Dòng chảy vốn 05/12/2014 07:21

Có tý danh tiếng, bán ngay lấy tiền

Làn sóng bán các thương hiệu Việt nổi tiếng đang lan rộng. Việc này giúp doanh nhân thu về hàng nghìn tỷ đồng nhưng cũng đồng nghĩa với thương hiệu mất đi và nhường sân chơi cho ông chủ nước ngoài.

Được giá là bán cho nước ngoài

 

Tháng 4/2013, Dự án đầu tư nước ngoài Công ty Cổ phần Prime Group của Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) Thái Lan đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư để khai thác đá, cát, sỏi sản xuất vật liệu xây dựng tại Vĩnh Phúc với vốn đăng ký là gần 240 triệu USD.

 

Đây là thủ tục cuối cùng hoàn tất quá trình SCG thâu tóm Prime Group. Từ đó cho đến nay, thương hiệu gạch men nổi tiếng Prime đã không còn được nhắc tới nhiều. Người ta chỉ còn nghe tới cái tên SCG như là một tập đoàn sản xuất gạch men lớn nhất thế giới với nguồn cung chính từ Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

 

Với thương vụ này, Prime thu về gần 5.000 tỷ đồng. Ngược lại, SCG tiếp quản nhà máy sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam với khoảng 20% thị phần trong nước. SCG thâm nhập được vào thị trường gạch men có nhu cầu cao gấp vài lần so với khu vực nhờ dân số trẻ và khu vực nông thôn rộng lớn đang phát triển. Và trên hết, SCG nhanh chóng chiếm ngôi vị số một trên thế giới trong lĩnh vực này.

 

Thuận mua vừa bán, cả hai bên đều cảm thấy hài lòng. Tuy vậy, sự im hơi lặng tiếng của thương hiệu nổi như cồn Prime trong cả năm vừa qua khiến nhiều người không khỏi nghi vấn đặt câu hỏi về số phận của nhiều thương hiệu hàng đầu trong các lĩnh vực khác mà gần đây bán cho các đại gia nước ngoài. Liệu sẽ có những sự biến mất giống như Tribeco hay như Dạ Lan trước đây?

 

thương-hiệu, M&A, thâu-tóm, mua-bán, biến-mất, Dạ-Lan, Colgate, Kinh-Đô, Phở-24, Tribeco, Ocean-Mart, Diana, đại-gia, Bibica, Lotte, Tribeco, Prime, X-Men, Y-Khoa-Hoàn-Mỹ, Ngân-Lượng, CareerBuilder, Vietnamworks

Sự biến mất của thương hiệu Dạ Lan

 

Trong khi đó, thông tin ký kết hợp tác Kinh Đô và Mondelez International với khả năng có thể mở cửa cho Mondelez International đầu tư 80% mảng kinh doanh bánh kẹo với số tiền 370 triệu USD nếu được ĐHCĐ thông qua.

Cũng giống như Prime, thông tin lập tức thu hút dư luận vì tên tuổi của Kinh Đô trên thị trường nội địa. Vị thế ông vua bánh kẹo, với 20 năm thống trị thị trường bánh trung thu trong nước.

 

Thị trường vật liệu xây dựng nội địa hồi cuối năm 2012 cũng rúng động với thông tin tập đoàn xi măng lớn nhất Đông Nam Á, Semen Gresik (SMGR) của Indonessia đổ 230 triệu USD (khoảng 4,8 nghìn tỉ đồng) mua lại 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long của một trong những "tỷ phú ẩn danh" thuộc tốp giàu nhất Việt Nam, ông Vũ Văn Tiền - chủ tịch tập đoàn Geleximco.

 

Vài năm gần đây, hàng loạt các thương hiệu có tiếng tăm tại Việt Nam, chứa đựng sự sáng tạo và văn hóa người Việt như Phở 24, Highlands Coffee, X-Men, Bia Huda, Diana, Bibica, Y khoa Hoàn Mỹ, Ngân Lượng, CareerBuilder, Vietnamworks, Viettronic, Bảo hiểm AAA... đều đã được bán toàn bộ hoặc phần lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Một số thương hiệu hàng đầu khác cũng nằm tình trạng nguy cơ bị thâu tóm như: Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong...

 

Thị trường rơi vào tay nước ngoài

 

Trong trường hợp Prime, thương vụ M&A này thực sự gây ấn tượng với giới đầu tư bởi nó có quy mô khủng, thuộc tốp 10 các thương vụ M&A thực hiện trong năm đó. Từ một công ty sản xuất gạch men nhỏ tại Vĩnh Phúc, sau 14 năm các ông chủ thu về 5.000 tỷ đồng - một con số rất lớn.

 

thương-hiệu, M&A, thâu-tóm, mua-bán, biến-mất, Dạ-Lan, Colgate, Kinh-Đô, Phở-24, Tribeco, Ocean-Mart, Diana, đại-gia, Bibica, Lotte, Tribeco, Prime, X-Men, Y-Khoa-Hoàn-Mỹ, Ngân-Lượng, CareerBuilder, Vietnamworks

Cổ đông nội "biếu không" Tribeco cho ông lớn Uni-President...

 

Về hiệu quả, dự án xây lên rồi bán như vậy có tỷ lệ sinh lời có thể rất cao. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, để xây dựng được một cỗ máy hoàn hảo, một thương hiệu nổi tiếng không phải bao giờ cũng làm được cho dù đầu tư rất nhiều tiền của.

 

Thị trường gạch men hiện giờ vẫn còn nhiều doanh nghiệp đối trọng với các ông lớn nước ngoài đang thâm nhập. Tuy nhiên, theo thống kê của Hội VLXD, các công ty có vốn FDI đã chiếm đến trên 30% công suất toàn ngành vật liệu xây dựng nói chung, chưa kể các vụ thâu tóm gần đây. Và nhiều khả năng các nhà máy xi măng sẽ tiếp tục bị các doanh nghiệp nước ngoài thôn tính.

 

Trên thị trường bánh kẹo, ngoài trường hợp đang gấy chú ý của Kinh Đô, trước đó, ông lớn Lotte cũng đã thâu tóm gần 50% Bibica... Mảng nước uống cũng đã chứng kiến cảnh cổ đông nội "biếu không" Tribeco cho ông lớn Uni-President...

 

Mảng mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, hóa chất giặt tẩy, kem đánh răng, dầu gội, thực phẩm... rơi phần lớn vào các ông lớn như Unilever, Procter & Gamble, Colgate...

 

Trên thực tế, trong bối cảnh hội nhập, việc xây lên rồi bán là một điều hết sức bình thường. Các doanh nhân có thể hiện thực hóa lợi nhuận của mình, chấm dứt dự án đầu tư của mình vào một thời điểm nào đó với một món tiền lớn. Không ai có thể ngăn cấm được những hoạt động kinh doanh hết sức bình thường đó.

 

Tuy nhiên, điều đáng buồn là: không ít các thương hiệu bị bán đi đồng nghĩa với việc trao lại toàn bộ thị trường lĩnh vực đó cho các nhà đầu tư nước ngoài như trường hợp Kem đánh răng Dạ Lan, điện tử Viettronic... Vì thế, nhiều vụ mua bán trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, thủy sản (AGD, MPC...), bánh kẹo... gần đây khiến không ít người lo lắng về các thị trường có thể bị chi phối thao túng như trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, con giống gia cầm trong vài năm qua.

 

Việt Nam không có nhiều thương hiệu lớn. Những thương hiệu như Trung Nguyên, Dạ Lan, Diana, Bibica, Kinh Đô, X-Men, Y khoa Hoàn Mỹ, Ngân Lượng, Viettronic, Bảo hiểm AAA, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong... rất ít. Không những thế chúng lại đang rơi rụng dần vào tay các ông lớn nước ngoài. Họ dùng thương hiệu để kinh doanh trên phạm vi toàn cầu nên rất biết quý trọng và đánh giá cao sự khác biệt đó.

 

Mạnh Hà

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *