Dòng chảy vốn 02/06/2015 08:27

Đại biểu Trần Du Lịch: Tôi sẽ "bấm nút" thông qua sân bay Long Thành

FICA - Đại biểu quốc hội TPHCM cho hay, có rất nhiều ý kiến ủng hộ xây bay Long Thành. Ông cũng khẳng định sẽ bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án này.

Tại Diễn đàn Khoa học thảo luận về Cảng hàng không quốc tế Long Thành “Công khai, khoa học và trách nhiệm” do Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 1/6, hầu hết các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học đã lên tiếng đồng tình với dự án sân bay Long Thành.

 

Phát biểu tại Diễn đàn, TS Trần Du Lịch - Đại biểu quốc hội TPHCM cho hay, có rất nhiều ý kiến ủng hộ xây bay Long Thành. Ông cũng khẳng định sẽ bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án này.

 

"Bản thân tôi cũng đã đi thực tế từng ngõ ngách của sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hoà xem có khả năng mở rộng hay không? Tôi cũng đã đến vị trí sân bay Long Thành xem có được không? Và trách nhiệm của tôi hiện tại là phải bấm nút thông qua chủ trương” – ông Lịch nói.

 

Liên quan tới báo cáo đầu tư dự án trình Quốc hội lần này, ông Lịch đánh giá, đề án trình Quốc hội khác nhiều lần trước. Lần này, Chính phủ chỉ trình chủ trương đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với 25 triệu khách với vốn đầu tư giảm từ 7,8 tỷ USD xuống còn 5,2 tỷ USD. Như vậy, tổng mức đầu tư đã giảm gần 1/3 trong giai đoạn 1 so với trước đây.

 

Về đất cho Dự án, ông Lịch nhất trí với chủ trương của Chính phủ là phải làm quy hoạch mặt bằng cho cả 3 giai đoạn và trước mắt chỉ đầu tư trước một giai đoạn. Với 2.250 ha là đất quốc phòng và đất cho các công trình kinh tế phải tách ra thành dự án riêng chứ không gói vào thành chi phí sân bay. “Tờ trình lần này của Chính phủ đã rạch ròi được điều này” – ông Lịch nói.

 

Ông Lịch cho biết mười mấy, 20 năm trước “đã mơ có một sân bay quốc tế tầm cỡ chứ không phải chỉ có Tân Sơn Nhất. Việc cần phải có một sân bay tầm cỡ là vấn đề không cần phải bàn nữa. Vấn đề đặt ra là làm cách nào, bằng nguồn nào, tính hiệu quả thế nào, phân kỳ đầu tư cho phù hợp” – ông Lịch nhấn mạnh.

 

Về những e ngại tăng nợ công nếu làm Long Thành, ông Lịch nói: Tôi là người rất lo lắng về nợ công nhưng quan điểm của tôi là vay nợ mà cần phải làm thì vẫn phải vay. Vấn đề là chống được thất thoát, đội giá là dân ủng hộ chứ không ai chống. Người ta chỉ tâm lý lo "phết phảy" khi làm dự án. Nhưng chúng ta cũng không để những suy nghĩ mang tính tâm lý mà ảnh hưởng đến sự phát triển của một vùng kinh tế trọng điểm.

 

Theo TS. Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Hải Âu, việc phản biện đối với Dự án xây dựng CHKQT Long Thành cần xem phải xét đến dự án theo tổng thể quy hoạch trong một quá trình dài, vì đây không phải là một dự án mới, mà là dự án đã trải qua quá trình nghiên cứu hết sức nghiêm túc.

 

Trên thực tế theo TS. Lương Hoài Nam, hiện quỹ đất sân bay Tân Sơn Nhất còn quá ít. Nếu cố gắng khai thác tối đa có thể gặp phải nhiều vấn đề khó giải quyết được như việc duy trì hoạt động của sân bay 24/24h trong điều kiện tiếng ồn lớn, khi xu thế của nhiều quốc gia đang phải đóng cửa sân bay vào ban đêm.

 

Mặt khác, TP HCM sẽ rất khó có thể giải tỏa được dân cư để mở rộng thêm CHKQT Tân Sơn Nhất. Hoặc nếu như có thể mở rộng được diện tích sân bay gấp đôi so với hiện nay thì việc kết nối giao thông cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, sân bay Biên Hòa vẫn còn nhiễm lượng dioxin rất nặng nên không thể làm sân bay dân sự.

 

“Tính tổng hòa, nếu bỏ ra 2 - 3 tỷ USD để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ 10 năm sau sân bay này lại quá tải vì hoạt động hết công suất, khi đó mới lại tính đến xây dựng sân bay mới vừa quá muộn sẽ kéo theo sự lãng phí”, TS. Lương Hoài Nam nói.

 

Bàn giải pháp về nguồn vốn đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành, TS. Lương Hoài Nam cho biết, cần nghiên cứu thảo luận và làm rõ về mô hình đầu tư và nguồn vốn, trong đó lưu ý đến các mô hình đầu tư công, đầu tư công tư hoặc cổ phần dự án cũng như xã hội hóa vốn đầu tư vào công trình và các dự án thành phần. Riêng phần đầu tư của nước ngoài cần được sự cho phép của Quốc hội tạo cơ sở để Bộ GTVT có cơ sở tính toán với các nhà đầu tư.

 

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *