Dòng chảy vốn 27/11/2015 07:08

Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Doanh nghiệp Việt vẫn “chầu rìa” miếng bánh 2.500 tỷ USD?

Với số dân khoảng 650 triệu người, kim ngạch thương mại đạt 2.500 tỷ USD khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, 10 nước ASEAN sẽ là thị trường tự do hóa rộng lớn, với dân số trẻ và mức tiêu dùng cao. Nhưng trên thực tế, đây là “miếng bánh” không hề dễ đối với doanh nghiệp và hàng Việt.

Từ năm 2013 đến nay, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam và ASEAN luôn thâm hụt, tỷ lệ nhập siêu ngày càng được nới rộng. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN đạt 19 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 23 tỷ USD, dẫn đến nhập siêu 4 tỷ USD. Trước đó năm 2013, Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN đạt 18,5 tỷ USD, nhập khẩu 21,4 tỷ USD, nhập siêu là 2,9 tỷ USD.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào cuối năm 2015
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào cuối năm 2015

10 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN đạt 15,4 tỷ USD, nhập khẩu là 19,6 tỷ USD, nhập siêu vượt cả năm 2014 là 4,2 tỷ USD.

Đáng nói, trong khi xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 500 triệu USD (năm 2014 so với năm 2013) thì nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam tăng mạnh, đạt 1,6 tỷ USD. Đây là con số cho thấy, hàng hóa các nước ASEAN vào Việt Nam nhiều hơn, mạnh hơn so với hàng hóa từ Việt Nam sang các nước. ASEAN đã là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc, nhưng ở thị trường xuất khẩu, các nước ASEAN vẫn xếp thứ 3 thậm chí thứ 4 sau Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản…

Theo thông tin từ Trung tâm WTO, Hiệp định ATIGA (sau này là Hiệp định thương mại tư do (FTA) giữa 10 nước ASEAN) từ năm 2010, các nước ASEAN 6 gồm Thái Lan, Singapore, Brunei, Indonesia, Philipinese và Malaysia đã thực hiện xóa bỏ thuế quan về 0% đối với nhiều hàng hóa thông thường từ các nước đối tác ASEAN.

Trong khi đó, 4 nước còn lại gồm Việt Nam - Lào - Myanmar và Campuchia vẫn được hưởng lộ trình dỡ bỏ thuế 0% đến năm 2014 và 2015. Điều đó có nghĩa, hàng Việt Nam vào các thị trường này có cơ hội hưởng mức thuế 0% từ 5 năm trước và có lợi thế gia tăng về xuất khẩu. Trong khi đó, các mặt hàng từ 6 nước đối tác vẫn phải chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu từ 50% - 75% thuế quan hàng hóa thông thường khi vào Việt Nam.

Xét về cơ cấu mặt hàng và đối tác trong ASEAN, năm 2014, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam xuất siêu tại 5 thị trường Campuchia, Philipines. Indonesia, Myanmar và Brunei với kim ngạch 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên, lại nhập siêu lớn từ 4 thị trường Singapore, Thái Lan, Malaysia và Lào với kim ngạch gấp đôi 6,46 tỷ USD.

Thị trường ASEAN có sự phân hóa tiêu dùng rõ rệt, trong đó các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia có GDP/người cao, mức tiêu dùng lớn, DN Việt Nam lại không tận dụng được, mà rất nhiều hàng điện tử, điện lạnh có mặt tại Việt Nam đều có xuất xứ từ Thái, Malaysia hay Singapore. Trong khi đó, tại các thị trường Việt Nam xuất siêu, hàng Việt Nam xuất siêu nhờ lợi thế về khối lượng cũng như cạnh tranh tuyệt đối về một số mặt hàng như gạo, thủy sản, hoa quả...

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lý giải, thời điểm AEC chính thức thành lập vào cuối tháng 12 năm nay, cộng đồng DN Việt không mấy kỳ vọng về một thị trường xuất khẩu mở rộng, bởi cơ cấu kinh tế và các mặt hàng giữa Việt Nam và các nước ASEAN tương đồng nhau, dẫn tới cạnh tranh loại trừ nhau.

“Với cơ cấu kinh tế tương đồng nhau, Việt Nam rất khó để khai thác và cạnh tranh được với các nền kinh tế ASEAN. Về mặt hàng nông sản, Việt Nam đang phải cạnh tranh rất gay gắt với Thái Lan, Campuchia, Lào, thậm chí Myanmar. Về xuất khẩu điện tử, công nghiệp chế tạo, Việt Nam cũng thua so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Về du lịch, dịch vụ tài chính, vận tải biển, Việt Nam không có cửa xuất khẩu dịch vụ sang Singapore, Thái Lan, Brunei hay Malaysia… Việt Nam chỉ lợi thế về xuất khẩu may mặc, gia công hàng điện tử và chế biến thủy sản… Tuy nhiên, các mặt hàng này, ngay bản thân DN và thị trường các quốc gia ASEAN đã đáp ứng đủ, sản phẩm Việt khó có thể cạnh tranh được. Đây là lý do các DN Việt Nam phải bơi sang Mỹ, EU, nơi có thị trường rộng lớn, có cơ cấu nền kinh tế tương hỗ để xuất khẩu được.

TS Đặng Đức Đạm - nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, với cơ cấu kinh tế tương đồng nhau, dù có lợi thế về mặt địa lý nhưng DN Việt gặp nhiều bất lợi trong gia tăng cạnh tranh và xâm nhập thị trường. Thuế giảm về 0% ở hầu hết các thị trường từ năm 2010, nếu DN Việt tận dụng được đã gia tăng khoảng cách về thương mại, song thực tế cho thấy DN Việt, sản phẩm Việt vẫn khó vào các nước AEC. Giải pháp cạnh tranh cùng hợp tác để vươn ra thị trường khác được coi là quan trọng đối với DN Việt Nam, đặc biệt ở các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *