Dòng chảy vốn 25/03/2016 07:57

Chọn nhà thầu Trung Quốc: "Có cái gì không chỉ là ham rẻ, có lợi ích nhóm hay không?"

Đó là những băn khoăn của cử tri và người dân được đại biểu Lê Như Tiến truyền đạt lại. Ông Tiến cho rằng, các công trình xây dựng nói chung và dự án đường ống nước sạch Sông Đà nói riêng phải quan tâm trước hết đến chất lượng, còn nếu ham rẻ để xảy ra sự cố thì phải truy đến cùng trách nhiệm.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 24/3, Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết, vừa qua khi đi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đặt câu hỏi về chuyện tại sao nhiều công trình xây dựng trọng điểm lại chỉ chọn những nhà thầu Trung Quốc.

"Liệu còn có cái gì không phải chỉ là ham rẻ đằng sau đó không? Có lợi ích nhóm trong đó không? Cử tri và người dân đã đặt các câu hỏi như thế" - vị đại biểu không khỏi băn khoăn.

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến

Liên hệ đến dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông trì trệ, đội vốn lên 100%, ông Tiến cho rằng: "Không hẳn do kinh tế khó khăn nên chúng ta ham rẻ đâu, mà ở đây là do tầm nhìn hạn chế. Chúng ta thấy rẻ trước mắt đấy nhưng liên tục phải bỏ vốn thêm ra 2, 3 lần như thế".

Theo ông Tiến, một công trình nhẽ ra tuổi thọ phải đến trăm năm thì chỉ trong vòng vài năm đã hỏng, phải đập đi làm lại thì tốn kém hơn rất nhiều. Cái giá của ham rẻ là như vậy. Do đó, ông Tiến đề nghị, khi xây dựng một dự án, cần phải có tầm nhìn xa hàng trăm năm và không nên chỉ tập trung vào một nhà thầu. Đã đấu thầu thì phải lựa chọn nhiều nhà thầu có năng lực.

Đề cập đến dự án đường ống nước sạch Sông Đà, đại biểu Lê Như Tiến đánh giá, đây không chỉ là công trình xây dựng quan trọng mà còn là công trình đảm bảo dân sinh. Với tầm quan trọng của dự án, điều cần quan tâm là chất lượng chứ không phải là bỏ thầu thấp rồi trong quá trình làm lại bị rơi vào thế "cưỡi lên lưng hổ", không thể xuống được.

Thực tế cũng đã cho thấy bài học, đó là nhiều công trình có giá bỏ thầu thấp nhưng khi thi công dang dở, đình trệ, chậm tiến độ thì phải bỏ thêm vốn để triển khai tiếp. Nếu chẳng may vừa đưa vào dùng lại xảy ra vỡ liên tục, gây thiếu nước cho người dân thì điều gì sẽ xảy ra đây? "Không chỉ là lãng phí, mất tiền của mà hơn thế lòng tin của người dân sẽ mất" - vị đại biểu lo ngại.

Do đó, theo ông, người có trách nhiệm trong việc quyết định thầu phải hết sức cẩn trọng, cần phải "vì dân, vì nước nhiều hơn chứ đừng vì giá bỏ thầu thấp hay gì đó đằng sau". Phải rất quan tâm đến năng lực, chất lượng còn nếu để cho nhiều công trình như đường sắt trên cao ở Hà Nội thì chỉ có gây tốn kém, lãng phí ngân sách mà thực chất đó là tiền thuế của dân.

Để làm nghiêm, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng đề xuất, đối với tất cả các công trình vì giá bỏ thầu thấp, nếu sau này để xảy ra sự cố nghiêm trọng thì phải truy được đến cùng trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *