Dòng chảy vốn 03/10/2015 09:48

Bộ Tài chính đã vay xong 30.000 tỷ đồng từ NHNN

Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuyển số tiền 30.000 tỷ đồng vào Kho bạc Nhà nước để cho Bộ Tài chính vay.

30.000 tỷ đồng từng được giới chuyên gia đánh giá là con số đáng cân nhắc!
30.000 tỷ đồng từng được giới chuyên gia đánh giá là con số đáng cân nhắc!
 

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Tài chính quý IIII/2015 diễn ra chiều nay (2/10), ông Đào Xuân Tuế - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết, Bộ Tài chính đã vay xong 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hiện khoản tiền này đã được chuyển vào Kho bạc Nhà nước.

Theo ông Tuế, đây là khoản vay ngắn hạn và sẽ được hoàn trả trong năm nhằm cân đối thu chi ngân sách.

Cũng tại buổi họp báo, trao đổi về con số nợ công, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, chỉ số nợ công so với GDP ước 2014 là 59,6% chứ không phải lên tới 66,4% GDP như báo cáo mới công bố của Viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

“Con số này, Bộ Tài chính đang đối chiếu với các nhà tài trợ và qua quyết toán của các đơn vị, con số thực có thể còn giảm một chút ít do số lượng rút vốn thực tế bảo lãnh”, bà Mai nói.

Về khoản vay 30.000 tỷ đồng từ NHNN, trước đó, Bộ Tài chính nhiều lần lên tiếng khẳng định đây là một nghiệp vụ “bình thường” và “không phải do tình hình ngân sách khó khăn hơn dự kiến”. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, khi NHNN cho ngân sách vay 30.000 tỷ đồng mà không có các biện pháp trung hoà đi kèm, sẽ làm tăng cung tiền, có thể gây ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá cũng như mục tiêu lạm phát.

"Nếu làm như vậy, các khoản nợ này sẽ có thể “ăn” vào trong dự trữ ngoại hối và các loại quỹ dự phòng khác của NHNN, vốn có thể phải được sử dụng vào mục đích điều hành tiền tệ. Sự độc lập của NHNN và Bộ Tài chính có cái lý của nó, để tránh sự nhập nhằng về chức năng và rủi ro do những mâu thuẫn lợi ích giữa cơ quan giữ hầu bao của Chính phủ và điều hành chính sách tài khoá với cơ quan điều hành hệ thống ngân hàng và chính sách tiền tệ quốc gia”, ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol - Anh trao đổi.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng: "Nếu vay thường xuyên sẽ dẫn tới không kiểm soát được nợ công. Do đó, chỉ nên xem NHNN là trạm cuối cùng, là “phao” cứu sinh cuối cùng. Không nên để thành tiền lệ mỗi lần khó khăn lại chạy tới NHNN trong khi NHNN lại là cơ quan in tiền, 2 đầu đó gặp nhau mà không kiểm soát thì rất nguy hiểm".

Trong báo cáo nhận định thị trường gửi tới nhà đầu tư, các chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) nhìn nhận, một khoản chi tạm ứng hay một khoản vay 30.000 tỷ đồng để cân bằng ngân sách nhà nước năm 2015 được đánh giá là con số đáng cân nhắc.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *