Dòng chảy vốn 26/11/2013 09:47

Cứ 3 tháng lại phải trích 25.000 tỷ đồng ngân sách trả nợ

FICA - Chi trả nợ (gồm cả lãi và nợ gốc) đang ngày trở thành một khoản chi có vai trò lớn trong tổng chi NSNN. Với nhiều khoản vay từ những năm 1990 thì đến nay đã bắt đầu tới hạn trả nợ, do vậy hàng năm số nợ phải trả đã chiếm tỷ trọng khoảng 10-12% tổng chi NSNN. Áp lực trả nợ càng lớn khi tỷ lên nợ công trên GDP có thể đã lên tới 95%



Báo cáo của Chính phủ về tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) 10 tháng đầu năm cho thấy, khoản dành cho chi trả nợ và viện trợ ở mức 80.400 tỷ đồng, bằng 76,6% dự toán năm. Như vậy, bình quân mỗi quý, Việt Nam phải dành gần 25.000 tỷ đồng trả nợ cả gốc và lãi.

Trong khi đó, mặc dù tổng chi mới chỉ bằng 73,5% dự toán nhưng bội chi vẫn ở mức 147.700 tỷ đồng. Trong cơ cấu tổng chi thì chi cho đầu tư phát triển chỉ chiếm ngót nghét chưa tới 18%; phần lớn là chi cho thường xuyên, trên 11% là chi cho trả nợ, viện trợ.

Nếu thực hiện đúng như kế hoạch thì cả năm 2013, Việt Nam sẽ dành tổng cộng trên 109.000 tỷ đồng để chi trả nợ, viện trợ và bình quân mỗi tháng phải trích ngân sách hơn 9.000 tỷ; mỗi quý hơn 27.000 tỷ đồng cho mục đích này.

TS Vũ Sỹ Cường cho biết, chi trả nợ (gồm cả lãi và nợ gốc) đang ngày trở thành một khoản chi có vai trò lớn trong tổng chi NSNN. Với nhiều khoản vay từ những năm 1990 thì đến nay đã bắt đầu tới hạn trả nợ, do vậy hàng năm số nợ phải trả đã chiếm tỷ trọng khoảng 10-12% tổng chi NSNN.

Về xu thế, số nợ này sẽ tăng dần lên trong những năm tới và điều đó cũng có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến tính bền vững của NSNN trong tương lai. Trong những năm gần đây 2009-2012 chi NSNN cho trả nợ đã vượt qua khoản thu bằng dầu thu, mặc dù trong giai đoạn 2003-2008, chi trả nợ chỉ chiếm khoảng 60% so với thu từ dầu thô.

Về mặt số liệu thì tổng nợ công vẫn còn dưới ngưỡng an toàn 65% của Bộ Tài chính và IMF cũng cho rằng nợ công của Việt Nam chưa nguy hiểm. Kế hoạch trả nợ hàng năm khoảng 14%-16% tổng thu NSNN (thấp hơn giới hạn cảnh báo là dưới 30%), bằng khoảng 4,5% kim ngạch xuất khẩu (thấp hơn giới hạn cảnh báo là dưới 15%).

Trong lần phát biểu trước Quốc hội gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, với mức bội chi và phát hành trái phiếu bổ sung, nợ công trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP), tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, áp lực trả nợ là rất lớn.

2012-2014, mỗi năm cần phát hành xấp xỉ 100-120 ngàn tỉ đồng TPCP và TPCP bảo lãnh để trả nợ

Theo dự toán ngân sách năm 2013, bội chi ngân sách của Việt Nam sẽ vào khoảng 162.000 tỷ bằng 4,8% GDP theo thông lệ Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm tới, mức bội chi này sẽ được nâng lên 5,3% GDP. Tuy nhiên, theo phân tích của TS Nguyễn Anh Dương - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thì ngay cả khi sử dụng tất cả 0,5% GDP này cho đầu tư công cũng chỉ có thể giúp tăng GDP rất khiêm tốn từ 0,057-0,086%.

Hơn nữa, việc “tăng bội chi sẽ làm tăng nợ công, nhất là cho đến nay, chúng ta vẫn không đưa ra được kế hoạch để khống chế nợ công”, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu lo ngại.

TS Trần Đình Thiên tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013 khi nói về thực tiễn tái cơ cấu đã chỉ ra rằng, trong 3 năm vừa rồi tuy Đảng và Chính phủ đều nhấn mạnh là phải đẩy mạnh tập trung tái cơ cấu nhưng trong các khoản mục chi tiêu ngân sách quốc gia, không thấy có nguồn lực nào dành cho tái cơ cấu.

"Chúng ta biết tái cơ cấu là rất tốn tiền, bây giờ chỉ mỗi Vinashin mà muốn làm thật thì phải trả nợ cho xong. Chỉ khi đó làm gì mới làm được. 100.000 tỷ đồng Vinashin nợ thì phải trả? Ai trả - Vinashin hay ngân sách nhà nước? Không thể lẩn tránh việc đó được. Nguồn lực tái cơ cấu hiện nay chúng ta không có. Chúng ta vẫn lo quá nhiều cho tăng trưởng hơn là dành một nguồn lực nào đó cho tái cơ cấu" - ông nói.

Báo cáo đặc biệt về nợ công do Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới phát hành ước tính, đến hết năm 2012, tổng nợ công của Việt Nam vào khoảng 55,4% GDP, trong đó nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 29,6% và 25,8%% GDP. Tuy nhiên, các tác giả cảnh báo, nếu tính cả khoản nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp (chủ yếu là DNNN) không được Chính phủ bảo lãnh, nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN thì nợ công Việt Nam có thể lên tới khoảng 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn (60% GDP), đe dọa đến tính bền vững của nợ công Việt Nam.

Riêng về nợ của DNNN, Báo cáo chỉ ra, trong năm 2010, Bộ Tài chính nhận được đề xuất từ Bộ Xây dựng về hỗ trợ một số công ty thuộc Tập đoàn Sông Đà khó khăn không trả được nợ nước ngoài. Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành không trả được nợ gốc và lãi hơn 141 tỉ và còn thiếu 607 tỉ đồng để trả nợ giai đoạn 2011-2015. Tương tự là tình trạng không trả được nợ vay nước ngoài của Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng và nhiều DNNN khác đang đề nghị Nhà nước hỗ trợ vì đây là các khoản vay do Nhà nước bảo lãnh...

Cũng theo báo cáo, rủi ro nợ công của Việt Nam chủ yếu đến từ phần nợ trong nước và gánh nặng nợ công trong nước đang đè nặng lên cán cân tài khoá hàng năm. Cụ thể, tổng nợ công/thu ngân sách của Việt Nam hiện nay đã vượt 206,3% thu ngân sách và nghĩa vụ nợ công/thu ngân sách cũng lên tới hơn 21,6%. Đặc biệt, các khoản nợ công trong nước với lãi suất cao và kì hạn ngắn gây sức ép lớn đối với việc đảo nợ. Ước tính, trong giai đoạn 2012-2014, mỗi năm Việt Nam cần phát hành khoảng xấp xỉ 100-120 ngàn tỉ đồng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, tương đương với khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách, chỉ để trả nợ gốc và thanh toán nợ lãi trong nước.

Nợ nước ngoài tuy quy mô khá lớn nhưng nhờ được hưởng lãi suất cao và kì hạn dài nên gánh nặng trả nợ hàng năm là tương đối thấp trong những năm tới. Tuy nhiên, trạng thái an toàn này chỉ được đảm bảo nếu như Việt Nam ổn định được tỉ giá hối đoái. Điều này, đến lượt nó lại được quyết định bởi việc liệu chúng ta có cải thiện được cán cân vãng lai và duy trì được môi trường lạm phát thấp trong tương lai hay không.

Tính đến hết ngày 31/12/2010, đã có gần 6,8% tổng nợ nước ngoài của Chính phủ có lãi suất lên tới 6-10% và hơn 7% tổng nợ nước ngoài của Chính phủ có lãi suất thả nổi.

Bên cạnh đó, cơ cấu kì hạn của các khoản nợ công trong nước cũng gây rủi ro khá lớn. Trong khi các khoản nợ nước ngoài có kì hạn dài tới vài chục năm thì hơn 88,7% nợ TPCP và TPCP bảo lãnh có kì hạn chỉ từ 2-5 năm. Do vậy, nghĩa vụ nợ nước ngoài được dàn khá đều qua mỗi năm (khoảng 1,5-2 tỉ USD/năm) thì nghĩa vụ nợ trong nước lại dồn nén trong tương lai gần (xấp xỉ 4,5-5 tỉ USD/năm trong vòng bốn năm tới). Cùng với triển vọng cán cân ngân sách cơ bản tiếp tục thâm hụt, sức ép phát hành trái phiếu để đảo nợ trong nước trong những năm tới là rất lớn.

 Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *