Đầu tư 15/04/2015 19:30

Hướng Quy Nhơn thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

FICA - Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Quy Nhơn có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực Đông Nam Á, là một trong những trung tâm phát triển lớn của khu vực Trung Bộ.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi quy hoạch có diện tích khoảng 67.788 ha bao gồm: Thành phố Quy Nhơn hiện hữu, diện tích khoảng 28.553 ha; huyện Tuy Phước có diện tích khoảng 21.713 ha; hai xã Canh Vinh và Canh Hiển (huyện Vân Canh) có diện tích khoảng 13.676 ha; xã Cát Tiến, Cát Chánh và một phần xã Cát Hải (huyện Phù Cát) có diện tích khoảng 3.847 ha.

Ranh giới có phía Bắc giáp huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; phía Tây giáp thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; phía Đông giáp biển Đông; phía Nam giáp thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển đến năm 2025, thành phố Quy Nhơn trở thành một trong các đô thị trung tâm của vùng duyên hải miền Trung, phát triển theo định hướng công nghiệp - cảng biển - dịch vụ - du lịch. Đến năm 2035, là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia; phát triển theo định hướng dịch vụ - cảng biển - công nghiệp - du lịch, trọng tâm là dịch vụ - cảng biển.

Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Quy Nhơn có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực Đông Nam Á, là một trong những trung tâm phát triển lớn của khu vực Trung Bộ; có nền kinh tế phát triển theo định hướng du lịch - dịch vụ - cảng biển - công nghiệp, trọng tâm là du lịch - dịch vụ - cảng biển; có sức hút đầu tư lớn và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực  y tế, giáo dục, du lịch, môi trường, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Theo định hướng, thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm với hai trung tâm chính là thành phố Quy Nhơn và Khu kinh tế Nhơn Hội. Các khu vực đô thị phát triển có cấu trúc mở, liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông vùng. Các lưu vực sông Hà Thanh, sông Côn, đầm Thị Nại, vịnh Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai, núi Vũng Chua và vùng nông nghiệp huyện Tuy Phước là bộ khung tự nhiên có vai trò cân bằng trong phát triển đô thị.

Trong đó, thành phố Quy Nhơn là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định; một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng Nam Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Khu vực phụ cận (huyện Tuy Phước và 2 xã Canh Vinh, Canh Hiển, huyện Vân Canh) phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ thành phố Quy Nhơn với các chức năng: Công trình đầu mối hạ tầng đô thị; các trung tâm giao thương, dịch vụ đô thị, nhà ở xã hội… gắn với công nghiệp phụ cho Khu kinh tế Nhơn Hội.

Mai Chi

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *