Dòng chảy vốn 03/05/2015 15:47

Bức tranh kinh tế quý I nhìn từ "kiềng 3 chân"

FICA - Sản xuất công nghiệp được coi là tâm điểm trong quý I trong khi ngành nông nghiệp và dịch vụ vẫn tăng trưởng khá trì trệ.

Nông nghiệp trì trệ

 

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô quý I do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới công bố, sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản mất đà tăng trong quý I. Tăng trưởng GDP nông nghiệp quý I/2015 giảm xuống 1,54% yoy từ 1,91% và 2,03% cùng kỳ năm 2014 và 2013. Tăng trưởng ngành thuỷ sản giảm còn 3,38%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với quý I/2014.

 

Nguồn cầu không ổn định từ các thị trường xuất khẩu chính góp phần khiến cho sản xuất cầm chừng. Ngoài ra, hiện tượng trồng cây nông nghiệp và chăn nuôi gia súc tự phát, không gắn với tiêu thụ gia tăng rủi ro cho nông dân, phá vỡ quy hoạch và cản trở phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong khi đó, tăng trưởng lâm nghiệp tăng lên 6,02% từ 4,64% cùng kỳ 2014, duy trì quán tính mở rộng từ 2014.

 

Theo Quỹ Nông lương Liên hợp quốc (FAO), lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt 6,9 triệu tấn trong năm 2015 (tăng 7% yoy). Lượng xuất khẩu trong quý I mới đạt nửa triệu tấn, giảm 30% yoy, là mức thấp nhất so cùng kỳ từ 2009 đến 2015. Giá gạo có xu hướng giảm do nguồn cung sẵn có dồi dào và cả nước bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, vụ mùa chính của năm 2014-15. Chính phủ sẽ tiếp tục chương trình mua 1 triệu tấn gạo nhằm trợ giá cho nông dân, đánh dấu năm thứ 6 triển khai chính sách này hiệu quả hạn chế trong quá khứ.

 

VEPR cho rằng, phong trào sản xuất không theo quy hoạch và không có hợp đồng tiêu thụ khiến nông dân đối mặt với nguy cơ thua lỗ do nông sản không thể tiêu thụ khi đến vụ thu hoạch. Sản lượng có tính mùa vụ cao, tập quán sản xuất tự phát, kỹ thuật bảo quản và chế biến sản phẩm hạn chế, và thiếu vắng các công cụ tài chính hạn chế rủi ro trong sản xuất nông sản.

 

Công nghiệp là tâm điểm của quý I

 

Báo cáo của VEPR chỉ ra rằng, trạng thái của ngành sản xuất công nghiệp là tâm điểm của quý I khi dữ liệu chính thức cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP nhanh gần gấp hai lần quý I năm ngoái (9% so với 5%) trong khi khảo sát tư nhân gợi ý sự cải thiện vừa phải. Bên ngoài sự cải thiện trong năng lực sản xuất trong nước và nhiều dự án FDI được đầu tư trong năm ngoái vào guồng sản xuất, còn có nguyên nhân từ sự chênh lệch thời điểm Tết Nguyên đán. 

 

Do nghỉ Tết năm 2015 muộn hơn khiến cho thời gian sản xuất kéo dài ra. Lí do này khiến cho các chỉ số công nghiệp cơ bản trong quý I năm 2015 có lúc chệch ra ngoài xu hướng năm 2013 và 2014. Các chỉ số này sẽ điều chỉnh dần về đường xu hướng, sự cải thiện trong tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp năm 2015 có thể đạt từ 2 đến 3 điểm phần trăm so với năm 2014.

 

Chỉ số sử dụng lao động và chỉ số sản xuất công nghiệp theo địa phương cho thấy mức cải thiện trong sản xuất công nghiệp đến từ các dây chuyền đưa vào vận hành của các doanh nghiệp nước ngoài tại các tỉnh như Thái Nguyên (chủ yếu của Samsung Electronics), Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Nam, Cần Thơ, và Vũng Tàu. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn sẽ đi vào vận hành sau quý I như dự án của LG tại Hải Phòng, Samsung Display tại Bắc Ninh, và nhiều dự án dệt may, da giầy khác sẽ tiếp tục duy trì sức tăng trưởng của ngành công nghiệp năm 2015. Tiềm năng tăng trưởng trong các năm sau phụ thuộc nhiều vào khả năng thu hút vốn ĐTNN mới và khả năng hồi phục và tăng cường liên kết của các DN trong nước với mạng lưới sản xuất khu vực.

 

Khảo sát của Markit gợi ý ngành sản xuất trong nước vẫn mở rộng vửa phải trong quý I. Tính tới hết quý I/2015, PMI đã duy trì trên 50 điểm trong 19 tháng liên tiếp kể từ tháng 9/2013. Điều này hàm ý điều kiện sản xuất cải thiện liên tục sau mỗi tháng trong hơn 1 năm rưỡi - bao gồm cả sản lượng và việc làm - có tương quan ở mức độ nhất định với các thống kê chính thức. Đây cũng là thời kỳ cải thiện liên tục dài nhất kể từ khi PMI được khảo sát và công bố từ quý II năm 2011.

 

Chỉ báo đơn hàng mới và tồn kho thành phẩm gợi ý rằng quán tính mở rộng duy trì ít nhất từ 3-6 tháng nữa, gợi ý tăng trưởng sản lượng có thể gia tăng từ mức 6% trong quý I. Chúng tôi kỳ vọng giá đầu vào thấp - chỉ tiêu này đã giảm 5 tháng liên tục - sẽ biến động cùng chiều hướng với xu hướng giá hàng hoá cơ bản thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà sản xuất trong nước cho tới cuối năm. Tháng 7 và 8 vẫn sẽ là thời gian thử thách khi cường độ sản xuất công nghiệp thường chùng xuống.

 

Dịch vụ vẫn trong xu hướng suy giảm

 

Theo VEPR, ngành dịch vụ vẫn trong xu hướng suy giảm tăng trưởng từ sau 2008. Tăng trưởng quý I/2015 đạt 5,82%, thấp hơn mức 5,95% quý I/2014. Ngoài tăng trưởng bán buôn và bán lẻ nhanh hơn so với cùng kỳ năm ngoái (7,11% VS 5,61%), hầu hết các ngành cấp 1 khác tăng trưởng chậm hơn.

 

Khách du lịch giảm so với cùng kỳ tháng thứ 9 do sụt giảm khách du lịch Trung Quốc và Nga. Do căng thẳng về lãnh hải bùng phát vào tháng 5 năm 2014, lượng khách Trung Quốc giảm 40% yoy trong quý I. Khách du lịch từ Nga đến các tỉnh miền Trung giảm và có sức chi tiêu thấp hơn, dù khách Trung Quốc có sự phục hồi vừa phải. Ngoài lượng khách Hàn Quốc tăng cao thì các thị trường khác tăng trưởng ít hoặc giảm so với cùng kỳ. Xuất khẩu dịch vụ năm 2014 đạt khoảng 10 tỉ USD, trong đó chủ yếu là dịch vụ du lịch.

 

Phương Dung

 

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *