Đầu tư 31/10/2014 11:42

Đà Nẵng có thể trở thành điểm du lịch đẳng cấp thế giới

FICA - So sánh với thế giới, KTS. Robert Day (Tập đoàn WATG - Hoa Kỳ) cho rằng, Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành một trong những địa điểm du lịch đẳng cấp tương tự.

UBND TP Đà Nẵng mới đây vừa tổ chức Hội thảo xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ-du lịch quốc tế với 250 khách mời là các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn quốc tế tại Đà Nẵng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Theo đánh giá của các chuyên gia, quy mô kinh tế của TP.Đà Nẵng còn quá nhỏ, thực tế, khu vực dịch vụ có sự gia tăng về số lượng song chất lượng ở hầu hết các phân ngành dịch vị trọng yếu như du lịch, thương mại, vận tải, kho bãi… vẫn chưa có sự chuyển biến lớn, chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của thành phố, nhất là chưa theo kịp được trình độ cung ứng các dịch vụ, du lịch của các nền kinh tế ở khu vực ASEAN.

Bên cạnh đó, do sự tương đồng giữa các tỉnh miền Trung về lợi thế như bãi biển, cảng biển, khu công nghiệp và các cơ chế, chính sách tương tự nhau, Đà Nẵng cũng gặp không ít khó khăn để thu hút đầu tư “đẳng cấp cao đúng tầm” đề phát triển.

Theo TS.Trần Du lịch, Đà Nẵng vẫn đang thiếu định hướng, chiến lược phát triển mang đẳng cấp cao của thế giới, năng lực cạnh tranh so với các địa phương trong khu vực cũng không cao do những hạn chế trong nội tại của ngành như, du lịch còn mang tính thời vụ, chưa có sản phẩm đặc sắc, ấn tượng, mang bản sắc riêng của Đà Nẵng.

Đáng chú ý, môi trường du lịch tại một số khu, điểm du lịch có dấu hiệu ô nhiễm và xuống cấp, tình trạng chèo kéo, bán hàng rong vẫn còn xảy ra vào mùa du lịch cao điểm.

Cũng theo ông Lịch, nguồn nhân lực là một trong những hạn chế của ngành du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên vừa yếu, vừa thiếu chuyên nghiệp, nhất là hướng dẫn viên tiếng Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Miễn visa một số nước, tăng hàng tỷ USD từ du lịch

Chia sẻ tại Hội thảo, KTS Robert Day, Chuyên gia tư vấn Quy hoạch du lịch của Tập đoàn WATG (Hoa Kỳ) cho rằng, Đà Nẵng cầu phải được nghiên cứu một cách thấu đáo để trở thành một điểm đến du lịch mang tính toàn cầu. Trong đó, dịch vụ du lịch chỉ là một phần của điểm đến.

Theo đó, nó không chỉ là sản phẩm vật chất đơn thuần, mà bao gồm cả các tiện nghi, dịch vụ hỗ trợ tương quan như nơi ngủ nghỉ, mua sắm, ăn uống, văn hoá của người dân địa phương và thái độ của họ đối với nhóm khách du lịch. Ngoài ra, còn có vai trò chính quyền địa phương trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp du lịch.

Theo ý kiến của PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Đà Nẵng cần tập trung phát triển một số dịch vụ như xây dựng thành phố thông minh, dịch vụ du lịch, chăm sóc sức khoẻ có sức cạnh tranh quốc tế và khu vực ở đẳng cấp cao với các Trung tâm y tế chuyên sâu. Bên cạnh đó, với lợi thế của mình, Đà Nẵng có thể chọn định hướng trở thành “Trung tâm phân phối” với các kho bãi, cảng biển, giao nhận cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng thân thiện và hiệu quả.

So sánh với những địa điểm du lịch nổi tiếng khắp nơi trên thế giới, KTS. Robert Day (Tập đoàn WATG - Hoa Kỳ) cho rằng, Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành một trong những địa điểm du lịch đẳng cấp tương tự.

Ông Robert Day đưa ra 5 mô hình không gian du lịch tiềm năng, trong đó tại khu vực phía Bắc sẽ phát triển hệ thống khách sạn và nhà hàng quy mô nhỏ do các gia đình quản lý, không tạo ra sự khác biệt quá lớn giữa khách sạn và nhà dân, tạo ra những khu cư trú quy mô nhỏ, mang đầy bản sắc văn hoá địa phương.

Khu vực Sơn Trà áp dụng mô hình các khu biệt thự nghỉ dưỡng chuyên biệt nhỏ nằm dọc các sườn núi thấp, nép mình vào cảnh quan thiên nhiên của vịnh và rừng. Các bãi biển cần được chia thành nhiều phân khu mang các đặc tính riêng, phân khúc thị trường cụ thể. Đồng thời, thành phố cũng cần tạo một khu vực tách biệt dành riêng cho khách du lịch với đầy đủ dịch vụ như mua sắm, ăn uống, nghỉ dưỡng ngay giữa trung tâm thành phố.

Đồng quan điểm, ông Peter R. Ryder, Tổng Giám đốc Tập đoàn Indochina Capital đưa ra ý tưởng thành lập nhiều khu du lịch tiêu chuẩn quốc tế với các dịch vụ đẳng cấp như các cuộc thi thể thao quốc tế, đua xe công thức 1 vào cuối tuần… Theo ông Peter R. Ryder, Đà Nẵng cần gia tăng các chuyến bay quốc tế, đa dạng hoá các thị trường mục tiêu, đặc biệt là phát triển các chương trình du lịch kết hợp tìm kiếm cơ hội kinh doanh hay truyền thông.

Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch là đơn giản hoá các thủ tục visa. “Nếu chúng ta thật sự đơn giản hoá được thủ tục visa cộng với chính sách miễn visa tại một số nước, Việt Nam có thể tăng thêm 20% lượng du khách quốc tế (tương đương 1,6 triệu lượt người) vào năm 2015, tăng thêm hàng tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam” – ông Peter R. Ryder tính toán.

 Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *