Đầu tư 02/09/2014 07:59

Cuộc dịch chuyển toàn cầu và đích đến Việt Nam

Lần lượt Canon, Samsung, LG, và giờ đến lượt Nokia- Microsoft quyết định chuyển dịch đại bản doanh sản xuất toàn cầu về Việt Nam.

Cuộc dịch chuyển rầm rộ

Tỉnh Bắc Ninh trong công văn gửi Bộ Khoa học công nghệ mới đây cho biết, sẽ có thêm 39 dây chuyền sản xuất điện thoại di động thông minh Nokia về Việt Nam từ nay cho đến tháng 2/2015.

Theo đó, năng lực sản xuất thiết bị điện thoại Nokia khu công nghiệp VSIP sẽ tăng ít nhất là 6 lần và ngay trong 2014, sản lượng sẽ tăng gấp 3 lần. Các sản phẩm chính được sản xuất tại đây sẽ là dòng điện thoai cao cấp nhất umia 630 và Lumia 530.

Từ hồi tháng 5/2014, cuộc đại chuyển dịch này đã được công bố rộng rãi bởi ông chủ mới của Nokia Việt Nam chính là Tập đoàn Microsoft Mobile Oy.

FDI, Starburk, Samsung, Intel, đầu-tư-nước-ngoài, giải-ngân, vốn-ODA, mở-rộng-sản-xuất, vốn-ngoại, tăng-trưởng
Nokia đã chọn Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới.

Sau khi nắm quyền sở hữu 3 tháng, Microsoft đã thông báo, chiến lược phát triển toàn bộ Tập đoàn sẽ thay đổi bằng việc đầu tiên là đóng cửa toàn bộ, hoặc một phần của nhà máy sản xuất tại Komarom (Hungary), Bắc Kinh, Quảng Đông (Trung Quốc) và Reynosa (Mehico) để chuyển đến nơi mới thuận lợi hơn, trong đó có Việt Nam.

Tỉnh Bắc Ninh khẳng định, với sự thay đổi chiến lược này, nhà máy Nokia tại Bắc Ninh sẽ đóng vai trò chủ lực trong việc sản xuất thiết bị điện thoại di động của Microsofl và Nokia Việt Nam.

Một cuộc chuyển dịch rầm rộ sản xuất của các hãng điện tử toàn cầu từ các nước láng giềng sang Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Đó không hề là những quyết định đơn lẻ. Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Canon... đã chứng minh Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn.

Theo tuyên bố của các hãng, Việt Nam sẽ là cứ điểm sản xuất cung cấp 80% smartphone cho Samsung và 80% bộ vi xử lý Haswel của Intel trên toàn cầu. Đến nay, Việt Nam cũng đã là nơi sản xuất tập trung các thiết bị máy in của Canon.

Đầu tháng 7, Samsung cam kết rót thêm 1 tỷ USD, mở nhà máy thứ 3 sản xuất màn hình điện thoại tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh (Samsung Display). Lúc mới vào Việt Nam, Tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc chỉ đầu tư 670 triệu USD nhưng giờ là 6,85 tỷ USD.

Cuối tháng 7, bộ vi xử lý CPU Haswel sản xuất đầu tiên ở Việt Nam của Intel đã ra mắt tại Tp HCM. Đây là sản phẩm thứ 3 made in Vietnam của Intel. Cùng đó, lãnh đạo hãng này khẳng định, Intel Việt Nam đã đi đúng lộ trình được chọn trong chiến lược toàn cầu.

Một hãng điện tử khác cũng nổi tiếng là Wintek của Đài Loan, chuyên sản xuất các sản phẩm màn hình cảm ứng cũng vừa hé lộ kế hoạch với tỉnh Bắc Giang rằng sẽ tăng gấp đôi vốn đầu tư tại Việt Nam so với hiện nay. Từ vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, hãng Wintek sẽ có tổng vốn lên khoảng 2,4 tỷ USD, quyết tâm mở rộng đầu tư lớn ở Việt Nam và kéo theo, sẽ cần tới 51.000 lao động tại Việt Nam.

Trước nữa, LG Electronic Việt Nam đã mở rộng sản xuất ở Hải Phòng khá ấn tượng. Bởi đầu năm, tổng vốn chỉ dự kiến khoảng 300 triệu USD nhưng sau đó chính hãng tại Hàn Quốc đã quyết định phải bỏ vốn gấp 5 lần con số trên tại Việt Nam. Trong tháng 10 tới, nhà máy mới 1,5 tỷ của LG Việt Nam sẽ đi vào hoạt động.

Đến nay, Việt Nam tụ hội hầu hết các nhà máy sản xuất điện tử lớn trên thế giới, đến từ Nhật, Mỹ, Hàn Quốc. Từ một nơi lắp ráp đơn thuần, các hãng đã chọn Việt Nam thành nơi sản xuất cho toàn cầu.

Quyết sách mạnh, chớp cơ hội nhanh

Một quốc gia có dân số vàng như Việt Nam, môi trường chính trị xã hội ổn định, chi phí nhân công rẻ, người lao động có đặc tính thông minh, cần cù... hẳn nhiên sẽ luôn hấp dẫn bất cứ ông lớn sản xuất nào. Nhất là khi chi phí nhân công ở các nước khác đang tăng nhanh.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là chính các quyết sách ưu đãi lớn của các bộ ngành, Chính phủ Việt Nam đối với các Tập đoàn đa quốc gia. Gần đây nhất là tại cuộc họp báo Chính phủ 28/8, Thủ tướng đã đồng ý dừng việc triển khai Thông tư 20 của Bộ KHCN để tạo thuận lợi cho Microsoft chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại Nokia từ các nước về Việt Nam.

Nếu theo Thông tư có hiệu lực từ 1/9, các dây chuyền phải mới 80%, không quá 5 năm mới được vào Việt Nam thì có lẽ, cuộc chuyển dịch sản xuất của Nokia sẽ bị ách tắc dài dài.

FDI, Starburk, Samsung, Intel, đầu-tư-nước-ngoài, giải-ngân, vốn-ODA, mở-rộng-sản-xuất, vốn-ngoại, tăng-trưởng
Samsung - mẫu hình thành công ở Việt Nam.

Hay như các cơ chế riêng cho hoạt động của Samsung rất đặc thù. Ngày 19/8, Bộ Tài chính đã cho phép Samsung được phép sử dụng mẫu hoá đơn tự in trong hệ thống kế toán của Tập đoàn toàn cầu khi xuất hàng hoá, dịch vụ ra nước ngoài, mà không nhất thiết phải đúng mẫu hoá đơn theo quy định đối với doanh nghiệp trong khu chế xuất.

Lý do khá chính đáng cho Samsung là mỗi ngày, Samsung Eclectronics Việt Nam xuất ra 22.000 hoá đơn xuất khẩu, doanh thu 2 tỷ USD/tháng và có hàng trăm các giao dịch khác. Nếu phải tích hợp với hệ thống phần mềm hoá đơn Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng tính đồng bộ dữ liệu phần mềm kế toán và bán hàng của hãng này trên toàn cầu.

GS Nguyễn Mai, nguyên chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế nước ngoài, Bộ KHĐT nhấn mạnh vai trò quyết tâm chính trị của các nhà làm chính sách. Ví dụ như Samsung, nếu năm 2006, Chính phủ còn lấn cấn về các ưu đãi thì có lẽ, Tập đoàn này đã chuyển sang đầu tư ở Thái Lan rồi.

Dù vậy, trong cuộc đại chuyển dịch trên, hiệu ứng lan toả cho ngành công nghiệp Việt Nam đến đâu hãy còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Theo Phạm Huyền

VEF

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *