Dòng chảy vốn 12/11/2013 14:52

3,6 tỷ USD xây dựng đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Sáng 12/11, tại TP.HCM, Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam và Tập đoàn EDES (Hoa Kỳ) đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có chiều dài 134 km, khổ đường 1.435 mm, tốc độ thiết kế trên 200 km/giờ cho tàu khách, dưới 200 km/giờ cho tàu hàng. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3,6 tỷ USD, đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

 

Điểm đầu của dự án tại ga Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM đi qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và điểm cuối tại ga Cái Răng (Cần Thơ).

Dọc tuyến sẽ có 10 nhà ga, xung quanh các ga sẽ là các thành phố vệ tinh dự kiến sẽ đầu tư phát triển công nghiệp sạch và nông nghiệp kỹ thuật cao góp phần phát triển kinh tế cho các vùng có đường sắt đi qua…

Theo Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, các thông số về dự án nêu trên là một trong các phương án được đề xuất. Dự án do Viện cùng các nhà khoa học chuyên ngành đường sắt nghiên cứu hơn 6 năm và đã báo cáo Bộ GTVT trong tháng 10 vừa qua.

Thông tin tại buổi ký kết, đại diện Tập đoàn EDES cho biết, đầu máy của các đoàn tàu trên tuyến TP.HCM – Cần Thơ sẽ được áp dụng công nghệ mới là sử dụng hệ thống năng lượng gió (phong năng) và mặt trời (quang năng) tại các ga và không sử dụng lưới điện quốc gia.

Sau khi tiến hành ký bản hợp tác ghi nhớ, hai bên sẽ thành lập công ty liên doanh, tiến hành lập dự án khả thi trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Chính phủ xem xét phê duyệt. Khi đã có dự án khả thi hai bên sẽ thống nhất với các đối tác về phần vốn đầu tư và giải pháp tài chính thu hồi vốn…

Theo kế hoạch, thời gian lập Dự án khả thi và được duyệt là 1 năm, thời gian tiến hành thực hiện dự án từ 3 – 5 năm.

Đầu tư hệ thống đường sắt TP.HCM - Cần Thơ phù hợp với quy hoạch tổng thể Chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời thực sự cần thiết cho sự phát triển, giao thương của TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước và quốc tế.

Nhân dịp này, Tập đoàn EDES cũng ký MOU với Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam hợp tác đầu tư cho 5 dự án về công nghệ cao của Viện đang triển khai với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, do Tập đoàn EDES sắp xếp tài chính, đó là: Dự án đầu tư phong điện và nhiệt điện tại Tiền Giang; Dự án đầu tư vỏ xe cao cấp xuất khẩu 100% sang Hoa Kỳ; Dự án đầu tư sản xuất thuốc trụ sinh tại TP.HCM; Dự án đầu tư xử lý rác phát điện tại phía Bắc; Dự án đầu tư xử lý rác thành phân bón tại tỉnh Phú Thọ.

Theo Hồng Sơn
Báo Đầu tư

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *