Dòng chảy vốn 15/04/2014 06:15

Thủ tướng yêu cầu có cơ chế thuận lợi hơn nữa cho Đà Nẵng

FICA - Chiều 14/4, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu của thành phố. Thủ tướng đồng thời mong muốn Đà Nẵng thực hiện thắng lợi kinh tế xã hội 2014 và phát triển hơn nữa.

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – ông Văn Hữu Chiến – cho biết, năm 2013, trong bối cảnh kinh tế xã hội của đất nước và TP Đà Nẵng đối mặt với những khó khăn ngoài dự kiến, đồng thời phải gánh chịu hậu quả cơn bão số 11 nhưng nhờ sự đoàn kết, thống nhất cao, đề cao trách nhiệm, đổi với phương thức lãnh đạo, sự hỗ trợ của Trung ương… nên tình hình các mặt tiếp tục ổn định và phát triển. Các lĩnh vực thương mại, nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp dịch vụ… duy trì tăng trưởng.

Hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc, thu hút trên 3 triệu lượt khách đến (tăng 17,2%), kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt trên 1 tỉ USD, thu ngân sách đạt trên 105%... Các lĩnh vực văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế… tiếp tục phát triển.

Trong quý 1/2014, kinh tế TP Đà Nẵng tiếp tục giữ được nhịp độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn ước đạt trên 9.400 tỉ đồng (tăng 7,8% so với cùng kỳ 2013); trong đó lĩnh vực thương mại dịch vụ tăng trưởng khá. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 235 triệu USD (tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2013…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề cấp bách để Đà Nẵng phát triển hơn nữa, xứng đáng với vị thế là thành phố động lực của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Theo đó, Đà Nẵng đề nghị được cho phép huy động vốn đầu tư bằng 150% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố theo dự toán HĐND TP Đà Nẵng quyết định hàng năm. Đà Nẵng cũng mong được hưởng 70% của số tăng thu các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương và thưởng 70% của số tăng thu ngân sách Trung ương, được phân cấp thêm khoảng thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc các đơn vị hạch toán toàn ngành như điện lực, ngân hàng, bảo hiểm…

Lãnh đạo Đà Nẵng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho thành phố được ổn định tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương tối thiểu 85% cho ngân sách địa phương hiện nay đến năm 2020 để đảm bảo các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Về cơ chế ưu đãi đầu tư, Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng cho phép mở thêm một số khu vui chơi có thưởng tổng hợp dành riêng cho người nước ngoài tại một số khu du lịch cao cấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế như Bà Nà, bán đảo Sơn Trà; cho phép tăng số lượng bàn chơi bài có người chia ở khu du lịch quốc tế đã được Thủ tướng Chính phủ cấp phép và đang hoạt động khá hiệu quả nhằm phục vụ nhu cầu giải trí ngày càng tăng của du khách nước ngoài.

Đối với các hình thức đầu tư BT, BOT, BTO, lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị cho phép địa phương được xem xét, quyết định đầu tư đối với các dự án triển khai theo hình thức hợp đồng BT, BOT, BTO.

Đà Nẵng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ đầu tư các dự án quan trọng như nhà thi đấu thể thao theo tiêu chuẩn hiện đại, dự án di dời nhà ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố, dự án xây dựng làng ĐH Đà Nẵng trở thành một trong 3 trung tâm đại học của cả nước, dự án xây dựng cảng Liên Chiểu…

Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ bố trí vốn đối với các dự án đã có chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ các năm trước như Bệnh viện Ung thư, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, cầu Trần Thị Lý…

Chỉ đạo sớm triển khai các công trình, dự án có ý nghĩa động lực, phát triển vai trò lan tỏa của Đà Nẵng đối với khu vực như nâng cấp Bệnh viện Sản – Nhi theo chương trình chống quá tải bệnh viện của Chính phủ, nâng cấp sân bay Đà Nẵng đạt 6 triệu khách/năm, mở rộng QL14B giai đoạn 2, nâng cấp QL14G, Trung tâm hội nghị quốc tế Đà Nẵng, xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc


Sau khi nghe lãnh đạo các Bộ ngành đóng góp ý kiến về các kiến nghị của TP Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự phát triển của Đà Nẵng trong thời gian qua, trong đó có xuất khẩu tăng trên 1 tỉ USD trong năm 2013, thu ngân sách vượt kế hoạch. Thủ tướng cho rằng kinh tế Đà Nẵng có nhiều lĩnh vực chuyển biến tích cực về đầu tư, hạ tầng. Thủ tướng cũng ghi nhận những nỗ lực của lãnh đạo TP Đà Nẵng và mong muốn Đà Nẵng tiếp tục phát triển hơn nữa và thực hiện thắng lợi các mặt kinh tế xã hội trong năm 2014.

Về những kiến nghị của TP Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng ý các kiến nghị và yêu cầu lãnh đạo TP Đà Nẵng làm việc cụ thể với các Bộ ngành và trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng một số kiến nghị của Đà Nẵng hiện nay cũng phải theo luật. Dù vậy, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành cần ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển hơn nữa.

Đối với các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, Thủ tướng đề nghị các Bộ ngành liên quan xem xét, bố trí vốn cho Đà Nẵng. Về mở rộng QL14B, nâng cấp QL14G… Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng quy hoạch để tìm nguồn vốn triển khai. Về quy hoạch tàu điện ngầm, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT và Đà Nẵng tiến hành quy hoạch. Về việc tăng thêm bàn chơi bài và mở thêm một số khu vui chơi có thưởng khác, Thủ tướng đề nghị các Bộ ngành liên quan xem xét trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới…

Cũng trong chiều 14/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và làm việc tại Tổng công ty Sông Thu (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng), doanh nghiệp chuyên đóng mới, sửa chữa tàu quân sự, đảm bảo kỹ thuật cho lực lượng hải quân, cảnh sát biển, ứng phó sự cố tràn dầu, sản xuất cơ khí…

Từ một tổ hợp cơ khí, sau 38 năm xây dựng và phát triển; đến nay Sông Thu đã trở thành một doanh nghiệp cơ khí đóng tàu hàng đầu với doanh thu năm 2013 đạt hơn 1.500 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 100 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vui mừng vì sự nỗ lực phấn đấu và kết quả đạt được của Tổng Công ty Sông Thu. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, ngành đóng tàu gặp nhiều thử thách do lạm phát, lãi suất ngân hàng cao, công ty lại phải di dời đến vị trí mới… song nhờ có những bước đi, cách làm phù hợp, Sông Thu vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao, phát triển lên quy mô mới. Thủ tướng biểu dương và ghi nhận sự cố gắng của Tổng Công ty Sông Thu trong những năm qua đã chủ động khắc phục khó khăn, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Sản phẩm tàu xuất khẩu có giá thành cạnh tranh, công nghệ tiên tiến nên được bạn bè quốc tế ký kết, hợp tác.

Thủ tướng mong muốn, Tổng Công ty Sông Thu cần tiếp tục phát huy những kết quả thời gian qua, chủ động chuyển giao công nghệ, hợp tác hiệu quả với các đối tác trong và ngoài nước, tìm ra sản phẩm chuyên doanh, tạo chỗ đứng vững chắc trong chuỗi sản xuất cơ khí đóng tàu và tăng trưởng bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành lực lượng nòng cốt trong đóng mới và sửa chữa của ngành đóng tàu Việt Nam.

 Công Bính

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *