Đầu tư 10/03/2015 21:49

Bộ trưởng Thăng: “Cổ phần hóa - chỉ có tiến, không bàn lùi!”

FICA – “Tư lệnh” ngành GTVT khẳng định, các doanh nghiệp trong ngành sẽ không lùi tiến độ cổ phần hóa vì bất cứ lý do nào. Khi đã làm phải với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ hơn và hoàn thành bằng được.

Tại buổi họp kiểm điểm công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước 2 tháng đầu năm 2015 kế hoạch triển khai Quý I, II/2015 và trong thời gian tiếp theo diễn ra sáng nay (10/3), Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT Vũ Anh Minh cho biết, kế hoạch trong năm 2015 sẽ hoàn thành việc bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần đối với các doanh nghiệp đã thực hiện IPO trong năm 2014, thực hiện CPH 15 doanh nghiệp đã triển khai trong năm 2014 và tiếp tục triển khai CPH 29 doanh nghiệp khác.

Riêng 2 tháng đầu năm 2015, Ban Chỉ đạo đã hướng dẫn, thẩm định hồ sơ quyết toán chi phí cổ phần hoá (CPH), xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần theo quy định 10 công ty mẹ - Tổng Công ty.

 

Cụ thể, ông Minh cho hay, đến nay, đã hoàn thành công tác quyết toán, bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần đối với Tổng Công ty Thăng Long; đang thẩm định hồ sơ quyết toán, phục vụ bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần của 9 doanh nghiệp.

Ông Minh cũng cho biết thêm, ngày 12/3, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ tổ chức đại hội cổ đông lần đầu thành lập công ty cổ phần và tiếp tục thực hiện quy trình lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Bên cạnh đó, Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã phê duyệt phương án CPH 4 công ty, dự kiến IPO trong tháng 3/2015 là Công ty thi công cơ giới – TCT Bảo đảm ATHH miền Bắc, Traximexco Hà Nội, Cảng Cam Ranh, riêng Cảng Sài Gòn sẽ IPO vào tháng 4/2015. Đang thẩm định phương án CPH Công ty mẹ - Hàng hải Việt Nam và Bệnh viện GTVT TƯ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2015. Đồng thời thẩm định, phê duyệt giá trị doanh nghiệp để CPH 4 công ty con thuộc SBIC…

Về công tác thoái vốn, trong thời gian qua, Bộ đã phê duyệt chủ trương, phương án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thoái vốn cho 25 doanh nghiệp với tổng giá trị thoái vốn khoảng gần 3.700 tỷ đồng theo mệnh giá, gồm TEDI, Cienco8, 11 công ty thuộc TCT Đường sắt VN, 4 công ty con của Vinalines, 1 công ty thuộc Vietnam Airlines, 3 công ty thuộc Cienco6, 3 công ty con của Vinamotor.

Về kế hoạch CPH các đơn vị sự nghiệp công lập, trong tháng 1/2015, Bộ đã có văn bản gửi Vụ Tài chính và các đơn vị sự nghiệp công lập, yêu cầu báo cáo tổng hợp về tình hình hoạt động của các đơn vị, hiện nay cơ bản các đơn vị đã báo cáo xong số liệu. Ngay sau đó, Vụ QLDN đã làm việc với Vụ Đổi mới doanh nghiệp (VP Chính phủ) về lộ trình, phương thức triển khai thực hiện. Trong tháng 3/2015 sẽ dự thảo tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương xây dựng Đề án cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực là giáo dục, y tế và đăng kiểm.

Không bàn lùi

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, việc tái cơ cấu, sắp xếp, CPH doanh nghiệp là xu thế tất yếu và đem lại hiệu quả rất lớn. Đây cũng là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ nên “phải thực hiện, không có bàn lùi, chỉ có tiến”. Các doanh nghiệp trong ngành GTVT sẽ không lùi tiến độ CPH vì bất cứ lý do nào. Khi đã làm phải với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ hơn và hoàn thành bằng được.

“Nhà nước chỉ quản lý những gì thuộc về an ninh, quốc phòng hay lĩnh vực buộc phải nắm giữ, còn lại đều phải điều chuyển cho nhân dân làm chủ sở hữu và quản lý. Nhà nước chỉ quản lý bằng thể chế, chính sách, hiến pháp, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiểm tra giám sát. Chúng ta đang xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân thì tài sản  chỉ được quản lý tốt, hiệu quả, không tham nhũng, thất thoát, lãng phí khi chính người lao động trực tiếp quản lý và sử dụng”,  Bộ trưởng nói.

Để thực hiện thành công công tác tái cơ cấu, sắp xếp, CPH doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu cần phải thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc tái cơ cấu và CPH doanh nghiệp theo đúng lộ trình.

Đối với các đơn vị khó khăn như: Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC), Vinalines… phải tập trung tái cơ cấu thành công để thực hiện CPH theo đúng mục tiêu đề ra. Đối với nguồn vốn sau CPH, Bộ trưởng cho biết sẽ đề nghị Chính phủ cho giữ lại để phát triển hạ tầng giao thông.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *