Dòng chảy vốn 31/01/2015 08:38

Đã giải ngân 37,6 tỷ USD vốn ODA

FICA - Thời kỳ 1993-2013, Việt Nam đã được cam kết tài trợ 78,19 tỷ USD. Trong đó, số đã đàm phán, ký kết các hiệp định tài trợ là 58,36 tỷ USD và đã giải ngân được 37,6 tỷ USD.

Theo Bộ Tài chính, việc hiện thực hóa nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ năm 1993 đến nay cho thấy công tác vận động, thu hút và sử dụng ODA của Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực.
 

Cụ thể, thời kỳ 1993-2013, Việt Nam đã được cam kết tài trợ 78,19 tỷ USD. Trong đó, số đã đàm phán, ký kết các hiệp định tài trợ là 58,36 tỷ USD và đã giải ngân được 37,6 tỷ USD.


Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nguồn vốn này là nguồn lực quan trọng để đầu tư cho các lĩnh vực tiền đề quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt hỗ trợ cải thiện hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời, đã thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài, giảm được nghĩa vụ trả nợ Chính phủ trên 12 tỷ USD, qua đó, góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước để tập trung vốn cho việc đầu tư thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2014, vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân tiếp tục đạt khá so với cùng kỳ. Ước giải ngân trong 9 năm 2014 đạt khoảng 4,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, vốn vay khoảng 4,01 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại khoảng 90 triệu USD.

9 tháng năm 2014, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt 3,519 tỷ USD (trong đó, vốn vay là 3,459 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại 60 triệu USD), bằng 76% so với cùng năm ngoái. Tuy nhiên, tổng giá trị giải ngân chín tháng năm nay lại cao hơn 10% so với mức giải ngân của cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 4,105 tỷ USD.

Tốc độ giải ngân đạt được kết quả trên là do tác động của một số biện pháp tăng cường công tác vận động, giải ngân và phòng chống tiêu cực các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi. Trong đó, một số chương trình, dự án có giá trị vốn vay ODA lớn, được ký kết như Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh (EMCC 2) trị giá 147,60 triệu USD do Nhật Bản tài trợ; Dự án xây dựng nhà máy điện Thái Bình 1 và đường dây truyền tải trị giá 358,11 triệu USD do Nhật Bản tài trợ; Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ tổng giá trị là 251,7 triệu USD...

Trong năm 2015, các cân đối vốn đầu tư phát triển được Chính phủ đề ra đó là: Dự kiến khả năng huy động nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2015 khoảng 1.345 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 30% GDP.

Trong đó, dự kiến huy động các nguồn vốn như sau: Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 195 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 85 nghìn tỷ đồng; Nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 60 nghìn tỷ đồng; Nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp nhà nước khoảng 135 nghìn tỷ đồng; Nguồn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân khoảng 565 nghìn tỷ đồng, chiếm 42% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến khoảng 275 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,4% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Và các nguồn vốn khác dự kiến khoảng 30 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,2% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Phương Dung

Theo MOF

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *