Dòng chảy vốn 22/01/2014 08:07

Các tỉnh thành đồng loạt công bố CPI tháng giáp Tết

FICA - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2014 trên địa bàn Hà Nội tăng 0,7% so với tháng trước trong khi tại TPHCM con số này là 0,4%.

Theo Cục thống kê thành phố Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2014 trên địa bàn Hà Nội tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 6,78% so với cùng kỳ năm ngoái với 10/11 nhóm hàng tăng giá. Trong đó nhóm đồ uống và thuốc lá (tăng 1,29%), nhóm giao thông (tăng 1,19%) tăng trên 1% còn nhóm bưu chính - viễn thông giữ nguyên bằng tháng trước.

Theo Cục thống kê Hà Nội, đến thời điểm này, sức mua đang tăng dần, nhưng giá chưa có biến động lớn. Nhìn chung, thị trường hàng hóa dồi dào, đa dạng và có tác động tích cực từ sự chỉ đạo bình ổn giá của thành phố.

Trong khi đó, số liệu từ Cục thống kê TPHCM cũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2014 của thành phố đã tăng 0,4% so với tháng trước. Đây cũng là mức tăng thấp nhất của tháng 1 trong vòng 5 năm trở lại đây.

Theo báo cáo này, trong 11 nhóm hàng, hai nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng và nhóm giao thông tăng khá mạnh ở các mức 1,2% và 1,24% so tháng trước.

Đối với nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, tuy không phải mùa xây dựng nên giá các loại vật liệu xây dựng tiếp tục giảm nhưng việc tăng giá gas bán lẻ 20% trong tháng trước tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến chỉ số giá tháng này. Mức giảm 43 nghìn đồng/ bình 12kg vừa qua cũng chỉ làm giảm bớt tác động tăng giá chứ không đủ liều lượng để khiến chỉ số giá giảm so tháng trước.

Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu các loại ngày 18/12/2013 cũng có tác động tăng giá lên nhóm hàng này và nhóm giao thông.

Còn đối với nhóm giao thông, ngoài tác động tăng giá do tác động từ việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu kể trên, việc các hãng vận tải được phép điều chỉnh giá vé trong dịp Tết cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá nhóm hàng này tăng trên 1% so với tháng trước.

Trước đó, Cục Thống kê tỉnh Long An cũng cho biết, CPI trên địa bàn tỉnh trong tháng đầu năm 2014 đã tăng 0,64% so với tháng trước; trong đó hàng hóa tăng 0,72% và dịch vụ tăng 0,42%.  

So với tháng trước, t rong hàng hóa, nhóm ngành lương thực – thực phẩm tăng 0, 68 % ( lương thực tăng 0 , 73 % và thực phẩm tăng 0, 67 %), nhóm ngành phi lương thực – thực phẩm tăng 0, 77 %.

Trong 11 yếu tố cấu thành chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1/2014, ngoại trừ 2 nhóm ngành có chỉ số giá giảm nhẹ là bưu chính viễn thông và văn hóa, giải trí, du lịch; 9 nhóm ngành hàng còn lại có chỉ số giá tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm giao thông tăng 1,70% và nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,33%.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi 19 tỉnh, thành phố, về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát năm 2014 tại địa phương. 19 địa phương gồm: Bình Dương, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Điện Biên, Đà Nẵng, Tây Ninh, Tiền Giang, Hà Nội, Nam Định, Long An, Đắc Lắc, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Bắc Kạn, Bình Phước. Đây là 19 địa phương có mức tăng CPI năm 2013 cao hơn mức tăng CPI chung của cả nước.

Công văn nêu rõ trong năm 2013, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước năm 2013 chỉ tăng 6,04%. Tuy nhiên, CPI năm 2013 tại 19 địa phương này lại có mức tăng cao hơn mức tăng CPI chung của cả nước.

Do đó, để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2014 khoảng 7% đã được Quốc hội thông qua, trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, còn tiềm ẩn yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá, Bộ Tài chính đề nghị UBND 19 tỉnh, thành phố nêu trên quan tâm chỉ đạo yăng cường và triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết, tạo đà thực hiện mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm 2014.

 

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *