Đầu tư 21/10/2014 14:50

“Siêu” dự án Sân bay Long Thành: Chờ Quốc hội thông qua chủ trương

FICA - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc đưa sân bay Long Thành vào bàn thời điểm này rõ ràng là không có lợi, nhất là trong bối cảnh nợ công tăng nhanh.

Bên lề Quốc hội sáng nay 21/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có cuộc trao đổi với báo giới về các dự án của ngành giao thông, đặc biệt là “siêu” dự án Sân bay Long Thành.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trải lòng với báo chí.

Nhiều người cho rằng, xây dựng sân bay thực sự không hiệu quả lắm, ông nghĩ sao thưa Bộ trưởng?

Thế nào là không hiệu quả, nếu không hiệu quả thì tôi không đầu tư sân bay, đầu tư bất động sản. Có thể nói hệ thống sân bay của mình hiện nay, đặc thù của mình là sân bay hữu dụng, dùng cả dân dụng và quốc phòng an ninh. Từ khi đất nước giải phóng đến nay thì chúng ta mới đầu tư duy nhất là đảo Phú Quốc, còn lại toàn bộ không có từ trước đến nay. Cho nên có ý kiến cho rằng nhiều sân bay đầu tư dàn trải thì không phải. Có những sân bay như sân bay Điện Biên, nếu nó không hiệu quả thì không ai duy trì nó cả, hoặc các sân bay khác.

Nhưng sân bay buộc phải duy trì, nó không chỉ hoạt động là dân dụng và kinh tế mà nó cả an ninh xã hội, quốc phòng an ninh tổng hợp. Cho nên phải hiểu cả mạng sân bay, nó quy hoạch từ trước đây, từ khi chưa giải phóng đã có rồi. Thậm chí như Hải Phòng trước đây có 3 sân bay vì nó gửi gắm cả quốc phòng, an ninh, cả kinh tế xã hội.

Nói chuyện đầu tư sân bay có hiệu quả hay không, tổng đầu tư cảng hàng năm nó vẫn hoạt động tốt, có lãi. Còn tất nhiên nó có vấn đề nọ vấn đề kia cần chấn chỉnh nâng cao hiệu quả lên. Việc đầu tư là cần thiết. Một đất nước phát triển, hội nhập thì không thể không có hàng không được, làm sao đi được đường biển với đường sắt, đường bộ được.

Hiện nay dự án này có rất nhiều tranh luận, hầu hết họ không phủ nhận sân bay Long Thành bởi trước sau gì cũng phải làm, nhưng vấn đề ta quan tâm tại thời điểm này khi kinh tế đang khó khăn, nợ công nguy hiểm như thế…?

Đúng là nhân dân, dư luận cũng như nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ là sân bay Long Thành là cần thiết, việc mở rộng Tân Sơn Nhất là không thể. Cần thiết phải đầu tư 1 sân bay để phục vụ cho yêu cầu của đất nước.

Tuy nhiên đưa sân bay Long Thành vào thời điểm này rõ ràng là không có lợi, bởi chúng ta đang bàn đến nợ công như chính phủ đã báo cáo rồi, hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát. Như trong báo cáo của chính phủ nói rõ là nợ công đang có chiều hướng tăng nhanh, chính vậy phải tính toán trong cả bối cảnh kinh tế của đất nước với từng dự án cụ thể, sân bay Long Thành cũng làm như vậy.

Việc tính toán sân bay Long Thành làm sao phải đứng trong sự phát triển chung của đất nước, phải đảm bảo các tiêu chí về nợ công cũng như trả nợ mà Quốc hội đã đề ra. Đợt trình cảng sân bay Long Thành này không phải trình để Quốc hội phê duyệt dự án để triển khai ngay mà là xin chủ trương. Còn từ xin chủ trương đến lập báo cáo khả thi đến lúc triển khai nó cả quãng thời gian dài, không thể nhanh được.

Vấn đề giờ Quốc hội cũng như nhân dân quan tâm là tiền đâu, trong báo cáo cũng đã nêu rồi, báo cáo tiền khả thi cũng chỉ có 1 số mang con số hết sức hạch toán. Còn để đảm bảo chính xác, đầy đủ nội dung hơn thì yêu cầu của Quốc hội, người dân cũng rất chính đáng. Người ta muốn biết thông qua cái gì thì nó cụ thể hơn, nhưng cũng rất tiếc có cái mình không thể trả lời ngay được, giải đáp cái Quốc hội và nhân dân cần bởi cái đó nằm trong giai đoạn mà nó khả thi. Muốn làm được cái đó phải có khảo sát, thiết kế, phải có tiền mới làm được báo cáo khả thi.

Nhưng giờ Quốc hội chưa đồng ý chủ trương thì cũng chưa thể quyết định báo cáo khả thi được, mà cũng phải có tiền. Nếu bây giờ cứ đi làm báo cáo khả thi mà Quốc hộikhông thông qua thì cũng thành chuyện.

Trong báo cáo khái quát bài toán này có số tiền khoảng 7,8 tỷ, chia làm 2 giai đoạn 1A và 1B, giai đoạn nằm ở 1A khoảng hơn 5 tỷ. Số tiền này được huy động bằng các nguồn ngân sách chỉ lo giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư, trụ sở các cơ quan như hải quan, thuế, an ninh...Tổng số dự kiến khoảng 24 nghìn tỷ.

Số còn lại sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, doanh nghiệp bỏ tiền vào đầu tư cũng như doanh nghiệp sẽ vay lại vốn ODA của chính phủ. Chính phủ vay ODA và cho doanh nghiệp vay lại. Doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý đầu tư, sau này có trách nhiệm trả nợ.

Thực tế hiện nay đã có rồi, sân bay Tân Sơn Nhất cũng chính phủ vay ODA và cho vay lại, Nội Bài cũng thế.

Nhiều năm qua tổng công ty cảng hàng không vẫn đảm bảo việc trả nợ tốt không vấn đề gì, hoạt động rất có lãi.

Cho nên vốn cho Long Thành thì lớn thật nhưng phần của nhà nước chỉ lo giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư, cũng như một số văn phòng, trụ sở, cơ quan quản lý nhà nước. Còn lại toàn bộ do doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hết.

Tuy nhiên 24 nghìn tỷ cũng là con số quá lớn so với bây giờ, mình không thể nó nhỏ được. Từ lâu nay mọi người cứ hay nói nhiều chuyện thuận lợi của cảng hành không quốc tế Long Thành chỉ xuất, thu hồi vốn cao, giải phóng mặt bằng cũng thuận lợi này, rất nhiều thuận lợi. Nhưng thực tế khi triển khai 1 dự án lớn như này cũng rất khó khăn, cũng là vấn đề phải tính đến.

Vốn cũng chỉ là 1 vấn đề khó khăn thôi, nó còn nhiều vấn đề lắm. Ngay chuyện giải phóng mặt bằng, bây giờ phần lớn có thể nói gần 100% người dân đã đồng ý ký hết, tỉnh Đồng Nai họ quản lý tốt, thỏa thuận với từng người dân. Nhưng thực tế khi làm, triển khai, khi Quốc hội quyết định là đầu tư rồi thì giá đất các thứ khác nhau, lúc đấy người dân lại bắt đầu, mà việc đó cũng là đòi hỏi chính đáng, không thể trách vấn đề tâm lý. Bây giờ nó rẻ nhưng khi chính thức một cái là nó khác.

Vậy mình có tính đến trượt giá khi xây dựng các siêu dự án không? Các công trình lớn đều có đội giá lênkhông, thưa Bộ trưởng?

Đấy là thói quen của mọi người nói công trình lớn là trượt giá. Nhưng có thể nói Tân Sơn Nhất không trượt giá, Nội Bài không trượt giá, các dự án của cảng hàng không làm là không trượt giá. Từ trước đến nay chưa có cái nào trượt giá cả. Rất nhiều dự án lớn như Quốc lộ 1A triển khai sang năm hoàn thành cũng không trượt giá và còn có dư, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên vẫn có dư, nhiều dự án vẫn có dư chứ không phải.

Trước đây có những dự án do triển khai quá chậm nó dẫn tới trượt giá, hoặc việc do mình khi phê duyệt dự án là phê duyệt sớm nhưng lúc triển khai rất chậm. Khi họp về dự án đường sắt đô thị, Phó chủ tịch Hùng nói chưa triển khai gì cả, bây giờ mới điều chỉnh nó tăng gấp 2 lần rồi, mà vẫn trên giấy.

Khi mình làm dự án đến lúc triển khai cả một quãng thời gian nên phải điều chỉnh ngay từ đầu, lúc đó mới được tính là tổng mức. Nhưng đây mình cứ so từ ngày xưa, nó tăng lý do là vậy.

Vậy, sân bay Long Thành theo ông đánh giá có nguy cơ trượt giá không?

Tôi nghĩ không thể trượt giá được. Vấn đề là trình tự thủ tục nhanh gọn, mà muốn nhanh gọn không thể ép Quốc hội, đặt vấn đề là quyết nhanh để làm cho khỏi trượt giá, không phải. Vấn đề Quốc hội quyết hay không, chất lượng phải hoàn chỉnh mới phê duyệt được.

Trang mạng Sleepinginairports vừa xếp sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất của Việt Nam vào danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á năm 2014. Trong bối cảnh này, nhiều ý kiến đặt vấn đề sau 2020 mới xây sân bay Long Thành?

Đúng là nhu cầu phải năm 2025 mới cần có, nhưng để lúc 2025 có sân bay hoạt động thì phải chuẩn bị từ giờ. Nếu Quốc hội lần này thông qua về chủ trương, còn tất nhiên trong chương trình không có thông qua rồi thì phải làm tiếp tục dự án khả thi. Theo đó, dự án khả thi sẽ được tiếp tục trình Quốc hội, lúc đó Quốc hội mới quyết định có làm hay không làm.

Xét theo Nghị quyết 49 của Quốc hội phải trình qua 2 lần, nếu thông qua chủ trương, còn tất nhiên theo chương trình này là không có thông qua rồi, phải tiếp tục làm dự án khả thi tiếp tục trình Quốc hội nữa, lúc đó Quốc hội mới quyết làm hay không làm.

  • Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *