Đầu tư 08/04/2015 13:39

Bán sân bay, cần minh bạch để cạnh tranh

FICA - Sau khi Chính phủ và Bộ GTVT có chủ trương bán các sân bay cho tư nhân khai thác, nhiều chuyên gia, học giả và giới phân tích đưa ra nhiều quan điểm trái chiều, trong đó rất nhiều ý kiến lo sợ thiếu minh bạch trong cạnh tranh nếu để 1 doanh nghiệp quản lý, khai thác 1 sân bay

Sau khi Bộ GTVT có chủ trương cho phép các DN tham gia khai thác thương mại các cảng hàng không, Vietjet Air, Vietnam Airlines và một số doanh nghiệp đã đề xuất được nhượng quyền khai thác một số cảng sân bay như nhà ga T1 Nội Bài, Phú Quốc, Đà Nẵng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan được cộng đồng DN và người dân quan tâm.

 

Sân bay Phú Quốc nằm trong kế hoạch bán cho tư nhân trong thời gian sắp tới

 

Tại buổi hội thảo “Xã hội hoá hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay ở Việt Nam” được tổ chức sáng nay tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao đây là chủ trương đúng để giảm gánh  nặng chi ngân sách trong bối cảnh đầu tư phát triển chỉ chiếm 31% tổng đầu tư toàn xã hội. Các chuyên gia cũng khẳng định cần nhiều hơn nữa các cơ chế minh bạch trong đấu gia quyền khai thác, cơ chế để chống độc quyền khi tư nhân khai thác cảng.

 

Ông Lê Mạnh Hùng – Tổng giám đốc TCty Cảng hàng không VN cho rằng thực tế, việc nhượng quyền khai thác cả sân bay hay nhà ga hành khách cho một hãng hàng không là trường hợp thiểu số trên thế giới. Tuy nhiên, nếu một hãng hàng không hoặc một liên minh các hãng hàng không được phép mua quyền khai thác hoặc sở hữu một sân bay, công trình kết cấu hạ tầng trong sân bay thì phải có quy định cụ thể đảm bảo các hãng hàng không khác được tiếp cận một cách công bằng với các dịch vụ được cung cấp tại sân bay. Nếu không, chính sự độc quyền này sẽ tạo ra sự chèn ép các hãng hàng không khác, làm giảm lượng hành khách từ các hãng hàng không khác đến sân bay.

 

Còn theo ông Phạm Quý Tiêu - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, một sân bay nói riêng và hệ thống sân bay nói chung là tài sản cực kỳ quan trọng đối với một quốc gia. Do đó, nếu toàn bộ hay một phần hệ thống sân bay này bị chi phối bởi một nhà khai thác tư nhân thì sẽ tạo ra những rủi ro chính trị, kinh tế nhất định cho quốc gia.

 

Mặt khác, các hãng hàng không và khách hàng có thể không được tiếp cận với dịch vụ ở mức tốt nhất và sẽ tạo ra thế độc quyền nhất định cho nhà đầu tư. Đồng thời, cần đảm bảo giá các dịch vụ cung cấp tại sân bay không quá cao. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi không chỉ của các hãng hàng không mà còn của hành khách.

 

Việc các hãng hàng không Vietjet Air, Vietnam Airlines và một số doanh nghiệp đề xuất được nhượng quyền khai tác một số cảng sân bay như nhà ga T1 Nội Bài, Phú Quốc, Đà Nẵng là tín hiệu tốt cho thấy sự mở đầu của một giai đoạn phát triển mới của ngành hàng không Việt Nam, đặc biệt là hoạt động của các cảng hàng không.

 

Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều vấn đề liên quan đến sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào thị trường hàng không trong đó có việc mua lại quyền khai thác nhà ga và tiến tới là các dịch vụ khác như định giá tài sản nhà nước, đấu thầu, năng lực tài chính và trình độ quản lý, khai thác của doanh nghiệp. Việc mua lại nhà ga có dẫn đến việc chuyển sự độc quyền từ chủ thể này sang chủ thể khác? Nhà nước có cơ chế kiểm soát và chính sách gì để tạo ra cạnh tranh lành mạnh và hỗ trợ cho doanh nghiệp khai thác kinh doanh hiệu quả.

 

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho rằng, hiện nay, tại Việt Nam có 4 hãng hàng không, khai thác 111 tàu bay, 56 đường bay quốc tế, 46 đường bay nội địa. Theo kế hoạch, đến năm 2020 đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ là 205 chiếc.

 

Tổng công suất thiết kế tính đến hết năm 2014 là 56 triệu lượt hành khách và tính đến hết tháng 3/2015 là 58 triệu lượt hành khách. Dự báo đến 2020 tổng thị trường hành khách thông qua CHKSB sẽ đạt 106 triệu, đến năm 2030 đạt trên 200 triệu lượt hành khách.

 

Tuy nhiên, phần vốn đầu tư từ NSNN và TPCP chỉ chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn ngành, còn lại 95% là nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách và nguồn vốn tư nhân chỉ chiếm 4%.

 

Giai đoạn 2015-2020 tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là 230.215 tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước rất khó khăn, để khai thác được các nguồn vốn đầu tư khác trong xã hội thì việc xã hội hóa đầu tư và khai thác để kêu gọi các nguồn vốn khu vực tư nhân

 

Ông Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho biết: “Cá nhân tôi hết sức ủng hộ việc bán, nhượng quyền khai thác sân bay. Vấn đề là bán cái gì, bán như thế nào, cho ai, với giá bao nhiêu… Hiện tại, có chủ trương ưu tiên nhượng quyền cho doanh nghiệp trong nước, nhưng về lâu dài có thể phải tiến tới việc cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Điều quan trọng là phải bàn bạc tìm ra hướng đi tối ưu nhất và đảm bảo việc bán, nhượng quyền sân bay này được thực hiện công khai, minh bạch.

 

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện CIEM: tư nhân hoá, cổ phần hoá không phải là câu chuyện mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Ông Thành đánh giá nếu ví thị trường như một “sân chơi” thì “sân chơi” đó nếu có rất nhiều “người chơi” cùng thông tin đầy đủ, khi đó rất tự nhiên sẽ có cạnh tranh. Trong trường hợp “sân chơi” chỉ có một hoặc rất ít “người chơi”, thì phải biết tạo áp lực cạnh tranh bằng các quy định điều tiết minh bạch, rõ ràng.

 

Nguyễn Tuyền

 

 

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *