Dòng chảy vốn 26/11/2015 14:08

Đã nộp thuế nhưng không thể không nộp phí, lệ phí!

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tỷ lệ thuế, phí, lệ phí trên GDP của Việt Nam hiện đang có xu hướng ngày càng giảm, việc không thu phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối ngân sách quốc gia. Hơn nữa, tính chất và đặc điểm của thuế và phí là khác nhau.

Dự án Luật Phí và Lệ phí đã chính thức được Quốc hội thông qua chiều 25/11 và sẽ có hiệu lực kể từ 1/1/2017.


Đại biểu Quốc hội cho rằng, người dân đã nộp thuế cho Nhà nước nên đề nghị không phải nộp các khoản phí, lệ phí (ảnh: Hữu Nghị)

Đại biểu Quốc hội cho rằng, người dân đã nộp thuế cho Nhà nước nên đề nghị không phải nộp các khoản phí, lệ phí (ảnh: Hữu Nghị)

Dùng thuế bù đắp phí là không công bằng

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, về dự án luật, có ý kiến cho rằng, hiện nay người dân đã nộp thuế cho Nhà nước, do đó đề nghị không phải nộp các khoản phí, lệ phí.

Trước đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa từng có ý kiến: Tại những dịch vụ công phục vụ toàn dân thì bản thân người dân đã đóng các loại thuế. Do đó, ông đề nghị, quy định về phí, lệ phí cần hợp lý, “phải làm sao để người dân không còn phải móc thêm tiền túi cho các dịch vụ công nữa!”

UBTVQH cho rằng, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), các luật về thuế, Luật quản lý thuế, phí và lệ phí đều là khoản thu thuộc NSNN, tuy nhiên, tính chất và đặc điểm là khác nhau.

Thuế là khoản thu bắt buộc mang tính không hoàn trả trực tiếp. Nhà nước sử dụng nguồn thu thuế để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường xá, cầu, cống...), xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, công trình phúc lợi văn hóa xã hội...) để phục vụ toàn xã hội và trang trải chi phí cho hoạt động của bộ máy nhà nước, đảm bảo an ninh, quốc phòng...

Trong khi đó, phí và lệ phí cũng là khoản thu thuộc NSNN, nhưng mang tính hoàn trả trực tiếp; các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ trực tiếp thì mới phải trả phí, lệ phí.

Do đó, theo Ủy ban, “việc sử dụng nguồn thu từ thuế là khoản thu để phục vụ cho nhu cầu của toàn xã hội để bù đắp cho chi phí cung cấp dịch vụ cho một số tổ chức, cá nhân là không đảm bảo công bằng với các tổ chức, cá nhân không được sử dụng dịch vụ”.

Đồng thời, UBTVQH cũng đánh giá, việc phải nộp phí và lệ phí là góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân, tránh việc sử dụng lãng phí các nguồn lực Nhà nước.

“Bên cạnh đó, tỷ lệ thuế, phí, lệ phí trên GDP của Việt Nam hiện đang có xu hướng ngày càng giảm, việc không thu phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối ngân sách quốc gia” - Ủy ban cho hay. “Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, tất cả các nước đều thực hiện thu thuế, phí và lệ phí đối với các dịch vụ công do Nhà nước phục vụ”.

Phí trông xe do Nhà nước định giá (ảnh: Châu Như Quỳnh)
Phí trông xe do Nhà nước định giá (ảnh: Châu Như Quỳnh)
 

17 loại phí chuyển sang cơ chế giá

Về đề nghị cần cân nhắc việc chuyển mạnh phí, lệ phí sang cơ chế giá, UBTVQH cho rằng, để khuyến khích xã hội hóa thì cần thiết phải chuyển một số loại dịch vụ công sang cơ chế giá mà khu vực tư nhân có thể tham gia nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân.

Tuy nhiên, phí dịch vụ do Nhà nước cung cấp chủ yếu mang tính phục vụ, việc chuyển sang cơ chế giá và do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước thực hiện sẽ tính đủ chi phí và có lợi nhuận, có thể làm tăng giá dịch vụ.

Do đó, việc chuyển một số loại phí sang cơ chế giá đã được cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, chỉ chuyển sang cơ chế giá đối với một số khoản phí mà Nhà nước không cần phải nắm giữ và có sự cạnh tranh nhằm góp phần giảm giá và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân.

Riêng đối với các dịch vụ gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước vẫn được quy định trong Danh mục phí, lệ phí do Nhà nước cung cấp, mang tính chất phục vụ người dân; một số khoản phí chuyển sang cơ chế giá nhưng để bảo đảm phù hợp với thu nhập của người dân sẽ do Nhà nước định giá hoặc dùng chính sách an sinh, bảo hiểm để hỗ trợ.

Theo Luật phí và lệ phí vừa được thông qua, có 17 sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá, trong đó có phí sử dụng đường bộ, phí trông giữ xe, phí vệ sinh, phí hoạt động chứng khoán…

Bích Diệp

 
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *