Đầu tư 01/11/2014 13:20

Đại biểu Quốc hội: “Có địa phương nợ xây dựng cơ bản lên tới 3.800 tỷ đồng”

FICA-Trong 16 tỉnh, thành có số nợ đọng lớn, có địa phương nợ đọng lên tới trên 3.800 tỷ đồng. Con số này cao gấp nhiều lần so với tổng thu ngân sách địa phương trong 1 năm.

Thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng: “Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến về đề án tái cơ cấu nền kinh tế do Chính phủ trình. Quá trình thảo luận nhiều đại biểu cho rằng, đề án nêu mục tiêu, giải pháp còn quá chung chung, thiếu những mục tiêu cụ thể cần phấn đấu đạt được. Qua hơn 3 năm thực hiện đề án cho thấy, ý kiến này của đại biểu Quốc hội là có cơ sở”.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (ảnh: Việt Hưng).

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, Đề án tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế đề cập nhiều lĩnh vực của nền kinh tế với lộ trình thực hiện khá dài, giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến 2030 nhưng thiếu sự lượng hóa mục tiêu, chỉ tiêu từng năm và từng giai đoạn. Do vậy, sẽ không có cơ sở cho việc đánh giá, mức độ đạt được cũng như tồn tại hạn chế so với chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.

Đến thời điểm giám sát hôm nay, chúng ta đã đi được 1/3 thời gian của quá trình tái cơ cấu nhưng theo đại biểu, hiệu quả mang lại thế nào cũng khó phân định. Ngay cả báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không có cơ sở để đưa ra số liệu có tính phân tích, so sánh hiệu quả mang lại của TCC nền kinh tế thời gian qua. Một khi mục tiêu thiếu sự lượng hóa thì việc nhìn nhận, đánh giá mặt được và chưa được của từng giai đoạn thực hiện TCC cũng sẽ rất chung chung, thiếu cơ sở để xác định, ràng buộc trách nhiệm.

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, chính điều này dễ tạo tâm lý chủ quan, ỷ lại trong quá trình triển khai đề án. Còn đại biểu Quốc hội và cử tri thì rất khó theo dõi, giám sát, vì tất cả đều rất chung chung, thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện.

Thực trạng nêu trên dẫn đến hệ quả là nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém trong quá trình đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế được phát hiện nhưng chậm xử lý.

Đại biểu Nguyễn Thái Học đưa dẫn chứng: Nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) diễn ra khá phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương trong thời gian dài nhưng đến nay chưa có khắc phục triệt để. Chính phủ cho biết, tính đến tháng 6/2014, nợ xấu XDCB lên tới hơn 44.000 tỷ đồng. Báo cáo nêu tên 16 tỉnh, thành có số nợ đọng XDCB lớn, cá biệt, số nợ đọng XDCB lên tới trên 3.800 tỷ đồng. Con số này cao gấp nhiều lần so với tổng thu ngân sách địa phương trong 1 năm.

Đề cập tới việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm, đại biểu chỉ ra thực tế, bản thân nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước cũng trì hoãn việc xây dựng đề án TCC. Cùng với đó, chủ trương thoái vốn đầu tư trái ngành của nhiều tổng công ty cũng còn rất chậm.

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đồng tình cao với báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên đại biểu đánh giá việc ban hành Đề tái cơ cấu tổng thể còn quá chậm và khi Đề án được ban hành mới chỉ nêu chung chung không đưa ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể.

“Dĩ nhiên, để chuyển đổi nền kinh tế từ phát triển chiều rộng sang phát triểu theo chiều sâu là cần có thời gian nhưng theo kế hoạch việc thực hiện Đề án này trong giai đoạn 2011 - 2015, như vậy chỉ còn 1 năm nữa là kết thúc nhưng đến nay kết quả vẫn chưa được rõ ràng”, ông Nam nói.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá, “các nỗ lực tái cấu trúc trong nước đang bị dồn nén cùng với sức ép cải cách đến từ tiến trình hội nhập quốc tế”.

Đại biểu đề nghị cần có một thể chế, khuôn khổ mới để Chính phủ điều hành hướng đến mục tiêu đã đề ra. Với ý định theo đuổi lạm phát mục tiêu như hiện nay của Chính phủ, đại biểu cho rằng nên có thêm mức tối thiểu nhằm tạo ra hành lang an toàn. Ví dụ, năm 2015, Chính phủ ngầm định lạm phát mục tiêu 5%, thì được phép trong biên độ +/- 1,5%, tránh lạm phát dao động lớn không dự tính được.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *