Dòng chảy vốn 20/11/2013 14:21

Bộ trưởng Nội vụ: "30% công chức “cắp ô” là do dư luận nói!"

FICA - Ngay đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhận hàng loạt truy vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng 30% công chức “cắp ô”. Ông Bình giải thích số liệu đó được Phó Thủ tướng nêu ra do dư luận cho rằng có tình trạng đó.

Sáng ngày 20/11, bước sang phần chất vấn lãnh đạo ngành nội vụ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mời ông Nguyễn Thái Bình - Bộ trưởng Bộ Nội vụ lên ngồi ở hàng ghế trả lời chất vấn. Mất hơn một phút, Chủ tịch Quốc hội nhìn khắp hội trường nhưng không tìm được ông Bình. Sau đó khá lâu, ông Bình lặng lẽ ngồi vào ghế với một chồng tài liệu dày cộp đặt lên mặt bàn chuẩn bị cho phần trả lời những câu hỏi, chất vấn của các đại biểu.

Phát biểu trước khi đại biểu đặt câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình gửi lời cảm ơn đồng bào cả nước và các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm đến công việc của ngành nội vụ.

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn sáng nay
Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn sáng nay

Vào phần chất vấn, đại biểu Danh Út (tỉnh Kiên Giang) chỉ ra hàng loạt bất cập trong vấn đề công chức, viên chức hiện nay. Theo đại biểu Út, trong khi có rất nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp thì có khoảng 30% cán bộ công chức, viên chức không làm được việc. “Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó và hướng tới giải quyết thế nào?”, đại biểu Út hỏi.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (thành phố Đà Nẵng) dẫn chứng, đến cuối năm 2012, cả nước có khoảng 1,7 triệu viên chức và có hơn 500 nghìn công chức, trong đó có tới 64 nghìn cán bộ công chức chưa qua đào tạo chuyên môn.

“Đó là điều rất đáng buồn, vậy tôi đề nghị Bộ trưởng đánh giá việc triển khai luật cán bộ công chức như thế nào. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có hơn 30% cán bộ công chức không làm được việc. Thực hư câu chuyện đó thế nào, Bộ trưởng có thấy điều này bất hợp lý hay không? Tại sao để tình trạng kéo dài đến vậy? Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và làm gì để giải quyết trình trạng nêu trên?”, đại biểu Nghĩa nêu hàng loạt băn khoăn.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (thành phố Hải phòng) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ việc tinh giảm công chức không nhưng không đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí, số lượng cán bộ ngày càng “phình” ra rất nhiều. Đại biểu Vinh muốn Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ trách nhiệm của mình và hướng giải quyết vấn đề này thời gian tới.

Trả lời ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình giải thích: "Trong cuộc họp tổng kết ngành nội vụ của năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói có dư luận cho rằng có mấy mươi phần trăm đó là như thế nào. Đây không phải là ý kiến của Phó Thủ tướng".

“Trước khi đi nước ngoài công tác Phó Thủ tướng nói nếu đại biểu có hỏi, thì Phó Thủ tướng cũng nói là có dư luận cho rằng như vậy. Còn về quan điểm của Bộ Nội vụ, chúng tôi cho rằng đây là những phản ảnh, kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn cần phải có đổi mới cải cách công vụ công chức nhiều hơn”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói.

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn sáng nay
Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà muốn ông Bình làm rõ con số cụ thể công chức không làm được việc là bao nhiêu? (ảnh Việt Hưng).

Ngoài ra, ông Bình cho biết, ý thức được điều đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến đội ngũ cán bộ công chức. Năm 2012, Thủ tướng ban hành Quyết định 1557 phê duyệt đề án về cải cách công vụ công chức từ nay đến năm 2015. Phần đánh giá về cán bộ công chức viên chức thời gian qua đã được phân cấp cho các ngành, các địa phương.

“Đứng về quản lý nhà nước, ngành nội vụ cũng có trách nhiệm. Để tìm được tiếng nói chung xung quanh vấn đề này, chúng tôi thấy có một số giải pháp các bộ ngành, địa phương cần phải tập trung như hoàn thiện tổ chức, tinh gọn bộ máy”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, việc xác định giải quyết việc làm trong từng cơ quan tổ chức đơn vị trên cơ sở đó đánh giá số công chức làm việc trong các đơn vị hành chính cũng là một giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó cũng phải bổ sung hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ viên chức.

“Để đảm bảo đánh giá, chúng ta phải từng bước hoàn thiện bổ sung tiêu chí để đánh giá cán bộ công chức viên chức hàng năm và phương pháp đánh giá. Trên cơ sở đó thực hiện từ trung ương đến địa phương với sự tham gia cả cả hệ thống chính trị, trong đó, cần phải có sự vào cuộc của các tổ chức, đặc biệt có vai trò của người đứng đầu để từ đó có thể tìm ra được thực trạng mà các đại biểu đã nêu”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Ngay sau phần trả lời của ông Bình, đại biểu Chu Sơn Hà (thành phố Hà Nội) tiếp tục cho biết, cử tri cho rằng có 30% cán bộ không làm được việc, lãnh đạo cao cấp của Đảng, và Nhà nước cũng phản ánh con số này của cử tri.

“Từ con số 30% tính ra, cả nước có 700 nghìn cán bộ công chức, viên chức không làm được việc, nếu giải quyết được vấn đề này, mỗi năm chúng ta sẽ tiết kiệm được 17 nghìn tỷ đồng chi cho số cán bộ này. Còn nếu tỷ lệ cán bộ công chức không làm được việc không phải là 30% thì là bao nhiêu?”, đại biểu Hà nêu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Chu Sơn Hà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, ông đã trả lời rõ vấn đề ở phần trên. “Còn đưa ra con số cụ thể là bao nhiêu là không có cơ sở vào thời điểm này. Còn biên chế tính dựa trên thực tiễn cơ sở, xác định vị trí việc làm, bố trí đội ngũ cán bộ cho hợp lý”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời.

Quang Phong

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *