Đầu tư 12/10/2014 11:19

Đừng ham thứ bậc nhất, nhì

Thứ hạng nhất, nhì về lượng xuất khẩu sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu đời sống của những người trực tiếp làm nên thành tích ấy không được cải thiện.

Nông dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ thành tích xuất khẩu lúa gạo. Ảnh: Lương Bằng
 

Trao đổi với báo giới bên lề hội thảo “Kinh tế Việt Nam đến năm 2025: Cơ hội và thách thức”, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia Kinh tế cho rằng: Con đường phát triển thời gian tới hoàn toàn không hề dễ dàng, không phải cứ thế thuận lợi đi lên mà có nhiều trở ngại trước mắt phải vượt qua.

Dự báo về tăng trưởng Việt Nam trong thời gian tới khá ảm đạm. Tất cả các vấn đề như năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu, năng suất sử dụng vốn không có cơ hội tăng lên.

“Các chỉ tiêu về mặt hiệu quả cho thấy chúng ta vẫn đang nghẽn và đến 2025 vẫn còn những thách thức nặng nề” – bà Lan nói.

 
Trong công nghiệp cũng vậy. Lâu nay chúng ta quan tâm đến những ngành tạo con số về xuất khẩu nhiều nhưng giá trị gia tăng trong những ngành đó là thấp. Bản chất của thành tích xuất khẩu đó là xuất khẩu hộ chứ không phải do chính nguồn lực của bản thân mình. Đó là điều cũng cần phải điều chỉnh rất mạnh trong nội bộ các ngành công nghiệp. Ngành dịch vụ, hay điều chỉnh cấu trúc về doanh nghiệp cũng tương tự.
  Bà Phạm Chi Lan

Ngoài ra, Việt Nam mới chỉ chú trọng đến chuyển dịch cơ cấu từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Đây là động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn trước đây nhưng dường như cơ hội chuyển dịch không còn nhiều dư địa.

Vì thế, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, cần nhìn nhận đúng mức đến chuyển dịch trong nội bộ các ngành thay vì chuyển động theo chiều rộng như lâu nay vẫn làm.

Trong nông nghiệp, từ lâu ai cũng thừa nhận chăn nuôi là khu vực có năng suất cao hơn, hiệu quả cao hơn trồng trọt, nhưng chăn nuôi vẫn chỉ giữ được tỉ lệ 20% trong nông nghiệp, không hơn lên được.

"Cũng trên “mặt trận” nông nghiệp, thủy sản cũng từng được ví von như “mỏ vàng” của Việt Nam bởi có lợi thế, năng suất lao động tốt và có khả năng cạnh tranh rất tốt. Đáng chú ý, lĩnh vực này lại đang được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân chứ không phải khu vực Nhà nước. Nhưng vai trò của nó chưa được đề cao hay đầu tư thích đáng” – bà Lan dẫn chứng.

Bà Phạm Chi Lan băn khoăn: “Trong trồng trọt, rõ ràng lúa gạo không hiệu quả bằng một số cây trồng khác. Nhưng các năm qua chúng ta cứ nhắm mắt chạy theo thành tích về lương thực, về Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ nhất, thứ nhì thế giới. Chúng ta đã không nghĩ đến hiệu quả sản xuất lúa gạo Việt Nam thua rất xa so với Thái Lan, Campuchia”.

Hệ quả là bây giờ vấn đề lúa gạo phải xem xét lại theo hướng tăng quy mô vừa phải và chú ý đến chất lượng, hiệu quả của ngành đó.

“Chúng ta đừng ham theo thành tích về số lượng, đừng ham theo thứ bậc Việt Nam đứng thứ nhất, thứ nhì. Những điều đó chỉ về số lượng, không có ý nghĩa gì, kể cả với những người sản xuất” – bà Phạm Chi Lan đúc rút.

Bà Lan nói tiếp: “Thực ra, càng xuất khẩu lúa gạo nhiều, thành tích càng lớn thì đời sống của nông dân vẫn khó khăn, khốn khó”.

Vị chuyên gia này cho rằng: Đó là nghịch lí rất cần phải xem lại, nếu không không tạo được động lực cho chính những người làm trong khu vực đó. Nền kinh tế sẽ bị định hướng sai và cứ trước mắt đầu tư vào những gì theo bề rộng thôi.

 
Theo Lương Bằng
Báo Hải quan
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *