Đầu tư 21/05/2014 07:12

Chậm thanh lý, tàu Vinashinlines sẽ thành sắt vụn

Nhiều con tàu thuộc Công ty TNHH MTV Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) đang có nguy cơ trở thành sắt vụn nếu không được thanh lý sớm.

 
Giá trị những con tàu của Vinashinlines giảm rất nhanh theo thời gian
Giá trị những con tàu của Vinashinlines giảm rất nhanh theo thời gian
 

Tàu dừng, giá trị giảm từng ngày

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) Vũ Anh Minh cho biết, hiện Vinashinlines đang có 7 tàu biển và một hệ thống tàu Lash (trong đó 4 tàu đang khai thác). Hầu hết các tàu này thuộc nhóm bán, thanh lý theo Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 4/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu TCT Hàng hải VN giai đoạn 2012 - 2015. 

Trước đó, từ giữa tháng 3/2014, Vinashinlines đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội. Kế đó, ngày 20/3/2014, Tòa án đã có biên bản tiếp nhận hồ sơ của Vinashinlines và yêu cầu Vinashinlines bổ sung một số tài liệu liên quan. Khi Vinashinlines phá sản, các tổ chức tín dụng sẽ được ưu tiên thanh toán các khoản nợ từ việc thanh lý các tài sản đảm bảo. Toàn bộ quá trình bán, thanh lý tài sản thực hiện theo quy định pháp luật và sẽ được các tổ chức tín dụng cho vay giám sát. Số tiền bán tàu sau khi trừ đi chi phí sẽ được thanh toán toàn bộ cho các tổ chức tín dụng cho vay mua tàu.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các tổ chức tín dụng, nếu thực hiện theo quy trình, thủ tục phá sản và thanh lý tài sản sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong khi, các phương tiện hàng hải sẽ bị xuống cấp rất nhanh, khả năng thu hồi vốn Nhà nước rất thấp. Bên cạnh đó, việc trông coi tàu, duy trì tình trạng an toàn tối thiểu cho các tàu rất tốn kém, nhưng nếu không có những chi phí này, tàu có thể chìm bất cứ lúc nào hoặc trôi dạt, gây mất an toàn cho thuyền viên, tàu và các hoạt động hàng hải. 

Do vậy, các tổ chức tín dụng đề xuất thực hiện giải chấp tài sản và yêu cầu Vinashinlines phối hợp bán để thu hồi nợ, giảm nguy cơ mất an toàn cho tàu và thuyền viên. Việc bán, thanh lý các tàu sẽ thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục pháp luật quy định và được sự giám sát của các tổ chức tín dụng và cả Tòa án (nếu cần thiết).

Hàng loạt tổ chức tín dụng “kêu cứu”

Theo Quy định tại Điều 43 Luật Phá sản: Giao dịch với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản được thực hiện trong khoảng thời gian 3 tháng trước ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ bị coi là vô hiệu. 

Vì thế, vấn đề đặt ra là liệu việc thực hiện bán các tài sản đảm bảo theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng trong thời gian Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đang thụ lý hồ sơ (chưa mở thủ tục phá sản) có bị tuyên vô hiệu với mục đích là tẩu tán tài sản hay không (quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 43 Luật Phá sản).

Về vấn đề này, đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, việc Vinashinlines thực hiện bán các tài sản bảo đảm (trước thời điểm tòa án mở thủ tục phá sản) theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng để thực hiện nghĩa vụ thanh toán chính các khoản nợ được bảo đảm đã đến hạn thanh toán sẽ không thuộc trường hợp giao dịch nhằm mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 43 Luật Phá sản.

Khẩn thiết đề nghị được sớm thanh lý những con tàu trên nhằm giảm thiểu thiệt hại, đại diện Ngân hàng Đại chúng (PVcomBank) - đơn vị đang cho Vinashinlines vay ủy thác hơn 7,4 triệu USD để mua tàu Vinashin Liner 2 cho biết: “Nếu chờ Vinshinlines phá sản xong cũng phải mất ít nhất 5 - 10 năm. Khi đó, tàu đã hỏng hết, bán thanh lý không được bao nhiêu. Giải pháp mà chúng tôi đề nghị chắc chắn không phải để tẩu tán tài sản, cũng không phải vì lợi ích cá biệt của bất cứ tổ chức nào mà chỉ để giảm thiểu thiệt hại”.

Đồng quan điểm, đại diện Ngân hàng Phát triển VN (VDB) cho rằng, việc bán tàu đều được thực hiện công khai, minh bạch thông qua thẩm định giá, đấu giá chứ không có chuyện chui lủi, mờ ám hay tẩu tán tài sản. 

Còn đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) đề xuất cho phép tổ chức tín dụng được bán những tài sản này. Thủ tục bán thực hiện công khai, minh bạch, đúng trình tự. Tiền bán tài sản có thể phong tỏa tại tài khoản và sau này phân chia như thế nào sẽ do tòa quyết định. Có như vậy mới tránh thiệt hại thêm cho ngân hàng, cho Nhà nước.

 
 
Ngân hàng vuột mất cơ hội vì chần chừ
 
 
Nhấn mạnh việc phải có trách nhiệm với tài sản của Nhà nước, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các bên liên quan tìm giải pháp tốt nhất để thu hồi vốn và giải quyết theo thủ tục phá sản Vinashinlines. “Bộ GTVT đề nghị bán tàu rất lâu nhưng vì nhiều lý do khác nhau, các ngân hàng chưa tập trung đẩy nhanh tiến độ bán tàu” - Thứ trưởng nêu rõ. 
 
 
Cũng theo Thứ trưởng Trường, nếu không thực hiện ngay việc bán tàu sẽ phát sinh chi phí rất lớn phục vụ neo đậu và đảm bảo an toàn cho tàu, đồng thời giá trị tàu giảm rất nhanh vì không được bảo quản. Bên cạnh đó, mùa mưa bão sắp đến, nguy cơ mất an toàn cho tàu và thuyền viên rất cao. Giữa việc hoàn tất thủ tục phá sản và việc xử lý tài sản, cần làm sao để vốn Nhà nước không mất đi nhiều. Bộ GTVT sẽ sớm trình Chính phủ đề nghị cho phép tiếp tục bán, thanh lý các tàu theo kế hoạch, chuyển chủ đầu tư hoặc các tổ chức tín dụng thực hiện việc thu hồi tài sản đảm bảo theo quy định hoặc chuyển các tàu cho các tổ chức tín dụng để giảm thiểu thiệt hại. 

 

Theo Thanh Bình
Báo GTVT

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *