Dòng chảy vốn 03/05/2016 09:57

Big C về tay người Thái, hàng Việt về đâu?

Lần lượt các siêu thị bán buôn, bán lẻ Việt Nam về tay người Thái như thương vụ mua lại Metro, Nguyễn Kim hay mới đây nhất là Big C. Theo các chuyên gia kinh tế, mới đầu người tiêu dùng Việt được lợi nhưng bản thân nền kinh tế, doanh nghiệp Việt sẽ rất khó khăn và vất vả trong cuộc chơi mới.

M&A đang là nỗi sợ hãi của doanh nghiệp Việt!

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "M&A khu vực doanh nghiệp (DN) bán lẻ đang là nỗi sợ hãi của nhiều DN bởi ngay sau khi họ vui mừng vì nhận được khoản tiền lớn, công nghệ lớn và kỹ năng quản trị hiện đại thì họ sợ hãi sẽ bị thâu tóm”.


Big C về tay ông chủ Thái Lan, sau thương vụ mua bán thành công này hàng Việt sẽ về đâu?

Big C về tay ông chủ Thái Lan, sau thương vụ mua bán thành công này hàng Việt sẽ về đâu?

Không chỉ có bán lẻ, các đại gia Thái Lan còn có chiến lược xâm nhập thị trường Việt Nam hết sức bài bản: tiếp thị sản phẩm, quảng cáo chất lượng, tham gia vào phân phối, thâu tóm lĩnh vực này và trực tiếp sản xuất tại Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2015, Việt Nam chi 8,3 tỷ USD nhập khẩu hàng hoá Thái Lan, còn mức nhập khẩu cũng đạt 7,1 tỷ USD; quý I/2016, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan cũng tăng 1,8 tỷ USD. Trong cán cân thương mại hai chiều, Việt Nam luôn nhập siêu từ Thái Lan từ năm 2010 đến nay.

Còn Tổng cục Hải Quan cho biết, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu của Thái Lan đa dạng, trong đó có từ rau, quả đến các mặt hàng tiêu dùng, hàng điện tử đến sản phẩm có giá trị cao là ô tô. Nếu như năm 2015, xe ô tô các loại (xe tải, xe du lịch, xe khách, xe chuyên dụng) nhập từ Trung Quốc về Việt Nam chiếm số lượng 26.700 chiếc, xe Hàn Quốc hơn 26.500 chiếc, và xe Thái Lan cũng đạt 25.000 chiếc.

Quý I/2016, xe Thái đã áp đảo xe Hàn và xe Trung Quốc khi nhập về Việt Nam với 7.800 chiếc so với 3.560 chiếc của Hàn Quốc và 2.260 chiếc của Trung Quốc. Điều khá đặc biệt ở DN Thái chính là hạn chế đầu tư trực tiếp, thay bằng gián tiếp, bớt rủi ro.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay: "Chẳng khó để thống kê các tập đoàn nước ngoài đã chiếm 50% thị trường bán lẻ Việt Nam. Tôi nghĩ từ hôm nay, có thể nói Việt Nam đã chạm cột mốc... mất phần lớn thị trường bán lẻ. Quan trọng hơn, DN Việt Nam sẽ đối diện với nhiều thử thách mới, gian nan bội phần. Người tiêu dùng ban đầu có lợi nhưng nền sản xuất và kinh tế rồi sẽ hiểu ra dần dần bởi phân phối quyết định sản xuất mà. Tôi hiểu cơ quan quản lý T.Ư đã và sẽ làm gì. Nhưng tôi thực sự rất lo ngại.

“Người ta đang đặt câu hỏi, bán lẻ ngoại được bán cho nước ngoài thì có lợi hay bất lợi cho Việt Nam. Tôi cho rằng, đây là hai phạm trù của một vấn đề mà nước nào cũng gặp phải”, bà Hạnh cho hay.

Chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng: “Xu hướng liên kết hóa, mở cửa là không nước nào tránh khỏi được. Việt Nam là nước hội nhập sau nên có dư địa về thị trường bán lẻ rất lớn, giá trị thị trường hàng tỷ đô la đang "phơi" ra cho các chủ tư bản, cá mập tập đoàn nhòm ngó.

Nhưng, bất lợi ở chỗ là, tại sao những nhà kinh doanh bán lẻ hàng đầu thế giới chịu nhượng lại cho các chủ đầu tư Thái những chỗ ngon nhất, đẹp nhất? Phải chăng Metro hay BigC thua lỗ? lợi thế thị trường có nhiều nhưng khó tận dụng, khai thác....”.

Giá trị bán lẻ đang hết chỗ cho doanh nghiệp nội!

Trên thực tế, bán lẻ nội địa đang hình thành 2 loại hình: bán lẻ hiện đại và bán lẻ truyền thống. Bán lẻ hiện đại tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện ích, chuyên doanh. Bán lẻ truyền thống là các chợ, cửa hàng nhỏ lẻ. Giá trị thị trường bán lẻ hiện đại đang chiếm 25% giá trị thị trường, hơn 75% thuộc về các kênh khác, tuy nhiên, giá trị bán lẻ hiện đại đang tăng nhanh do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tại Việt Nam.

Ông Doanh khẳng định: “Hàng loạt DN bán lẻ ngoại bán mình cho chủ Thái, trong đó đa phần là các DN bán lẻ lớn hàng đầu Việt Nam, đây là chuyện bình thường trong đầu tư, kinh doanh của những nền kinh tế phát triển sau nhưng sẽ là bất thường trong cạnh tranh, thị trường cho các nước này…

Trong các thỏa thuận giữa ông chủ tư bản với nhau, câu chuyện chiến lược về xâm nhập thị trường sẽ được bàn đến. Ở đây thể hiện ở chỗ, Metro và BigC đều là những đại gia bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam. Big C có 32 điểm phân phối, ngoài ra, họ còn có những địa điểm kinh doanh đắc địa bậc nhất tại các thành phố lớn, các địa phương. Như vậy, lợi thế thâu tóm không chỉ ở chỗ bán lẻ, họ còn góp phần quảng bá, chiếm lĩnh hình ảnh trong lòng người tiêu dùng Việt Nam”.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: “Các nước đều coi thị trường trong nước là sân nhà, điểm tựa của mình và xuất khẩu là vũ khí phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các DN tập trung chủ yếu vào xuất khẩu.

“Trong khi họ chưa thành công về xuất khẩu vì sản phẩm Việt vẫn xuất thô để cho các nước chế thành các sản phẩm với bao bì khác, nhãn hàng khác thì tại thị trường trong nước, các DN Việt lại đánh rơi mà nói đúng hơn là bỏ rơi thị trường trong nước vì: giá trị thị phần nhỏ, tiềm năng không lớn", ông Phú bình luận

Thoe ông Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, các nhà nhập khẩu nước ngoài đều có cơ chế là tìm các sản phẩm mà trong nước có thị trường, DN có thị phần nhất định mới nhập khẩu. Nếu anh không có gì trong tay, chỉ chấp nhận bán sản phẩm thô mà thôi. Mặt khác, ông Phú cũng nêu lý do: "Một thực tế, các DN bán lẻ ngoại được chiếm và ưu tiên chỗ ngon hơn các DN bán lẻ nội. Tại vì đâu? vì chính quyền các địa phương luôn "sủng ái", "thích" FDI thay vì các dự án bán lẻ nội lèo tèo.

"DN bán lẻ Việt xin đất làm dự án mất ít nhất 3 tháng, nhưng một DN ngoại chỉ mất 1 tháng. Họ có tiền, có thế nên chiếm thế thượng phong. Vì vậy, thời cơ kinh doanh mất hết và cuộc cạnh tranh trở nên không cân sức”, ông Phú nói.

Về phần mình, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: "Nhiều người nói, các tập đoàn bán lẻ Thái Lan không mạnh, không lớn nhưng nếu so sánh thì chỉ so sánh với các nhà bán lẻ Hàn Quốc, Nhật Bản thôi, còn với bán lẻ Việt Nam, họ hơn hẳn chúng ta. Các DN bán lẻ Thái rất mạnh, họ chiếm lĩnh rất nhiều thị trường bán lẻ của Singapore, Malaysia, Indonesia, Philipines và gần đây là Việt Nam. Người Thái xâm nhập Việt Nam hết sức bài bản, có trường hợp giám đốc dự án đi học tiếng Việt để giao tiếp với thương nhân Việt. Mỗi năm, người Thái mở 1 - 3 lần hội chợ hàng tiêu dùng tại Hà Nội, Tp HCM.

Người Thái đưa hàng vào Việt Nam ở mọi khía cạnh từ: hàng xách tay, hàng bán lẻ qua đại lý, hàng biên mậu, hàng xuất vào siêu thị. Nay ngoài hệ thống cửa hàng Thái ồ ạt được mở tại các thành phố lớn, thì các siêu thị mini, đại siêu thị về tay người Thái. Người Thái rất hiểu Việt Nam nên họ đánh vào tâm lý chất lượng và sự thân thiện. Made in Thailand đã và đang trong quá trình đánh bật hàng Trung Quốc tại Việt Nam, có không chừng nếu chúng ta không cảnh giác sẽ đánh bật cả hàng Việt Nam chất lượng cao ngay chính sân nhà".

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *