Dòng chảy vốn 14/02/2015 14:49

Cấp tập biến VN thành 'cường quốc' cây mắc-ca: Không chờ nữa

Việt Nam có thể trở thành 'cường quốc', trung tâm mắc-ca không chỉ của khu vực mà còn thế giới-kỳ vọng của nhiều nhà quản lý khi nói về cây mắc ca.

Không phải ngồi chờ khảo nghiệm thêm

 

Thời gian gần đây, có nhiều động thái thúc đẩy việc trồng cây mắc ca. Sau chỉ đạo của Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông lâm sản chế biến và các tỉnh Tây Bắc triển khai thí điểm xây dựng mô hình trồng cây mắc-ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo quy định tại Quyết định 27/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hứa hỗ trợ vốn, đặt mục tiêu 200.000 tấn năm 2015.

 

Hiện cũng có 2 ngân hàng là Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội đang cho người nông dân vay vốn trồng mắc ca.

 

Theo các nhà chuyên môn, cây mắc ca mang lại kinh tế cao và có thể trồng xen canh với các cây trồng khác như cây cà phê, tiêu, điều, chuối tiêu. Tính toán bước đầu qua diện tích trồng thử nghiệm ở Tây Nguyên cho thấy với sản lượng trung bình 4 tấn/ha, mỗi năm trừ chi phí thì mỗi ha có thể thu lãi 100 triệu đồng.

 

Giáo sư Hoàng Hòe, Nguyên Viện trưởng Viện điều tra quy hoạch rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - người đầu tiên nghiên cứu và đưa cây mắc ca về Việt Nam thì khẳng định: Về hiệu quả kinh tế thực tế những nơi đã trồng như ở Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lăk thì thực tế đã chứng minh.

"Nhìn từ những nơi đã trồng và có kết quả rồi thì thấy không cần phải ngồi chờ khảo nghiệm thêm. Kể cả các nước người ta đã trồng mấy chục năm rồi họ cũng vẫn tiếp tục nghiên cứu nhưng không ai ngồi chờ thêm nữa, như vậy là quá chậm", GS Hòe nói.

 

Theo GS Hòe tính toán, giá hiện tại 1kg hạt mắc ca là 4,5 USD/kg, 1ha mà được 4 tấn thì sẽ thu được khoảng 16-17.000 USD/ha (gần 400 triệu đồng/ha).

 

"Đây là  năng suất cây ở bên Australia. Còn ở Việt Nam những chỗ làm tốt sản lượng còn tăng gấp đôi so với Úc. Cây này có hiệu quả lớn hơn hẳn cafe, cao su, điều... thậm chí gấp đôi gấp ba", GS Hòe khẳng định.

 

GS Hòe cũng cho biết, hiện có hai tập đoàn lớn trong đó có Công ty cổ phần Him Lam trước làm về bất động sản nay bắt đầu nhảy vào lĩnh vực này.

 

"Tôi tin tưởng chắc chắn là phát triển cây này sẽ có lợi cho đất nước. Không nên nhìn những bài học thất bại từ cây cao su để chùn bước. Hiện Chính phủ cũng đã nghiên cứu, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ cũng quyết tâm... nên không chùn bước", GS Hòe nhấn mạnh.

 

Hiện đã có nhiều hộ nông dân ở Tây Nguyên tham gia trồng cây mắc ca
Hiện đã có nhiều hộ nông dân ở Tây Nguyên tham gia trồng cây mắc ca

 

Thận trọng với dịch bệnh của cây

 

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, lại có cái nhìn thận trọng hơn. Theo ông, về mặt khoa học thì sẽ không ai phủ nhận hiệu quả, năng suất của cây này. Song để đưa vào trồng mở rộng cũng cần phải nhìn nhận những bài học khi phát triển các loại cây công nghiệp trước đó để tránh.

 

"Người ta có thể lấy thông tin từ nước này, nước khác để nói về những thuận lợi của cây. Cho nên các cơ quan có trách nhiệm khoa học cần thể hiện vai trò trong câu chuyện này. Còn người trồng cũng cần tỉnh táo trong việc lựa chọn giống", GS Lung cảnh báo.

 

GS Lung cũng lưu ý thêm: "Trồng được rồi nhưng dịch bệnh là gì, tại sao bây giờ chưa phát hiện ra sâu bệnh hay đến một lúc nào đó nó mới có?. Đây cũng có thể là một rủi ro. Thông thường khi đưa cây sang một vùng sinh thái khác vùng nguyên chủng của nó có thể xảy ra hai khả năng, một là không sao hoặc có thể phát sinh những dịch bệnh mà trước đó không có".

 

Mặc dù vậy GS Lung vẫn muốn cảnh giác: người trồng nếu phát hiện thấy hiện tượng lạ cần phải thông báo ngay cho cơ quan khoa học.

 

Ngoài ra về thị trường GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho rằng trước mắt có thể yên tâm, kết quả khảo nghiệm bước đầu cũng có thể tin tưởng.

 

Cũng đồng tình với việc lựa chọn giống cây chất lượng, GS Hòe lưu ý, người dân nên thận trọng với những trung tâm làm giống cây gian dối, không có chất lượng. Phải tìm đến những nơi có vườn ươm tốt, đảm bảo để tránh tình trạng họ bán xong thì chạy.

 

Về bệnh cây, GS Hoàng Hòe cho rằng hiện nay sâu bệnh ít, nhưng trên thế giới chưa có dịch bệnh phá hoại, còn những bệnh lẻ tẻ thì đều xử lý được

Cho rằng về nguyên tắc thì cây nào cũng sẽ có rủi ro nhưng GS Hòe một lần nữa khẳng định: không nên nhìn vào những điều trở ngại để chùn bước với cây mắc ca.

Theo Bích Ngọc

Đất Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *