Dòng chảy vốn 23/09/2015 09:28

Chủ tịch VCCI: Lãi suất cho vay cần phải giảm thêm

FICA - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay, lạm phát hiện rất thấp, chưa đầy 1%, khả năng hết năm 2015 sẽ là 2%. Điều đó cho thấy, lãi suất tương đối cao so với lạm phát, do vậy, NHNN cần tính đến việc giảm thêm lãi suất để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp khó vay vốn

Tại Hội thảo “Cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và VCCI tổ chức, ông Trần Văn Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, công ty ông hiện đang thuê đất của nhà nước 775 ha, tuy nhiên tài sản trên đất thuê này chưa được thế chấp. Do đó, ông mong các chuyên gia trao đổi thêm để doanh nghiệp được làm các thủ tục liên quan, phục vụ cho việc kinh doanh.

Theo chia sẻ của ông Lâm Văn Chiểu - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân cho biết, Công ty Tân Cương đã thuê gom được 350 ha ruộng của nông dân ở 7 vùng khác nhau trong tỉnh Nam Định.

Sau khi thuê gom ruộng đất, công ty tự quy hoạch lại các ô thửa; tu bổ, chỉnh trang bờ vùng, bờ thửa và hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng; cải tạo mặt bằng, xây dựng cầu cống, đường điện đảm bảo đáp ứng cơ bản yêu cầu sản xuất 2 vụ giống lúa và 01 vụ cây trồng vụ đông/năm.

Trên diện tích 350 ha ruộng, công ty liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp địa phương, các hộ nông dân liên hộ sản xuất theo phương thức các hộ nhận diện tích do công ty giao, tổ chức nhân lực trồng cấy theo chỉ đạo kỹ thuật của đội ngũ kỹ thuật công ty.

Từ khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, Cường Tân đã tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa giống tại các địa phương trong tỉnh Nam Định. Đến nay, công ty đã được ngân hàng giải ngân số vốn vay hơn 18 tỷ đồng (vốn vay ngắn hạn). Từ nguồn vốn vay trung và dài hạn công ty đang lập dự án để triển khai sau tháng 8/2015.

Thực hiện triển khai dự án “Cánh đồng mẫu lớn” để sản xuất tập trung, với số vốn đã đầu tư là rất lớn, nhưng theo đại diện công ty này, phần đất đai sản xuất không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn. Do đó, công ty gặp khó khăn trong vấn đề vay vốn cần tài sản bảo lãnh với ngân hàng thương mại.

Trước thực tế này, các doanh nghiệp đề nghị ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo; điều chỉnh giảm lãi suất trung và dài hạn (xuống thấp dưới 9% trên năm)…

 


Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI và bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì Hội thảo

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI và bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì Hội thảo

 

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN cho biết: Ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng năm từ 13 - 15%. 8 tháng đầu năm, tín dụng đã tăng trưởng 9,54%. Tùy theo điều kiện kinh tế vĩ mô, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo có thể đưa tăng trưởng tín dụng từ 13-15% năm 2015 lên 17%.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đây là 1 trong 5 lĩnh vực nằm trong chủ trương ưu tiên của Chính phủ. Trong thời gian qua, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp cho ngành này. Cụ thể, NHNN đã ban hành Nghị định 55 thay thế Nghị định 41, có nhiều điểm mới như: Tăng cho vay tín chấp, bổ sung đối tượng mới được cấp tín dụng, khuyến khích liên kết phát triển…

Cần tính giảm thêm lãi suất cho vay

Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã chủ động đưa ra 5 kiến nghị.

Thứ nhất, theo ông Lộc, mặc dù NHNN đã rất thành công trong việc ổn định tỷ giá, giảm lãi, nhưng ở thời điểm hiện nay, lạm phát rất thấp, chưa đầy 1%, khả năng hết năm 2015 sẽ là 2%. Điều đó cho thấy lãi suất hiện nay tương đối cao so với lạm phát, do vậy, NHNN cần tính đến việc giảm thêm lãi suất để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, hiện nay, rất nhiều ngân hàng TMCP đã hết room tín dụng, không có khả năng cho vay tiếp. Do vậy, NHNN cần đưa ra chính sách nới lỏng room tín dụng một cách hợp lý, linh hoạt, công bằng, minh bạch. Đây là điều rất cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn.

Thứ ba, NHNN nên tiếp tục kiên định chủ trương của mình trong việc tái cấu trúc nhằm xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh.

Thứ tư, các NHTM phải triển khai mạnh mẽ việc cho vay dựa trên cơ sở tín chấp của NHNN. Muốn như vậy, bản thân ngân hàng cũng phải minh bạch để có thể đồng hành, giúp doanh nghiêp sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng từ ngân hàng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Thứ năm, hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng đến 90% vốn ngân hàng. Đây là vấn đề bất hợp lý về cơ cấu nguồn vốn. Trong thời gian tới, ngân hàng cần tính toán lại để đảm bảo sự cân đối giữa vốn tự có của doanh nghiệp và vốn cho vay của ngân hàng.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *