Dòng chảy vốn 12/06/2015 13:45

Công nghiệp hỗ trợ và “món nợ” của Bộ trưởng Hoàng

Bộ trưởng Công Thương thừa nhận, cơ chế, chính sách trong khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được đặt ra nhiều năm nay, nhưng chuyển biến trong xây dựng khung pháp luật, cơ chế chính sách cho lĩnh vực này kết quả còn rất hạn chế.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng sáng nay (12/6), đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đánh giá, công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện, phụ kiện đến nay vẫn chưa có sự chuyển biến nào đáng kể. Trong khi đó, do thiếu chính sách phát triển của nền công nghiệp hỗ trợ nên sau 20 năm thu hút đầu tư về ngành ô tô là không thành công. 

"Vậy, Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ cho nền công nghiệp phát triển không? Liệu hội nhập sắp tới có cần một bộ luật để ban hành về hỗ trợ công nghiệp hay không? Nếu không cần ban hành luật thì đề nghị Chính phủ có giải pháp gì”, đại biểu Nam chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nam, Bộ trưởng Hoàng cho biết, ông xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc cơ chế, chính sách trong khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được đặt ra nhiều năm nay, nhưng chuyển biến trong xây dựng khung pháp luật, cơ chế chính sách cho lĩnh vực này còn rất hạn chế.  

Theo Bộ trưởng, năm 2014, Bộ Công Thương đã chủ trì và triển khai việc nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, các ngành, của các địa phương, tổ chức rất nhiều hội thảo. Đồng thời, trình Chính phủ xem xét, thông qua thẩm tra của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên cho đến giờ phút này, văn bản dự thảo lần thứ 6 cũng chưa được thông qua. 

Lý giải cho việc chậm trễ này, Bộ trưởng Hoàng cho rằng, vấn đề đầu tiên liên quan tới hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đại đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không nói phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, bản thân sức của họ cũng rất hạn chế, cho nên nếu bước chân vào làm lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mà không có sự đỡ đầu, sự hỗ trợ ban đầu thì rất khó cho họ. Do đó, lĩnh vực này không thể thiếu vắng bàn tay của nhà nước. 

"Tuy nhiên, nhà nước trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế là phải chi tiêu rất nhiều cho lĩnh vực cấp bách khác, không thể hỗ trợ trực tiếp quá nhiều cho lĩnh vực này, vì vậy, trong thiết kế của chúng tôi cũng có dự kiến đề xuất một loại hình quỹ hỗ trợ. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng đề xuất của mình không phù hợp, chính vì thế, bây giờ tìm ra cách hỗ trợ, trợ giúp của Nhà nước rất là khó. Đấy là ý thứ nhất mà chưa giải trình được", ông Hoàng nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng, các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các trung tâm trợ giúp cho doanh nghiệp hỗ trợ, dự kiến sẽ tận dụng những cơ sở hiện có như các trường đại học, các Viện nghiên cứu nhưng dù muốn hay không vẫn không tránh khỏi việc phát sinh thêm một số nhân lực. Chính vì thế Chính phủ cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang cải cách hành chính, đang sắp xếp lại bộ máy thì không thể tăng thêm số lượng người cho các loại hình này. 

"Đấy là 2 vấn đề chính chưa nhận thức được. Chính vì thế việc trình Chính phủ nghị định này chưa làm tròn trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm cá nhân tôi. Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội như vậy. Rất thành thực xin nhận khuyết điểm", Bộ trưởng thừa nhận. 

Về các giải pháp, Bộ trưởng cho biết, cần tổ chức tốt việc kết nối giữa các doanh nghiệp lớn, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để trao đổi và bàn về khả năng các doanh nghiệp lớn có thể đặt hàng cho các doanh nghiệp nhỏ. Năm 2014 đã có tọa đàm giữa Samsung với một số doanh nghiệp của Việt Nam, năm nay vào tháng 7 tới đây Bộ Công thương phối hợp với Samsung mời 15 doanh nghiệp tham gia tọa đàm. Qua nghiên cứu, khảo sát của Samsung họ sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp làm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho họ.

Đồng thời, Bộ Công thương sẽ cố gắng lồng ghép kết hợp công nghiệp hỗ trợ với chương trình liên quan đến cơ khí, như chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm, sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt chương trình thử nghiệm, chế tạo tổ máy phát điện công suất 600 MW các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia. 

"Luật khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được Quốc hội xem xét vào năm 2016, đây chính là có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, chính vì thế chúng tôi xin báo cáo Quốc hội trong thời gian tới chúng tôi sẽ báo cáo với các bộ có liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan được giao chủ trì về xây dựng dự thảo Luật khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ - xem khả năng có cần thiết có một luật riêng nữa về công nghiệp hỗ trợ hay không", ông cho biết.

Bộ trưởng Công Thương cũng nói thêm rằng: “Tôi xin lỗi vì đến nay vẫn chưa thể ban hành các văn bản hỗ trợ cho ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là món nợ của tôi đối với ngành này. Tuy nhiên, như tôi đã trình bày ở trên việc ấn định thời gian, bao giờ chính thức có văn bản thì vượt ngoài thẩm quyền của tôi. Nhưng tôi sẽ cố gắng sớm nhất có thể”.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *