Dòng chảy vốn 28/07/2014 07:06

Bài học từ cái 'chết' của xi măng lò đứng

Theo quy hoạch, trước năm 2016, xi măng lò đứng sẽ phải “khai tử”. Sứ mệnh của xi măng lò đứng hoàn thành nhưng nó để lại một bài học xót xa.

Cái chết của xi măng lò đứng đã được cảnh báo từ rất lâu. Ảnh: Như Ý
Cái chết của xi măng lò đứng đã được cảnh báo từ rất lâu. Ảnh: Như Ý

Cuối những năm 1990 đầu 2000, hầu như tỉnh nào có đá vôi là có nhà máy xi măng chủ yếu công nghệ lò đứng của Trung Quốc. Cái giá của sự nghèo túng phải dùng công nghệ lạc hậu quá lớn. 

Bài 1: Tầm nhìn của con nhà nghèo

 

Xi măng lò đứng phát triển rầm rộ cùng chủ trương 3 triệu tấn của Bộ Xây dựng đề ra. Đầu tư rầm rộ rồi “chết dần” vì lạc hậu công nghệ, ô nhiễm môi trường, hiệu quả lại thấp...

Tiến thoái lưỡng nan

Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Thủ tướng vừa ký ban hành), sẽ hoàn thành việc chuyển đổi công nghệ các nhà máy sản xuất xi măng lò đứng sang lò quay trước năm 2016. Tuy nhiên, không cần đợi mục tiêu quy hoạch, xi măng lò đứng đã tự “khai tử”.

Như nhà máy xi măng của Cty TNHH MTV Xi măng Thanh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An), thành lập năm 1996, với tên cũ là Nhà máy xi măng 19-5, công suất 88.000 tấn xi măng/năm. 

Thời hoàng kim, nhà máy sử dụng hơn 400 cán bộ, công nhân viên. Năm 2005, công nghệ lò đứng trở nên lạc hậu, không cạnh tranh được với xi măng lò quay, công ty đã quyết định đầu tư nâng cấp lên lò quay (công suất 430.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 548 tỷ đồng).

Tuy nhiên, khi một số công đoạn của dự án đã thực hiện (giải phóng mặt bằng, ký hợp đồng cung cấp thiết bị…) gặp khủng hoảng kinh tế, Chính phủ thắt chặt đầu tư, dự án đành “đắp chiếu” tới nay. Tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện nhà máy này đã dừng hoạt động và đứng bên bờ vực phá sản.

Tương tự, Nhà máy xi măng 12-9 Anh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) với dây chuyền lò đứng của Trung Quốc, đi vào hoạt động từ năm 1997, với vốn đầu tư 70,5 tỷ đồng, công suất 8,8 vạn tấn xi măng/năm. Tuy nhiên, tới nay nhà máy chỉ hoạt động theo kiểu “cầm cự” chờ nâng cấp lên lò quay. 

Trao đổi với Tiền Phong, ông Ngô Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT Cty CP Xi măng Dầu khí 12-9 cho biết, hiện nhà máy vẫn cố duy trì hoạt động để tạo công ăn việc làm cho công nhân. “Nhà máy khó khăn quá nên chúng tôi đang bàn kế hoạch có thể phải tạm dừng một thời gian. Hiện vẫn biên chế 460 công nhân, nhưng chỉ làm cầm chừng”, ông Toàn nói.

Quá khó khăn, nhà máy 12-9 đã phải nợ lương công nhân từ tháng 3/2014, nợ tiền bảo hiểm xã hội từ tháng 6/2013, chưa kể các công nợ khác. 

“Giờ chúng tôi đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, không có nguồn tiền để trả lương cho công nhân, nhưng cũng không thể cho họ nghỉ việc vì nếu đầu tư xong dây chuyển mới sẽ không có công nhân kinh nghiệm để vận hành”, ông Toàn nói.

Sản xuất xi măng để lại nhiều hậu quả môi trường  (Ảnh một nhà máy xi măng tại Hà Nam). Ảnh: Minh Đức
 

Năm 2005, nhà máy bắt đầu nghiên cứu chuyển đổi sang lò quay, nhưng thiếu vốn. Năm 2009, công ty này được Tổng Cty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí) mua lại. Rất nhanh, dự án nâng cấp nhà máy lên công nghệ lò quay được triển khai, với công suất 600.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư hơn 810 tỷ đồng, kế hoạch hoàn thành vào năm 2011. 

Tuy nhiên, triển khai được hơn một nửa thì dự án phải dừng lại do thiếu vốn, khi Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Theo ông Toàn, dự án đầu tư nâng cấp lên lò quay đã đầu tư, xây dựng được 70%, máy móc cũng đã nhập về gần hết, nhưng hơn 1 năm nay phải dừng lại do thiếu vốn, đội vốn. “Chúng tôi đang làm việc với các sở ban ngành của tỉnh, đồng thời có văn bản “cầu cứu” Chính phủ để tìm giải pháp về vốn. Giờ cần thêm khoảng 400 tỷ đồng mới hoàn thành, nhưng chưa biết lấy từ nguồn nào”, ông Toàn nói.

Hiện mỗi tháng nhà máy xi măng 12-9 sản xuất khoảng 4 nghìn tấn xi măng. Sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới (đường, thủy lợi). Trong 5 tháng đầu năm 2014, sản xuất gần 30.000 tấn xi măng, trong đó có 25.000 tấn xi măng phục vụ cho chương trình nông thôn mới.

Giải pháp tình thế

Được biết, hiện cả nước chỉ còn một dây chuyền xi măng lò đứng ở Kiên Giang hoạt động ổn định, do khu vực phía Nam thiếu xi măng, sản phẩm làm ra vẫn tiêu thụ được. Số còn lại, một số chuyển đổi sang công nghệ lò quay, một số ít chuyển sang các trạm nghiền clanke hoặc sản xuất vật liệu xây dựng không nung, còn lại buộc phải phá sản. 

Với những ai trong ngành xi măng, có lẽ kết cục này không quá bất ngờ, do xi măng lò đứng tốn nhiều nhiên liệu, nguyên liệu, chất lượng không ổn định, ô nhiễm môi trường…, sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với xi măng lò quay.

PGS.TS Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng cho biết: “Xi măng lò đứng tự thị trường đào thải, nói là quy hoạch cho mềm mại, chúng tôi cũng biết khi lò quay lên, lò đứng sẽ phải chết hoặc chuyển đổi”.

Theo TS Long, giai đoạn công nghệ xi măng lò đứng phát triển mạnh nhất là những năm 1993 - 1997, theo chương trình 3 triệu tấn xi măng của Bộ Xây dựng. 

Tuy nhiên, sau đó lò đứng vẫn tiếp tục phát triển, khi nhà máy cuối cùng xây dựng vào năm 2004. 

“Chương trình 3 triệu tấn xi măng Bộ Xây dựng đưa ra là giải pháp tình thế, do lúc đó Việt Nam thiếu xi măng, lại ít vốn. Các nhà máy đều do doanh nghiệp nhà nước hoặc các tỉnh đầu tư”, TS Long nói. 

Theo ông, thời điểm đó, một dây chuyền xi măng lò đứng của Trung Quốc chỉ 2-3 triệu đô la Mỹ, trong khi lò quay giá hàng trăm triệu đô la Mỹ. Do đó, thời điểm những năm 1990, cả nước chỉ có 4 dây chuyền xi măng lò quay (Hoàng Thạch, Hải Phòng, Bỉm Sơn và Hà Tiên).

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, giờ công nghệ xi măng lò đứng chỉ là hoài niệm. 

“Giai đoạn 2005 công nghệ xi măng lò quay rầm rộ phát triển, khi đó xi măng lò đứng đã không còn cạnh tranh nổi, bắt đầu đi vào thoái trào”, ông Cung nói. 

Theo ông Cung, hiện các nhà máy xi măng lò quay hoạt động đã lâu, công nghệ cũ, năng suất thấp (khoảng 120.000 tấn/năm) cần đầu tư mới, có chiều sâu, để nâng công suất, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền Phong

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *