Dòng chảy vốn 26/04/2017 18:05

Chỉ 4/30 doanh nghiệp lớn công khai ủng hộ chống tham nhũng

Trong hơn 30 doanh nghiệp (DN) lớn niêm yết niêm yết lớn nhất, vốn đầu tư nước ngoài và DN Nhà nước lớn nhất theo bảng xếp hạng VNR500 năm 2015, chỉ có 4 DN công khai các cam kết của lãnh đạo ủng hộ phòng chống tham nhũng.

Đây là khẳng định trong báo cáo “Đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp” ở 30 doanh nghiệp lớn (TRAC Việt Nam năm 2017), do cơ quan của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam thực hiện dựa trên thu nhập từ các website của 30 DN trên từ ngày 10/10/2016 đến ngày 30/11/2016.


Chỉ 4/30 doanh nghiệp công khai ủng hộ chống tham nhũng

Chỉ 4/30 doanh nghiệp công khai ủng hộ chống tham nhũng

Báo cáo của TRAC 2017, đánh giá dựa trên việc công bố thông tin rộng rãi của các công ty trên website về 3 khía cạnh như: Công khai thông tin phòng chống tham nhũng; Minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp; Báo cáo hoạt động ở từng quốc gia.

Tiêu chí đánh giá 100% là công ty có công khai nhiều nhất; 0% là công khai ít nhất. Kết quả cho thấy, thông tin về chương trình phòng chống tham nhũng cho tổng điểm trung bình của 30 DN chỉ đạt 10%, trong đó nhóm DN FDI đạt cao nhất với 24,2%, nhóm công ty niêm yết là 5,1% và nhóm DNNN đạt thấp nhất chỉ 1,9%.

Theo báo cáo của TRAC Việt Nam, chỉ có 7/30 DN công khai các cam kết tuân thủ các quy định pháp luật liên quan, trong đó có Luật Phòng chống tham nhũng. 4/30 DN công khai cam kết của lãnh đạo DN ủng hộ phòng, chống tham nhũng. Điều này gây ra một số băn khoăn, nghi ngại về cam kết của DN trong đẩy lùi vấn nạn tham nhũng.

Bên cạnh đó, 18/30 DN công bố thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu. Điều này được cho là minh bạch để các nhà đầu tư tiếp cận thông tin, cũng như minh bạch trong việc sở hữu của vốn Nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn cổ phần chi phối, đại cổ đông... khi lên sàn hoặc huy động vốn.

Đáng chú ý, trong chỉ số công bố thông tin về phòng chống tham nhũng không có DN nào trong số 30 DN lớn của Việt Nam đạt tỷ lệ 100% (công khai toàn bộ). Chỉ có Công ty thép Posco; Công ty thức ăn chăn nuôi Cargill, Samsung và Công ty CP Việt Nam có tỷ lệ công khai các thông tin tham nhũng cao từ 42 - 65%.

Trong chỉ số minh bạch cấu trúc và tỷ lệ sở hữu DN, hai đại diện FPT và Vinamilk đứng đầu với điểm số 100% (công khai cao nhất, hoàn toàn) trên website.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp Chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: "Hiện nay nhiều vấn đề mà nước ngoài coi là tham nhũng nhưng tại Việt Nam đó lại coi là chuyện thường tình. Người ta cứ nói thể chế nào thì doanh nghiệp ấy. Nhưng tôi lại nghĩ khác, ngay tại Việt Nam thôi, hiện rất nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài không chịu phí bôi trơn khi làm ăn ở Việt Nam. Họ đấu tranh, thậm chí kiên quyết bảo vệ mình trước hành vi tham nhũng. Còn đối với DN Việt do yếu thế nhiều mặt nên họ bắt buộc phải đi đằng sau để kinh doanh”.

Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Sáng lập viên, Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới Minh bạch cho hay: “DN cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và truyền thông ra bên ngoài các cam kết và nỗ lực của mình trong việc phòng ngừa rủi ro tham nhũng. Qua đó gửi thông điệp rõ ràng đến khách hàng, nhà đầu tư và các bên liên quan rằng DN không chấp nhận các hành vi tham nhũng. Để làm được như vậy, trước tiên cần phải có những cam kết ủng hộ và chỉ đạo quyết liệt từ các lãnh đạo DN, đối với việc xây dựng văn hoá kinh doanh liêm chính".

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *