Dòng chảy vốn 11/03/2014 11:37

Bán vốn giá rẻ, sếp DNNN bớt nỗi lo “cố ý làm trái”

FICA - Nghị quyết 15 với việc cho phép thoái vốn dưới mệnh giá hoặc giá trị số sách, cũng sẽ xóa bỏ một những rào cản pháp lý lớn nhất đối với các nỗ lực cải tổ DNNN trong thời gian vừa qua.

 

Vào ngày 6/3 vừa rồi, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP về vấn đề cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), chính thức cho phép thoái vốn dưới mệnh giá.

Trong báo cáo cập nhật ngày 11/3, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, thị trường IPO sẽ sôi động hơn với nỗ lực cải tổ DNNN trong năm 2014 và 2015.

Theo đó, Việt Nam đã giảm số DNNN từ 20.000 xuống còn 1.200 doanh nghiệp trong vòng hai thập niên qua, nhưng chỉ có một số doanh nghiệp được bán lại cho nhà đầu tư, còn lại là được giải thể. Với việc tăng trưởng kinh tế dưới mức mục tiêu đề ra và Chính phủ tìm nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, có nhiều động lực đẩy mạnh IPO và nỗ lực tái cơ cấu các DNNN.

Ngoài ra, Nghị quyết mới, với việc cho phép thoái vốn dưới mệnh giá hoặc giá trị số sách, cũng sẽ xóa bỏ một những rào cản pháp lý lớn nhất đối với các nỗ lực cải tổ DNNN trong thời gian vừa qua.

SCIC làm “phễu” hứng vốn?

Nghị quyết 15 vẫn giữ nguyên lộ trình thoái vốn ngoài ngành của các DNNN trước 31/12/2015, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ Tướng.

Nghị quyết cho phép DNNN thoái vốn dưới mệnh giá hoặc giá trị sổ sách sau khi đã trừ chi phí dự phòng tổn thất cho các khoản đầu tư. Đây là một thay đổi lớn so với luật hiện hành (Điều khoản 165 Luật Hình sự), cụ thể luật hiện hành quy định rằng các DNNN, bao gồm cả các ngân hàng, sẽ vi phạm luật hình sự với tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế nếu bán dưới mệnh giá.

Về việc thoái vốn khỏi các công ty cổ phần chưa niêm yết, với giá trị đầu tư theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên, các DNNN có thể thuê các công ty chứng tổ chức bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá. Nếu cả hai trường hợp trên đều không thành công, việc thoái vốn có thể được thực hiện theo hình thức thỏa thuận.

Về các khoản đầu tư tài chính của DNNN ở các công ty đại chúng, việc thoái vốn sẽ được thực hiện bằng cách chào bán ra công chúng số cổ phần mà DNNN nắm giữ trong trường hợp công ty đại chúng mà DNNN bỏ vốn đầu tư làm ăn thua lỗ trong năm liền trước năm DNNN đăng ký thoái vốn, hoặc nếu công ty đại chúng bị lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký thoái vốn.

Các DNNN có thể thoái vốn khỏi các khoản đầu tư vào các công ty tài chính hoặc ngân hàng thương mại bằng cách bán lại số cổ phần này cho các ngân hàng thương mại nhà nước, hoặc chuyển cho Ngân hàng Nhà nước làm đại diện sở hữu.

Nếu việc thoái vốn bằng các phương thức trên không thành công thì Chính phủ giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) xem xét mua lại ở mức giá trị trường nhưng không cao hơn giá trị sổ sách, sau khi đã trừ đi các chi phí dự phòng tổn thất đã được trích lập đầy đủ.

Bán tối đa 35% vốn tại Bảo Việt và VietinBank

Theo Nghị quyết này, các DNNN và các bộ ngành liên quan có nhiệm vụ xác định tỷ lệ sở hữu nhà nước cần duy trì sau khi cổ phần hóa, nhưng không quá 65% vốn điều lệ.

Tỷ lệ cổ phấn nhà nước tối thiểu tại Tập đoàn Bảo Việt và các ngân hàng thương mại (trừ VietinBank) là 65%.

Mức trần 65% nêu trên đối với sở hữu nhà nước không áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước trong phạm vi của Quyết định số 929/QĐ-TTg, có hiệu lực đến hết năm 2015. Theo quy định này, nhà nước sẽ giữ lại 100% cổ phần tại các ngành độc quyền như quốc phòng, xuất bản, xổ số, sản xuất và phân phối điện quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia và nền kinh tế, các cảng biển và sân bay loại 1, và in đúc tiền.

Nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN hoạt động trong các lĩnh vực khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản; cung cấp hạ tầng mạng thông tin truyền thông.

Nhà nước nắm giữ từ 65% đến 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất hóa chất cơ bản, phân hóa học; bán buôn lương thực; bán buôn thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; bảo hiểm; cấp, thoát nước; lưu giữ giống gốc cây trồng vật nuôi; sản xuất, sản xuất vắcxin phòng bệnh; chiếu sáng ở đô thị lớn; vận tải đường sắt, hàng không; quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý, khai thác cảng biển; sản xuất điện quy mô lớn.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *