Dòng chảy vốn 13/01/2016 08:31

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu mở siêu thị 30, 1 Tết: Chuyên gia nói gì?

Theo chuyên gia kinh tế, dù xuất phát từ ý tốt muốn phục vụ tốt nhất cho nhân dân nhưng đây là một quyết định gây tranh cãi, có thể tác động tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Tại buổi họp với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 9/1, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra nhiều cam kết đảm bảo trật tự an ninh và tạo điều kiện cho nhân dân vui Tết. Theo đó, đối với các mặt hàng thiết yếu, thành phố yêu cầu các cây xăng phục vụ đến tận đêm 30 và mở cửa trở lại ngay trong mùng 1 Tết nguyên đán. Các trung tâm thương mại, siêu thị cũng sẽ bán hàng muộn trong đêm Giao thừa và mở cửa sớm vào sáng mùng 1.

Mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho rằng: “Về quan điểm, mục tiêu đưa ra nhằm phục vụ tốt nhất cho nhân dân là đúng. Tuy nhiên, nếu là quy định thì cũng cần phải phù hợp với thực tế, như xăng dầu là mặt hàng thiết yếu cần phải có, phục vụ 24/24, kể cả ngày lễ tết nhưng siêu thị thì có cũng tốt mà không có cũng không sao. Người tiêu dùng thấy siêu thị mở cả 30, mùng 1 thì thích nhưng nếu doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, tốn kém thì không nên”.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng: “Dù xuất phát từ ý tốt, muốn phục vụ tốt nhất cho nhân dân nhưng đây là một quyết định gây tranh cãi có thể tác động tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”.

Theo ông Doanh, thành phố không nên có quy định cứng nhắc cho tất cả các cửa hàng. Đồng thời, cần có thảo luận với doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp ở Hà Nội để đóng góp ý kiến, sau đó mới đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Lê Trí Long: “Chính sách mới có thay đổi so với cái cũ, giúp người dân hài lòng. Nếu mở cửa thông Tết, nhiều siêu thị muốn đẩy mạnh bán hàng sẽ phải đưa ra nhiều chương trình khuyến mại lớn, có thể thu hút khách. Người dân cũng không chịu tâm lý đổ dồn vào mua sắm dịp cuối năm. Điều này giúp ngày Tết cũng trở thành một dịp bình thường, khi mà giờ đây người ta dần thay đổi quan niệm sang “chơi Tết” chứ không còn là “ăn Tết” như ngày xưa”.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM) nhận định, việc yêu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu, cây xăng, trung tâm thương mại và siêu thị phải mở cửa tới tận đêm 30 và mùng 1 đã thể hiện mong muốn người dân được sinh hoạt tốt hơn trong dịp tết, đây là điều tốt và rất đáng ghi nhận.

"Tuy nhiên, việc ban hành một mệnh lệnh hành chính nhằm áp đặt cho các doanh nghiệp và người lao động là không nên, không phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường. Hơn nữa Việt Nam đã gia nhập và là thành viên của  WTO, các quyết định liên quan đến quyền và lợi ích doanh nghiệp phải thảo luận và thông qua ý kiến doanh nghiệp, không thể tự áp đặt", ông Hùng nói.

Vị luật sư này cho rằng, nếu quy định trên được đưa ra, sẽ không những không đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp mà còn không bảo đảm quyền lợi cho người lao động. "Vì những ngày này, hầu hết người lao động ai cũng muốn nghỉ tết, đón tết, sum vầy bên gia đình, rất ít người lao động muốn đi làm dù tiền lương, phụ cấp...cao hơn ngày thường".

Chỉ nên dừng lại ở mức khuyến khích

Trao đổi dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng cho biết, không có bất kỳ một văn bản pháp luật nào quy định doanh nghiệp phải hoạt động trong những thời điểm đêm 30 và mùng 1 Tết Nguyên đán. Do đó, chỉ nên dừng lại ở mức khuyến khích chứ không nên ra mệnh lệnh hành chính, bởi mệnh lệnh này vô tình không phù hợp với Luật lao động và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

"Khi hoạt động vào những ngày này, doanh nghiệp có khi phải bù lỗ cho các chi phí liên quan, trả lương cao gấp nhiều lần hơn các ngày thường cho người lao động. Theo luật lao động, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương theo công việc. Cụ thể, vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, người lao động được hưởng ít nhất bằng 300%, chưa kể đối với trường hợp hưởng lương ngày", ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, doanh nghiệp không thể bắt người lao động đi làm việc trong những ngày này nếu người lao động không muốn, trừ những ngành đặc thù bắt buộc phải hoạt động để duy trì kinh doanh.

"Nếu doanh nghiệp không có người lao động để làm việc trong những ngày này thì cũng không thể xử phạt được vì lỗi này không thuộc về doanh nghiệp. Cũng không hề có bất kỳ quy định nào quy định được phạt doanh nghiệp trong những trường hợp này", ông nói thêm.

Còn theo chuyên gia Ngô Trí Long: “Chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp mở cửa thông Tết chứ không nên đưa ra chỉ thị hay áp dụng mệnh lệnh hành chính. Trên thực tế, có nhiều khi phải dùng các biện pháp hành chính trong nền kinh tế thị trường nhưng chỉ là trường hợp bất đắc dĩ. Thêm vào đó, cũng cần phải tuân thủ theo xu thế chung, không chỉ đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng mà cần đảm bảo quyền lợi của cả người bán”.

Phương Dung

 
 
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *