Dòng chảy vốn 12/05/2015 07:30

Án lệ Metro: Không phải năng lực công chức Việt Nam yếu

Không phải năng lực kiểm soát của các cơ quan chức năng Việt Nam yếu mà các hành vi chuyển giá luôn thay đổi, phát triển, biến tướng tinh vi.

TS Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng nhận định như vậy khi trao đổi về hành vi chuyển giá của nhiều doanh nghiệp FDI.

 

PV: - Sau việc Metro bị chỉ thẳng là né thuế với mức truy thu 507 tỷ đồng, đến lượt Honda dính án chuyển giá và bị truy thu thuế 182 tỷ đồng. Ông có bất ngờ trước những thông tin về việc chuyển giá và hành động kiên quyết của phía Việt Nam? Theo ông, để xảy ra trường hợp Metro hay Honda, lỗi nằm ở đâu, do nghiệp vụ của cơ quan thuế yếu kém hay do nguyên nhân gì khác?

 

TS Nguyễn Ngọc Sơn: - Chuyển giá đang là vấn đề nóng của kinh tế hiện đại chứ không riêng Việt Nam. Dưới góc độ nghiên cứu quản lý thuế nói chung, xây dựng một cơ chế chống chuyển giá hoàn hảo không dễ dàng đối với bất cứ quốc gia nào.

 

Chưa kể Việt Nam mới nghiên cứu về chuyển giá trong 7-8 năm trở lại đây. Các thủ đoạn về chuyển giá ngày càng tinh vi và những vụ chuyển giá lớn đa phần xuất phát từ những doanh nghiệp nước ngoài, có nhiều kinh nghiệm về thương trường. Trong khi đó, sự hiểu biết của Việt Nam về các thủ đoạn chuyển giá chưa sâu sắc và toàn diện.

 

Khi xây dựng kinh tế thị trường hiện đại, Việt Nam phải đối diện với những chuyện đó là bình thường. Tôi rất mừng khi biết Tổng cục Thuế công khai truy thu thuế đối với Metro, Honda... bởi đó là lời cảnh báo đối với các doanh nghiệp khác đã, đang và sẽ làm những việc tương tự. Việt Nam sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không chấp nhận để cho doanh nghiệp ngoại muốn làm gì thì làm.

Việt Nam sẽ tiếp tục sẽ thanh tra các 'ông lớn' nằm trong diện nghi vấn chuyển giá
Việt Nam sẽ tiếp tục sẽ thanh tra các 'ông lớn' nằm trong diện nghi vấn chuyển giá

Động thái của cơ quan thuế Việt Nam cũng cho thấy chúng ta đã biết cách chống chuyển giá dù cách đó chưa hoàn hảo. Cho nên, việc công bố công khai sự việc, tiến hành truy thu thẳng, mạnh mẽ, ngay cả trường hợp các doanh nghiệp này có kêu ca chứng tỏ Nhà nước rất quyết tâm, hiểu vị trí của Việt Nam ở đâu trong bản đồ thu hút đầu tư và nhu cầu đầu tư.

 

Một điều cần lưu ý là, các hành vi vi phạm về quản lý nhà nước liên quan đến giá, thuế luôn phát triển và biến tướng, chặt đầu này lại mọc ra đầu khác. Do đó, không thể nói rằng Nhà nước có năng lực hạn chế trong việc chống lại hay dự phòng các hành vi này khi khi bản thân nguồn đào tạo nhân lực, phương tiện để kiểm soát của Việt Nam chưa hoàn hảo.

 

Ở nước ngoài cũng vậy, nếu họ cũng hoàn hảo thì không bao giờ xây dựng một hệ thống dự phòng và chống vi phạm mạnh mẽ và chi tiết hơn Việt Nam rất nhiều. Những vụ vi phạm kinh tế ở nước ngoài còn "lẫy lừng" hơn Việt Nam nhiều nhưng họ vẫn làm và tin rằng việc vi phạm là hiển nhiên, việc phòng chống, phát hiện là hiển nhiên chứ không phải vì thế mà ngồi cắn rứt nhau.

 

Như vậy, nguyên nhân chính của chuyển giá không phải do năng lực kiểm soát của các cơ quan chức năng Việt Nam yếu bởi các hành vi chuyển giá luôn thay đổi, phát triển, biến tướng tinh vi. Quan trọng nhất là chúng ta phải tự tin rằng, mặc dù Việt Nam chưa có đầy 10 năm nghiên cứu về mặt lý thuyết, cơ chế, pháp luật của chuyển giá nhưng nó đang phát triển rất mạnh.

 

Vậy tại sao có chuyển giá? Tất cả do cơ chế thuế. Thực tế, hệ thống thuế của Việt Nam không phải là hệ thống tồi mà là không có hệ thống thuế ở quốc gia nào hoàn hảo.

 

Ở Mỹ, hệ thống thuế luôn thay đổi theo đời tổng thống và người ta coi việc thay đổi ấy là bình thường. Thuế là cái van để điều tiết thị trường, do đó tuỳ từng giai đoạn mà nó mở rộng hay thu hẹp. Việc chuyển giá là điều bình thường và người chuyển giá cũng là người rất giỏi và thông minh, chỉ có điều họ sử dụng cái giỏi, cái thông minh ấy cho những toan tính bất chính của họ. Đấy là do họ chứ không phải do cơ chế bởi có cơ chế này thì sẽ có những toan tính khác.

 

PV: - Đại diện Tổng cục Thuế Việt Nam đã thẳng thắn tuyên bố trước công luận, sẽ thanh tra các ông lớn nằm trong diện nghi vấn chuyển giá. Ông đặt niềm tin như thế nào vào những nỗ lực này? Nếu làm nghiêm việc này, có thể hình dung khoản tiền thu về ngân sách sẽ thế nào?

TS Nguyễn Ngọc Sơn: - Tôi có chút suy nghĩ đơn giản thế này: khi chúng ta đã xử thì đừng có doạ. Chúng ta công khai việc xử lý để báo rằng Việt Nam đã có cơ chế cho những ai chuẩn bị làm việc ấy thì cũng chuẩn bị phải đối diện với việc bị trừng phạt.

 

Nếu đã quyết tâm thì cứ làm và làm một cách công khai, minh bạch. Còn doạ như thế chẳng khác gì bảo rằng ông đã phạm tội thì lo mà giấu bằng chứng, xóa dấu vết. Khi người ta đã toan tính rồi thì ắt cũng có cơ chế để giấu và khi một người bị phạt rồi thì những người đã làm sẽ tìm cách để giấu đi.

 

Trong khi lực lượng thuế của Việt Nam chỉ riêng việc tính thuế và thu thuế để đảm bảo thu đúng, thu đủ cũng quá mệt, huống gì lại phải chống lại hành vi gian lận nghĩa vụ tài chính một cách tinh vi như chuyển giá. Nó đòi hỏi người thực hiện không chỉ phải đủ về lực mà còn phải đủ về chất, phải hiểu biết vấn đề đó và phải luôn luôn phát triển và thay đổi mình.

 

Trong những trường hợp như vậy mà còn báo trước thì cách làm ấy là thiếu khôn ngoan dù quyết tâm đến mấy. Cần thể hiện quyết tâm thông qua kết quả sự việc chứ không phải qua những lời cảnh báo.

 

PV: - Dù vậy, việc thu hồi những khoản tiền thất thoát do chuyển giá có đơn giản không, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vốn luôn gượng nhẹ với những doanh nghiệp FDI? Nhưng nếu giơ cao mà lại đánh khẽ thì hệ quả sẽ như thế nào?

 

TS Nguyễn Ngọc Sơn: - Tôi tin sẽ thu hồi được dù không đơn giản. Có thể có người nghi ngờ điều này vì lực lượng của Việt Nam còn mỏng, các chế tài còn yếu. Tuy nhiên, đối với các tập đoàn lớn của nước ngoài, không quá khó để buộc họ thực hiện nghĩa vụ.

 

Việt Nam là thị trường có sức thu hút nên các nhà đầu tư nước ngoài cần Việt Nam. Hơn nữa, những doanh nghiệp nước ngoài bị xử lý hành vi chuyển giá thường là những tập đoàn đa quốc gia, khi gặp một vấn đề pháp lý, nhất là liên quan đến thủ đoạn tinh vi vi phạm pháp luật họ phải cân nhắc để không làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của mình.

 

Về phía Việt Nam, khả năng giơ cao đánh khẽ doanh nghiệp nước ngoài là vấn đề có thể gặp phải. Việt Nam cần nhiều vốn nên trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, áp lực từ các tập đoàn rất lớn. Họ có thể dùng sự đầu tư của mình để ngã giá với Việt Nam, tạo ra áp lực từ nhiều phía cho các cơ quan quản lý.

 

Nhiều người lo ngại rằng nếu Việt Nam làm mạnh, thu hút đầu tư sẽ khó khăn nhưng nếu Việt Nam không quyết liệt thì vô hình trung se tạo ra môi trường không lành mạnh, pháp luật không được tôn trọng và khi ấy hậu quả còn lớn hơn nhiều. Nó không chỉ cho thấy Việt Nam chưa hoàn toàn kiểm soát được về mặt chất đối với sự việc mà còn không dám kiểm soát về mặt lượng đối với sự việc. Nhưng ngược lại, nếu Việt Nam cương quyết, chúng ta sẽ có cơ hội để thu hút nguồn đầu tư sạch.

 

PV: - Trong vụ việc này, việc truy xét trách nhiệm để xảy ra chuyển giá có nên được thực hiện nghiêm minh hay không thưa ông? Vướng mắc trong việc xử lý là gì? Để xảy ra chuyển giá gây thất thoát cả trăm tỷ, ngàn tỷ ngân sách, theo ông, có thể hiểu là hành động thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay không?

 

TS Nguyễn Ngọc Sơn: - Việc truy trách nhiệm chỉ khiến chúng ta tốn thời gian làm những việc có khi không hiệu quả bằng việc xây dựng lực lượng. Nỗ lực xây dựng một hệ thống chống chuyển giá là một trong những vấn đề quan trọng nhất bây giờ.

 

Nếu cứ có chuyện gì xảy ra lại truy trách nhiệm, xử lý cán bộ một cách triệt để sẽ dẫn đến việc không nỗ lực xây dựng bởi chúng ta đã đập đi một bộ phận mặc dù họ yếu. Dĩ nhiên, nếu việc chuyển giá là do các cán bộ có thẩm quyền đã lơ là, làm sai luật thì phải xử lý thật nghiêm. Nhưng nếu đây là những toan tính tinh vi, các cán bộ vẫn làm đúng thì ở đây lỗi có chăng là chưa hiểu biết đến tận cùng và chúng ta phải xây dựng lực lượng.

 

PV: - Qua những vụ việc nói trên, ông có thể cho biết, để ngăn chặn triệt để hiện tượng chuyển giá, Việt Nam nên làm như thế nào? Nếu làm được, ngoài vấn đề ngân sách, cái lợi thu được còn là gì nữa?

 

TS Nguyễn Ngọc Sơn: - Không thể ngăn chặn triệt để hiện tượng chuyển giá. Tuy nhiên, thông qua cơ chế dự phòng, cơ chế cảnh báo, minh bạch thông tin về giá, thuế, những thông tin liên quan đến mối liên kết giữa các tập đoàn đa quốc gia, thông qua luật cạnh tranh có thể phát hiện ra những thông đồng trong kinh doanh, những phương thức chuyển giá điển hình và những biến tướng của chuyển giá.

 

Dĩ nhiên không có biện pháp phi con người nào hoàn hảo nhưng cái gốc để kiểm soát được các vấn đề liên quan đến thị trường là thống nhất và minh bạch thông tin. Nếu làm được như vậy sẽ có được những hệ thống và lực lượng mạnh để dự phòng và chống lại những toan tính vi phạm.

 

Theo Thành Luân

Báo Đất Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *