Đầu tư 28/08/2014 15:36

Doanh nghiệp hỗ trợ sẽ hết cảnh “đốt đuốc tìm đường”?

FICA - Bộ KHĐTđang tìm mọi cách tháo gỡ nút thắt nhằm chấm dứt tình trạng DN phải lận đận "đốt đuốc tìm đường", lận đận chen chân vào chuỗi cung ứng.

Sắp tới, các doanh nghiệp (DN), dự án đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sẽ được hưởng các ưu đãi đặc biệt từ Bộ ngành đến các địa phương và Ngân hàng.

 

Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT, tháo gỡ nút thắt về đầu tư CNHT như: vốn, cơ sở vật chất, liên kết ngành… đang được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất. Bộ đang kết hợp với các đơn vị liên quan, các khu vực nhằm “sánh bước” cùng doanh nghiệp (DN), chấm dứt tình trạng DN phải lận đận đốt đuốc tìm đường, lận đận chen chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.

 

 

Các DN Việt Nam đang rất khó lọt vào chuỗi liên kết sản phẩm do không có vốn đầu tư vào kỹ thuật cao và khả năng tiếp cận thị trường

 

Ngân hàng rộng cửa vốn

 

Ứ vốn, thừa tiền và tăng trưởng chậm chỉ là 1 trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng đẩy vốn cho vay các dự án xây dựng cơ sở sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ. Cái chính vẫn là các Ngân hàng đã cùng chung chí hướng và bắt tay vào tháo gỡ nút thắt về vốn cho các DN hỗ trợ. Đây là khẳng định của đại diện hai ngân hàng chính tham gia vào dự án cung cấp vốn ưu đãi cho các DNHT.

 

Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cam kết cho vay hơn 70% vốn cho DN, Bà Đào Xuân Anh – Phó tổng VDB cho biết VDB sẽ hỗ trợ lãi suất 10,5% trong 12 năm vay vốn cho các DNHT xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt hơn, các DN đạt tiêu chuẩn vay vốn sẽ được vay đến 70% giá trị của dự án tại VDB.

 

Một Ngân hàng khác là Ngân hàng Cổ phần Tiên Phong (TPBank) cho biết cụ thể hơn về số vốn khoảng 1.000 tỷ đồng cho các DN CN Hỗ trợ vay vốn với hình thức tín chấp bằng các loại tài sản đảm bảo. Theo lãnh đạo của TPBank, Ngân hàng sẽ ưu đãi lãi suất 8%/năm với VNĐ và 3,2%/năm với USD cho các DN CN HT, cắt giảm 40% chi phí và thủ tục vay vốn. Các ngành ưu tiên là tin học, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may – da giày...

 

Theo bà Anh: VDB không đưa con số cụ thể, nhưng đưa thời gian vay vốn kéo dài ra cho các DN, đây là thực tế bởi nhiều NH dễ cung vốn ngắn hạn nhưng lại e dè vốn trung và dài hạn cho DN, trong khi vốn trung và dài hạn mới là điều mà các DN cần. VDB chỉ kéo dài được 12 năm bởi vì số vốn của NH này cũng không có nhiều mà phải phục vụ các dự án xóa đói giảm nghèo khác.

 

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thắng – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA). Kéo vốn về cho các DN là yêu cầu được đặt ra bức thiết nhất hiện nay. “Hiệp hội thành lập được 2 năm nhưng đến nay đã có hàng trăm hội viên là các DN hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ. Về mô hình, đây là mô hình liên kết DN CNHT đầu tiên trên cả nước, và chúng tôi muốn là đầu mối để thực hiện thí điểm các mô hình hợp tác ba bên: DN có nhu cầu - Ngân hàng và DNHT”.

 

Doanh nghiệp muốn giải pháp cụ thể

 

Theo ông Đặng Huy Đông – Phó trưởng Ban kinh tế TƯ, Thứ trưởng Bộ KHĐT, Bộ ngoài việc làm đầu mối về vốn, sắp tới các chính sách xúc tiến thị trường, tiếp cận yêu cầu  và chuẩn kỹ thuật của DN nước ngoài sẽ được làm triệt để: “Bộ sẽ làm việc với các địa phương để xây dựng các cụm, khu công nghiệp phục vụ riêng cho CNHT với ưu đãi đặc biệt, đặc thù về vốn, cơ sở hạ tầng và liên kết chuỗi ngành dọc... Mô hình HANSIBA sẽ là điển hình đầu tiên cho các DN Hà Nội, Bộ KHĐT sẽ thực hiện ở các địa phương đặc thù ví dụ như điện tử, linh kiện điện tử ở Bắc Ninh – Hải Dương; dệt may ở Hải Phòng – Nam Định, cơ khí chế tạo ở Bình Dương – Đồng Nai chẳng hạn…”

 

Tuy nhiên, đứng về phía DN, mặc dù có cơ chế vốn, chính sách ưu đãi nhưng họ vẫn chưa thấy đột phá trong cách làm và thực hiện. Ông Bùi Ngọc Huyên - TGĐ Cty Cổ phần Ô tô Vinaxuki: hiện nay, mức lãi vay của các Ngân hàng cho các DN CNHT còn cao, tương ứng với lãi vay thương mại và đầu tư thông thường. Ở Hàn Quốc, để khuyến khích DN đầu tư  vào CNHT, họ hạ lãi suất bằng 0 và thời gian vay đến hơn 30 năm. Tại Mỹ, các Ngân hàng cũng ưu đãi cho vay lãi suất chỉ rất thấp và lập quỹ đầu tư chung để đảm bảo cung tài chính đủ cho lĩnh vực này. Ở ta, các ngân hàng mới chỉ cho vay số lượng nhỏ, chưa thấm vào đâu đối với nhu cầu của các DN cả”.

 

Đại diện Công ty Tầm nhìn Việt chia sẻ: “Đối với các Cty hoạt động cung ứng thiết bị, đầu tư vốn là rất lớn, phải 5 năm mới có lãi. Nên nếu chỉ cho vay khoảng 5 - 10 năm như hiện nay thì chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ. ”.

 

Các ưu đãi của Ngân hàng đang tạo niềm tin cho DN, song NH cũng cần xem xét đến các yếu  tố quy mô nhỏ và vừa, lợi nhuận thấp, chi phí đầu tư cao để có cơ chế khuyến khích. “Nhà nước cần làm mối cho chúng tôi để chúng tôi tiếp cận cụ thể các điều kiện, quy tắc kỹ thuật của các DN lớn đề ra, chứ nếu chỉ mãi sản xuất theo những gì chúng tôi có như hiện nay thì rất khó để lọt vào mắt xanh của họ”.

 

Đa số DN cho biết, vốn là vấn đề quan trọng nhất, thứ hai là ưu đãi thời gian vay, ân hạn vay, chính sách tạo dựng liên kết thị trường và đặc biệt là cơ quan Nhà nước phải làm bà mối cho họ tìm hiểu các yêu cầu kỹ thuật của các DN lớn. “Các DN nước ngoài kêu không tìm được nhà cung cấp linh phụ kiện đáp ứng đúng tiêu chuẩn. Điều ấy là hoàn toàn đúng vì bản thân họ cũng không muốn đi nhập nhiều. Nhưng mốn vào được chuỗi liên kết, sản phẩm của DN Việt phải tốt, muốn sản phẩm tốt phải có công nghệ cao, máy móc hiện đại, muốn máy móc hiện đại DN phải vận dụng mọi cách để nhập khẩu máy móc, thiết bị nhưng vấn đề là vốn đâu cho chúng tôi nhập. Lãi suất cao, thời gian ngắn, ngặt nghèo về cơ chế vay trong khi chi phí đầu vào lớn, không vào được liên kết thì mãi DN Việt vẫn chỉ “vo ve” đứng ngoài cuộc chơi tỷ đô mà thôi”, đại diện môt DN chuyên sản xuất thiết bị cơ khí chính xác tại Hà Nội chia sẻ.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *