Dòng chảy vốn 13/06/2018 10:11

Chính phủ đặt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh tăng 8 - 18 bậc

Việt Nam đặt mục tiêu các chỉ số môi trường kinh doanh cần được tập trung cải thiện để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; đồng thời cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp.

Tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018, Chính phủ đánh giá, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta liên tục được cải thiện.
 
Trong đó, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên 68/190 nền kinh tế); đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay.
 

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh vẫn chưa bền vững và chưa đạt được mục tiêu đề ra; thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực và hầu như không có cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong nhiều năm qua; một số chỉ số quan trọng thậm chí còn tụt hạng.

Để đạt được mục tiêu xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh bằng mức trung bình của các nước, Chính phủ cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực.

Trong đó, các chỉ số môi trường kinh doanh cần được tập trung cải thiện để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; đồng thời cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp.

Nghị quyết số 19 đề ra mục tiêu khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc, giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc, giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc. Việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh được hoàn thành. Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư cần được kiến nghị bãi bỏ.

Danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành giảm ít nhất 50%. Cách thức quản lý nhà nước được chuyển đổi mạnh mẽ từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm. Tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan phải được xóa bỏ căn bản. Tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan giảm từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.

Đồng thời, tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến cần được đẩy nhanh để đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

Năng lực cạnh tranh của ngành du lịch cần được tăng cường (thêm 10 bậc, hiện xếp thứ 67/136 quốc gia); để du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngành dịch vụ logistics được chú trọng cải thiện chất lượng hoạt động (giảm chi phí còn khoảng 18% GDP so với mức hiện nay là hơn 20% GDP; cải thiện chỉ số hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc so với xếp hạng hiện nay là 64/160 quốc gia) để tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành.

Lâm An

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *