm trên 100 triệu USD (trên 90% là xuất khẩu), vì vậy tiếng nói của DN này rất đáng phải lắng nghe. So sánh với việc cải cách thủ tục hành chính ở lĩnh vực thuế, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, hải quan cải cách tốt hơn rất nhiều. Thủ tục minh bạch, đơn giản, không bắt bẻ chi tiết, cứng nhắc và bất hợp lý như thuế.

Tuy nhiên, về việc làm tờ khai hải quan điện tử, hiện nay chỉ mang tính hình thức, chưa thực tiễn. DN khai điện tử cũng chỉ báo trước, sau đấy phải trực tiếp mang tờ khai giấy đến làm thủ tục, ký tá. Điều này so với Mỹ (thị trường xuất khẩu chính của Cty Thuận Phước) có sự cách biệt rất xa. Cty Thuận Phước có thể làm thủ tục hành chính hải quan với Mỹ tại Đà Nẵng, qua mạng Internet, nhanh, tiện, minh bạch.

TGĐ Nguyễn Thái Linh của Cty giấy vi tính Liên Sơn nói, nhiều lúc Cty đã có giấy tờ chứng minh nộp tiền thuế vào kho bạc nhưng hệ thống mạng điện tử của hải quan vẫn còn “treo” Cty nợ thuế và không cho mở tờ khai để xuất nhập hàng tiếp theo. Lắm lúc tại hệ thống hải quan ở cảng A, Cty không còn nợ, nhưng hải quan cảng B vẫn còn “treo” nợ. Cán bộ cảng B yêu cầu Cty chạy sang hải quan cảng A xác nhận bằng giấy có đóng dấu thì mới chấp nhận cho thông quan. Điều này khiến cho hàng hóa của Cty phải lưu kho, lưu bãi, phát sinh thêm chi phí.

 
 Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Hải Phòng.

Ông Nguyễn Chí Thành - Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt - nhấn mạnh rằng, việc cải cách thủ tục hải quan đã và đang có những bước tiến rất lớn, nhưng lực cản lớn nhất là chưa có sự cải cách đồng bộ từ cấp trung ương của các bộ ngành liên quan. Tình trạng DN mở tờ khai tại hải quan là điện tử, qua mạng, nhưng khi lưu thông trên đường thì phải trình tờ khai bản giấy cho cơ quan kiểm tra (quản lý thị trường, công an...) đang làm chậm lại tiến trình cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan nói riêng và cải cách nói chung.

“Để khắc phục tình trạng đó, theo tôi phải chỉnh sửa Thông tư số 60/2011 của liên bộ về hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng nhập khẩu lưu thông trên thị trường theo hướng không yêu cầu DN trình tờ khai bản giấy” - ông Thành nói.

 

“Các cửa khẩu phải là bộ mặt của quốc gia”

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia cơ chế một cửa Asean và một cửa quốc gia. Theo Phó Thủ tướng, hiện VN đang đứng mức trung bình trong các nước Asean về các thủ tục xuất cảnh, nhập và quá cảnh, do vậy phải phấn đấu trở thành nước đi đầu trong khối ASean. Ngoài ra, đây cũng là việc thực hiện cam kết giữa các nước trong khối Asean và quốc tế, do vậy ngay sau ngày kết nối chính thức cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa quốc gia các cảng biển quốc tế, phải làm thế nào đơn giản và thuận lợi nhất cho việc XNK và quá cảnh… ĐẶNG TIẾN ghi

 

Ông Nguyễn Quốc Vinh - Phó Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng - cho biết: “Điều khó khăn nhất là vấn đề công nghệ. Các ngành liên quan như hải quan, biên phòng, cảng vụ, kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật, thực vật phải xây dựng phần mềm tích hợp, kết nối với Cổng thông tin Quốc gia”.

Trung tá Bùi Ngọc Thắng - Đội trưởng Đội thủ tục (Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng) - băn khoăn: Khi 6 cơ quan quản lý cảng biển tích hợp vào một hệ thống, tính bảo mật sẽ được triển khai thế nào? Lực lượng biên phòng triển khai cơ chế bảo mật theo quy định của Bộ Quốc phòng. Khi triển khai tích hợp, giữa các ngành phải thống nhất cơ chế bảo mật”. VIỆT HÒA

Theo Nhóm PV

Lao động 

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *