Dòng chảy vốn 23/01/2015 08:27

Cộng đồng AEC: Nhà nước cần nhưng doanh nghiệp chưa vội

FICA - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết Việt Nam đã làm được nhiều để hội nhập, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã sánh ngang với các nước Thái Lan, Indonesia, Philippines và đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với họ

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp cho rằng, hiện doanh nghiệp Việt Nam còn thụ động, hơn 60% - 80% doanh nghiệp chưa hiểu gì, quan tâm gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nếu có cũng chỉ quan tâm đến trụ cột 1 - thị trường sản xuất chung của 10 nước ASEAN dự kiến thành lập năm 2015.

 

Dự kiến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành vào năm 2015 theo như cam kết của lãnh đạo 10 nước ASEAN

 

Đây là những ý kiến của cơ quan chức năng, chuyên gia kinh tế và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại buổi Tọa đàm “Hóa giải thách thức của Cộng đồng Kinh tế ASEAN viết tắt là Cộng đồng AEC do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức ngày hôm qua 22/1.

 

Theo Thứ trưởng Tú, Việt Nam đi từ con số không nên việc đòi hỏi các doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài là rất khó. Họ cần các bệ đỡ để đủ sức chịu đựng, trong đó có việc cải thiện nhanh hệ thống chính sách, hỗ trợ hội nhập. Các doanh nghiệp và giới doanh nhân các nước ASEAN – 6 gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Brunay có nhiều năm được sống và “hít thở” trong nền kinh tế thị trường, còn các doanh nghiệp, giới doanh nhân của Việt Nam mới đi lên từ mấy năm trở lại đây, câu chuyện cạnh tranh có lẽ chỉ các doanh nghiệp lớn mới đủ sức.

 

PGS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, dự kiến cuối năm 2015 AEC sẽ được thành lập và hàng loạt chính sách sẽ được thực hiện, theo tìm hiểu thì các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ quan tâm đến 1 trong 4 trụ cột là hình thành khu vực sản xuất và thị trường chung ASEAN, trong đó có việc bãi bỏ thuế quan chung giữa các nước với nhau, còn 3 trụ cột còn lại là: hướng đến khu vực kinh tế cạnh tranh, hỗ trợ phát triển đồng đều và hội nhập kinh tế quốc tế hiện chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

 

PGS Sơn nhấn mạnh, Việt Nam là 1 trong 4 nước được hưởng các ưu đãi về lộ trình cắt giảm thuế quan cũng như mở cửa thị trường so với 6 nước phát triển hơn. Ở các nước Thái Lan, Malaysia, hay Indonesia họ thực hiện cắt giảm thuế quan nhiều mặt hàng và mở cửa thị trường từ năm 2010. Chúng ta đã thực hiện bỏ thuế quan nhiều mặt hàng từ mấy năm nay còn một số mặt hàng nhạy cảm, nhạy cảm cao vẫn được bảo hộ. Thời gian gia hạn của Việt Nam đã hết và chúng ta sẽ bắt buộc phải hội nhập từ cuối năm nay đến năm 2018.

 

Ở khía cạnh khác, ông Lê Vĩnh Sơn, chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội thừa nhận. “Theo tôi được biết có đến 80% các doanh nghiệp thờ ơ, bàng quan với AEC. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không quan tâm và không biết gì về các cơ hội và thách thức của AEC mang lại. Đa số các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam chưa được trang bị các vũ khí cả về nhận thức lẫn phương pháp quản trị để đón đợi cơ hội và đối phó với thách thức của AEC mang lại”.

 

Các chuyên gia đồng tình Nhà nước và các bộ ngành trong những năm qua đã rất tích cực làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn về hội nhập trong Cộng đồng AEC. Tuy nhiên, so với các thông tin hướng dẫn về hội nhập trong AEC so với hội nhập vào WTO năm 2006 thì rõ ràng yếu hơn và chưa được phủ rộng rãi đến doanh nghiệp và người dân.

 

PGS Nguyễn Hồng Sơn, người có nhiều công trình nghiên cứu về AEC chia sẻ: “AEC khác với WTO ở chỗ là chúng ta không chỉ mở cửa về thị trường thương mại - đầu tư, thuế - hải quan, mà chúng ta còn cam kết cải cách khu vực hành chính, bộ máy quản lý, tự do di chuyển các yếu tố cho sản xuất như: lao động kỹ năng, các chính sách hỗ trợ phát triển, hội nhập chung về cơ sở hạ tầng, điện, năng lượng của các nước ASEAN. Với bộ máy cồng kềnh, kỹ năng quản trị kém Việt Nam sẽ phải cố gắng rất nhiều để hòa nhập cũng như khai thác hiệu quả thị trường hơn 600 triệu dân của 10 nước ASEAN, nơi quy mô các nền kinh tế mới nổi có mức tăng trưởng và tiêu dùng cao”.

 

Theo PGS Sơn, cạnh tranh trong AEC sẽ rộng hơn, không chỉ trong nước mà cả ở 10 nước ASEAN. Đối thủ cạnh tranh không chỉ đến từ các doanh nghiệp nội khối mà còn đến từ các nền kinh tế lớn như Nhật, Trung QUốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc, ông Sơn nhấn mạnh: “ASEAN hiện ký nhiều hiệp định khu vực tự do FTA+ với nhiều đối tác ngoài khu vực nên hàng hóa từ các nước lớn vào Việt Nam cũng được những ưu đãi tương tự như hàng của các nước ASEAN. Tôi có hỏi lãnh đạo doanh nghiệp cao su Đà Nẵng, họ nói khi AEC mở cửa, đối thủ họ ngại nhất là các công ty săm lốp Ấn Độ, những doanh nghiệp có bề dày hoạt động trong nền kinh tế thị trường, với công nghệ cao hơn, được chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chơi này”.

 

Trả lời về câu hỏi ngành nào sẽ chịu thua thiệt nhất khi AEC được thành lập, PGS Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, ngành sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ thường dễ nhận thấy nhất bởi các mặt hàng này bao giờ cũng đi đầu trong xâm nhập thị trường. Còn theo ông Lê Vĩnh Sơn, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ hàng sản xuất tiêu dùng của Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Việc các nhà bán lẻ Thái Lan, Indonesia gần đây thâu tóm nhiều kênh bán lẻ, hãng sản xuất tiêu dùng là minh chứng cho việc xâm nhập thị trường rất bài bản và có chiến lược.

 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng khẳng định, nếu nói về hành sản xuất tiêu dùng chúng ta cũng không quá bi quan. “Theo tôi, 10 năm trước đây hàng tiêu dùng đồ nhựa của Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, hiện nay chúng ta không thấy điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã cạnh tranh khá sòng phẳng với họ về cả giá cả lẫn chất lượng. Nếu về khả năng cạnh tranh, một số sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam trong đó có sữa Vinamilk không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa còn có sức cạnh tranh vượt ra tầm Đông Nam Á, hướng tới tầm Châu Á. Vì vậy, dù có khó khăn, thách thức, dù có nhiều thông tin bi quan nhưng cũng có rất nhiều thông tin tích cực và nhiều cơ hội phía trước khi nền kinh tế mở cửa”.

 

Nguyễn Tuyền 

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *