Dòng chảy vốn 18/08/2014 14:35

Bộ trưởng Thăng thay hàng loạt chủ đầu tư đường sắt

FICA - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa quyết định chuyển chức năng chủ đầu tư các dự án trọng điểm của ngành đường sắt có sử dụng vốn Ngân sách, ODA

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa ký Quyết định số 3092/QĐ – BGTVT chuyển chức năng chủ đầu tư các dự án trọng điểm của ngành đường sắt có sử dụng vốn Ngân sách, ODA đã được giao cho Cục đường sắt, Tổng công ty đường sắt về Bộ GTVT quản lý, điều hành.

 

 

Các dự án được chuyển giao về Bộ quản lý hầu hết là những dự án lớn, thậm chí hàng tỷ USD. Đáng kể nhất là công trình đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số I (Yên Viên-Ngọc Hồi), với mức kinh phí giai đoạn đầu (Giáp Bát-Gia Lâm với chiều dài 15,36km và khu Tổ hợp ga Ngọc Hồi dài 3,85km) gần 19.500 tỷ đồng và tiểu dự án gian đoạn 2a từ Giáp Bát đến Ngọc Hồi dài 5,649 km, có mức đầu tư là 24.825 tỷ.13 công trình đã được thực hiện bởi nguồn vốn ODA, 7 trường hợp đang thực hiện, số còn lại là đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư sẽ được giao về Bộ quản lý trong thời gian tới đây.

 

5 dự án đang do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư sẽ chuyển về Bộ Giao thông vận tải là: Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến vay vốn ODA Nhật Bản; Dự án Sài Gòn - Lộc Ninh dự kiến vay vốn Trung Quốc; Đường sắt vào Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng vay vốn ODA Nhật Bản; Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ; Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vốn vay ODA Trung Quốc.

 

Trong số các dự án bị chuyển chủ đầu tư, phần lớn là các dự án do Tổng công ty Đường sắt quản lý là: Dự án cải tạo tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân dự kiến vay vốn ODA Nhật Bản; Nâng cao an toàn cầu đường sắt tuyến Bắc - Nam giai đoạn 2 (56 cầu) dự kiến vay vốn ODA Nhật Bản; Hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đoạn Vinh - Tp.HCM, giai đoạn II dự kiến vay vốn ODA Trung Quốc; Hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và Khu đầu mối Hà Nội, giai đoạn II vay vốn ODA Trung Quốc; Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Bắc Nam dự kiến vay vốn Trung Quốc; Đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng dự kiến vay vốn Nhật Bản; Dự án xây dựng đường sắt đô thị Tp.Hà Nội tuyến số 1 giai đoạn 1 và giai đoạn 2 vốn ODA Nhật Bản; Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt Bắc - Nam...

 

Động thái kiên quyết của lãnh đạo bộ GTVT diễn ra trong bối cảnh ngành đường sắt bị phanh phui nhiều vụ tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là một số quan chức của hai Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Yên Viên, Ngọc Hồi, Cát Linh – Hà Đông vừa bị bắt giam và khởi tố vì để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước.

Nhật Minh

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *