Dòng chảy vốn 08/07/2018 10:40

"Siêu Uỷ ban" có nữ Phó Chủ tịch từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thủ tướng vừa có Quyết định bổ nhiệm các lãnh đạo Bộ, ban ngành trung ương, trong đó đáng chú ý là là bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại Quyết định số 827/QĐ-TTg ban hành mới đây, Thủ tướng bổ nhiệm ông Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ông Nguyễn Duy Thăng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Thời hạn bổ nhiệm lại tính từ ngày 15/7/2018.

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Anh được bổ nhiệm là Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý số doanh nghiệp có quy mô vốn và tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng. Dự kiến 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ, gồm Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Tài chính, Thông tin truyền thông, Xây dựng và Y tế.

Danh sách các doanh nghiệp Nhà nước chịu quản lý vốn chủ yếu là doanh nghiệp của Bộ Công thương với 6 tập đoàn và 6 tổng công ty. Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng nằm trong Ủy ban này.

Bộ Công Thương có 12 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Và các Tổng công ty là Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapago), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL).

Bộ Giao thông vận tải với 5 Tổng công ty là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Arilines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC).

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với 5 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).

Bộ Xây dựng với 3 Tổng công ty: Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp (Idico), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD).

Bộ Tài chính với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Bảo Việt (Baoviet Holdings).

Bộ Thông tin truyền thông với 2 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC). Bộ Y tế chỉ có một Tổng công ty là Tổng công ty Dược Việt Nam.

An Linh

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *