Thời sự 23/03/2014 07:17

Vay tiền các công ty tài chính: Lưỡi dao lãi suất

Có những chuyện thật như đùa. Trong khi các ngân hàng đang đi mời các doanh nghiệp vay tiền với lãi suất 7-9%/năm thì người nghèo và vô số người không nghèo đang oằn mình trên thớt của các công ty tài chính khi vay tiền và bị “chém” lãi suất tới đến trên 70% /năm. Đó là một trong nhiều chuyện vô lý đến kinh hãi hiện nay.



Những hợp đồng vay tiền không cần tài sản thế chấp

Chúng ta phải thấy rõ, trong thời gian qua, với tần suất ban hành văn bản rất dày, Ngân hàng Nhà nước đã quản lý rất tốt thị trường tài chính. Đặc biệt, với những chính sách để giải quyết “khối ung thư” nợ xấu, các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính đã phải siết lại các khoản vay không đảm bảo khả năng trả nợ, các khoản vay có tính rủi ro cao. Nói như vậy nhưng sự thực lại không phải vậy. Trên khắp các bờ tường, gốc cây tại các thành phố lớn, hay trên tường các chợ nông thôn, chen chân với những mẩu quảng cáo khoan bê tông, chữa yếu sinh lý là những tờ quảng cáo: Cho vay ưu đãi, không thế chấp, không bảo lãnh, lãi suất thấp. Tại các cửa hàng bán đồ gia dụng, máy tính, điện thoại cũng đầy rẫy các quảng cáo: Bán trả góp không lãi suất, cho vay thêm lãi suất thấp… Có thật sự như vậy không?

Sau khi trả góp được 4 kỳ cho khoản vay mua xe máy, anh Phạm Quang Thu (Q.3, TP.HCM) được nhân viên một công ty tài chính gọi điện thoại mời vay thêm 24 triệu đồng. Khoản vay này anh Thu được yêu cầu ra bưu điện nhận tiền. Tại bưu điện, anh được nhân viên công ty PPF yêu cầu ký một số giấy tờ rồi nhận tiền mà không đọc kỹ. Chỉ mấy ngày sau, anh nhận bản hợp đồng chi tiết. Lúc này anh mới khóc dở mếu dở vì lãi suất lên đến 6,17%/tháng, tương đương 74,04%/năm, dù trước đó anh được nhân viên công ty này phổ biến chỉ có khoảng 4%. Đó là chưa tính, mặc dù anh Thu chỉ nhận được 24 triệu đồng nhưng hợp đồng vay lại ghi 25 triệu 858 nghìn đồng. Hóa ra trái với những lời ngon ngọt của nhân viên tư vấn là được bảo hiểm tiền vay, số tiền nộp bảo hiểm, đổ hết lên đầu anh. Nhưng lạ nhất là thấy lãi quá cao, anh không muốn vay nữa thì nhân viên công ty trả lời, chị cứ đọc lại hợp đồng đi, anh muốn trả cũng được, xin anh nộp thêm 10 triệu đồng tiền phạt, nếu không em mời anh ra tòa. 

Quá oải, anh đành có nước khóc. Chị Đ.T.M.Linh (Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) cho biết vay của Công ty tài chính số tiền 11 triệu đồng, đã thanh toán 1 triệu đồng nhưng sau đó công ty gửi bản hợp đồng khác hẳn, số tiền vay cao hơn do cộng cả phí bảo hiểm vào và yêu cầu phải trả góp cho cả số tiền bảo hiểm này. Thấy mập mờ, chị Linh yêu cầu công ty phải cho người xuống làm rõ nhưng không được đáp ứng, chị liền ngưng thanh toán. Công ty đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng và yêu cầu chị phải trả số tiền gần 20 triệu đồng. Do chị Linh không đồng ý trả, nhân viên Công ty tài chính đã đến nhà dùng vũ lực để đòi nợ. Bức xúc, chị Linh lên công ty khiếu nại, nhưng công ty đổ lỗi cho đơn vị đòi nợ và nói không chịu trách nhiệm.

... Và cho vay lừa

Từ đầu tháng 3-2014, nhiều tiểu thương tại chợ An Đông khi đến mở hàng thường nhận được một tờ quảng cáo hoặc một thư mời vay vốn nhét qua cửa sắt. Tờ quảng cáo có nội dung: “Chương trình vay tín chấp: Tìm đối tác cán bộ, nhân viên, tiểu thương, cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng (không cần tài sản thế chấp);  giải quyết hồ sơ nhanh và bảo mật. Hạn mức cho vay từ 30 - 400 triệu đồng. Thời hạn vay 1-4 năm. Lãi suất 1%/tháng. Điều kiện HKTP/tỉnh/CMND. Liên hệ 09376...”. Buôn bán ế ẩm, nhiều người phải vay lãi tín dụng đen với lãi suất cao nên khi nhận được tờ rơi vội vàng liên lạc theo số điện thoại trên thư mời. Sau khi hỏi địa chỉ cụ thể, ngay buổi trưa, người mang tên Hải, đeo biển tên ở Ngân hàng Teakcombank có số điện thoại như quảng cáo đã có mặt tại quầy của các tiểu thương. Hải cho biết đây là chương trình vay ưu đãi dành cho tiểu thương nên rất nhiều người làm thủ tục vay. Để hồ sơ vay được duyệt sớm thì chỉ cần ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, số CMND theo mẫu có sẵn và nộp một khoản lệ phí “trà nước”, chỉ 3 ngày sau hồ sơ được duyệt là người vay được giải ngân. Khoản “trà nước” chỉ là 10% số tiền vay. Rất nhiều người đã đưa tiền cho “nhân viên ngân hàng” này. 

3 ngày, 4 ngày, rồi 6 ngày trôi qua, các tiểu thương chờ mãi không thấy ai mang hợp đồng vay vốn đến, liên lạc điện thoại theo số trên tờ quảng cáo thì hỡi ơi, chỉ thấy tò tý te… Hóa ra là bọn lừa đảo. Đáng tiếc ban quản lý các chợ có nạn nhân trong vụ lừa đảo đều tỏ ra bất ngờ và không biết tiểu thương của mình lại bị lừa đảo dễ dàng đến thế. Bà Huỳnh Thị Lệ, Trưởng ban Quản lý chợ Vườn Chuối, cho biết hiện ban quản lý đang xác nhận tín chấp với Sacombank cho tiểu thương vay vốn với lãi suất 0,9%/năm bằng việc thế chấp chủ quyền sạp. Trước thực tế này, bà Lệ cam kết Ban quản lý chợ sẽ thông báo rộng rãi đến các tiểu thương cảnh giác những thủ đoạn lừa đảo mới. Lực lượng bảo vệ chợ cũng sẽ tăng cường tuần tra nếu phát hiện có kẻ lừa đảo trà trộn bằng việc rỉ tai tiểu thương hay phát tờ rơi là giữ lại giao cho các cơ quan chức năng xử lý ngay. 

Lãnh đạo Ngân hàng Techcombank cho biết hiện ngân hàng không có chương trình nào cho vay tín chấp đối với tiểu thương các chợ bởi tiểu thương vay vốn với mục đích sản xuất, kinh doanh thì phải có tài sản bảo đảm. Hơn nữa, nếu khách hàng có nhu cầu vay vốn, ngân hàng sẽ nhận hồ sơ và mọi nội dung đều thể hiện trên hợp đồng tín dụng chứ không có chuyện thu phí trước. Do đó, khả năng đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng để chào mời vay vốn, đòi thu phí là lừa đảo, khách hàng cần phải cảnh giác.

Những bài học cảnh giác và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước

Nhu cầu vay vốn dân sinh, vay tiêu dùng rất lớn. Tuy nhiên với những điều kiện của các ngân hàng thương mại là phải có tài sản thế chấp hợp pháp nên rất nhiều người có nhu cầu không thể vay được. Họ trở thành mồi ngon của tín dụng đen với lãi khủng và của các công ty tài chính với lãi suất cũng không kém phần khủng.

Có hai vấn đề thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Thứ nhất, dân có nhu cầu vay vốn nhỏ, vay tiêu dùng trong khả năng trả nợ nhưng do các thủ tục không vay được. Trong tình thế thanh khoản các ngân hàng dồi dào, vốn ế không giải ngân được, tăng trưởng tín dụng quá thấp, đơn giản thủ tục để tăng phần vốn vay dân sinh vừa giải quyết được khó khăn cho các ngân hàng thương mại vừa góp phần kích cầu, giải quyết đầu ra cho các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cần giải tỏa nút thắt này.

Thứ hai, các công ty tài chính thực hiện cho vay đều nằm dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Việc các công ty tài chính cho vay tiêu dùng với lãi suất gấp 10 lần lãi suất ngân hàng là hành vi vừa vi phạm pháp luật (với tội danh đã được quy định trong Bộ luật Hình sự tại Điều 163: Tội cho vay lãi nặng), vừa trái với chủ trương hạ lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước. Tại sao Ngân hàng Nhà nước không có hành động ngăn chặn hành vi cho vay với lãi suất cao của các công ty tài chính này. Dư luận đang chờ đợi những hành động kịp thời của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với những người có nhu cầu vay tiền cần lưu ý: các hợp đồng giữa công ty tài chính và khách hàng luôn được soạn theo hướng có lợi về bên cho vay, người vay không tìm hiểu kỹ, nhắm mắt ký sẽ dễ rơi vào “bẫy tín dụng”, vay dễ trả khó. Khi vay, người vay thường không nhận biết được lãi suất thật, đến khi tới hạn trả, bị thúc đòi mới ngã ngửa người ra. Mặc dù ngân hàng cũng cho vay tín chấp, tuy nhiên, các dịch vụ của ngân hàng có thể không phát triển được bằng các công ty tài chính bởi những thủ tục bắt buộc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, các công ty tài chính có nhiều điều kiện mở hơn, ngoài ra các câu chữ của họ cũng tạo ra cảm giác an toàn và hấp dẫn hơn. Chính vì vậy, đây là một cái “bẫy” cho người dùng.

Vì vậy, tốt nhất trước khi ký hợp đồng người vay nên nhờ người có hiểu biết pháp luật tư vấn, đồng thời kiểm tra chéo thông tin, thậm chí tra cứu trên mạng trước khi quyết định vay để tránh bị sập bẫy.

Theo Phan Đức

ANTĐ

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *