Đầu tư 17/11/2014 20:05

Chuyện làm "con ốc vít": Cần ban hành nghị quyết về vấn đề này!

FICA - Thừa nhận ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhiều yếu kém, Bộ trưởng Công Thương đề xuất với Quốc hội, ngay trong kỳ họp này, ban hành một nghị quyết có nêu rõ vấn đề về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trong phiên chất vấn chiều nay 17/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến vấn đề về phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.

 

Đại biểu Quốc hội Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) cho biết: Năm 2007, Bộ Công nghiệp có Quyết định 34 về phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đến năm 2010 tầm nhìn 2020. Trong đó đã xác định vai trò quan trọng của CNHT là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định về chính sách phát triển một số ngành CNHT.

 

Nhưng cho đến nay, sau nhiều năm, CNHT Việt Nam chưa có gì đáng kể. “Xin hỏi Bộ trưởng, có phải vì Việt Nam thiếu các chính sách cụ thể để thúc đẩy CNHT phát triển? Nếu đúng, trách nhiệm của các Bộ ngành, trong đó có trách nhiệm Bộ trưởng?”, đại biểu Mạo đặt câu hỏi.

 

Công nghệ phụ trợ Việt Nam: Thiếu và yếu (ảnh minh họa).
Công nghệ phụ trợ Việt Nam: Thiếu và yếu (ảnh minh họa).

 

 

Đáp lại câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Đúng là CNHT trong thời gian vừa qua có khá nhiều vấn đề. Qua một số kỳ họp, đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đặt vấn đề này. Có một số đại biểu Quốc hội hầu như kỳ họp nào cũng nêu và có một số đề xuất Chính phủ, với sự tham mưu của các Bộ, ngành, sớm có những cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích lĩnh vực này. Gần đây nhất, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12 về một số chính sách khuyến khích CNHT; Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định ban hành một số chính sách đối với 6 nhóm hàng hóa liên quan đến CNHT trong lĩnh vực cơ khí chế tạo ô tô, điện tử, dệt may, da giầy, hàng nhựa. Gần đây nhất, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ.

 

Như vậy, nói về chính sách, theo Bộ trưởng Hoàng, nước ta cũng đã quan tâm, tuy nhiên, do cấp độ pháp lý của những chính sách này còn đang thấp, chưa đạt yêu cầu, thậm chí chưa có nghị định, thậm chí nhiều đại biểu cho rằng cần có Luật về Công nghiệp hỗ trợ. Chính vì thực tế này nên chưa tạo thuận lợi cho CNHT phát triển.

 

Theo Bộ trưởng, nói tới CNHT ở nước ta mới chủ yếu nói đến phụ tùng, linh kiện, nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, để có thể phát triển lĩnh vực này, đòi hỏi quy mô sản xuất phải khá lớn, đủ để cho sản xuất với số lượng nhiều. Qua đó, giá thành có thể cạnh tranh được, và tổ chức sản xuất thuận lợi hơn.

 

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều sản phẩm hàng hóa dung lượng thị trường chưa đủ. Chẳng hạn, với ô tô, mỗi năm, các cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chỉ sản xuất được khoảng 70.000 xe, mà của rất nhiều chủng loại khác nhau, của hơn 10 nhà lắp ráp, sản xuất. Cho nên, khó có doanh nghiệp nào cung cấp linh kiện phụ trợ nào lại đứng ra cung cấp cho các nhà sản xuất này với nhiều chủng loại khác nhau.

 

Theo thống kê, với 1 sản phẩm ô tô, mỗi năm phải có sản lượng 100.000 xe thì doanh nghiệp làm CNHT mới có thể phát huy được. Nhưng vừa qua, nước ta chưa đạt được điều này. Đây cũng là nguyên nhân, theo Bộ trưởng, làm cản trở CNHT phát triển.

 

Riêng về dệt may, da giầy, do sản xuất hàng hóa Việt Nam lớn, vừa qua các doanh nghiệp trong nước đã cố gắng, tỷ trọng nội địa hóa tăng lên. Theo số liệu thống kê, hiện tại, dệt may có thể tự lo liệu 50% nguyên phụ liệu trong nước, da giầy cũng đạt khoảng 60%.

 

 

“Với xu thế thương mại hóa toàn cầu, sự phân công trong chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu ngày càng được quyết định bởi các doanh nghiệp lớn. Cho nên, khi các doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh đã sử dụng mạng lưới xí nghiệp vệ tinh, mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ hình thành sẵn có để chuyên cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia này. Việt Nam đi sau nên việc len chân được vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng là điều hết sức khó khăn, trong bối cảnh chúng ta sức còn đang yếu, kinh nghiệm chưa nhiều”, Bộ trưởng cho hay.

 

 

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Nguyễn Thị Khá nêuVề lĩnh vực phát triển CNHT, hiện nay, với chủ trương kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nói chung, cụ thể là doanh nghiệp có vốn nước ngoài, trong lĩnh vực lắp ráp như ô tô, điện tử, điện thoại di động... thì tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm? Hiện nay, có dư luận cho rằng, từ những con ốc vít nhỏ cũng phải nhập khẩu từ nước ngoài. Phải chăng, lĩnh vực này, đất nước ta chỉ là nơi bãi đáp để họ thuê một phần lao động phổ thông và hưởng chính sách ưu đãi đầu tư ở Việt Nam? Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình về vấn đề này và Bộ trưởng có giải pháp gì cụ thể để cải thiện hơn?

 

 

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay: Xét chung về lĩnh vực CNHT ở ta còn nhiều hạn chế, nhưng về riêng từng lĩnh vực thì mức độ kết quả có khác nhau. Chẳng hạn, về ô tô, quy hoạch đến 2010 tầm nhìn 2020, rồi quy hoạch mới của Chính phủ phê duyệt đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 thì có mức độ tỷ lệ nội địa hóa ô tô có khác nhau.

 

Trong đó, ô tô chở khách đến 80 chỗ, đã nội địa hóa được 40%; xe chuyên dụng đã nội địa hóa 70%; xe con mới khoảng 10%. Riêng xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa trên 90%, kể cả động cơ, mỗi năm đã xuất khẩu ra nước ngoài kim ngạch trên 280 triệu USD. Giá cả, chất lượng xe nội đã cạnh tranh được và đẩy bật hàng ngoại của một số nước láng giềng. Đây là thắng lợi của CN xe máy.

 

Về điện tử gia dụng có mức độ nội địa hóa 30-35%, gồm điều hòa, máy giặt, tủ lạnh...; điện tử tin học thì còn thấp, chỉ khoảng 15%; dệt may được 50%, da giầy 60%...

 

Thừa nhận ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhiều yếu kém, Bộ trưởng Công Thương đề xuất với Quốc hội, ngay trong kỳ họp này, ban hành một nghị quyết có nêu rõ vấn đề về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, để ngành này phát triển, các chính sách cần tăng cường việc hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp, thành lập một số trung tâm hỗ trợ hoạt động phi lợi nhuận khối doanh nghiệp này; đối với các dự án ODA, có thể dành 1 tỷ lệ vốn vay nhất định nhằm tạo sự thuận lợi cho các doanh nghiệp…

 

Nguyễn Hiền
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *