Dòng chảy vốn 24/10/2015 08:19

“Sếp” doanh nghiệp Nhà nước: Uy tín hết, không từ chức cũng sẽ bị miễn nhiệm!

Với áp lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, để được bổ nhiệm làm “sếp” DNNN phải đáp ứng được 10 tiêu chí và khi đánh mất uy tín, nếu không từ chức, các “sếp” cũng sẽ bị miễn nhiệm.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp Nhà nước - DNNN). Theo quy định tại Nghị định này, người quản lý doanh nghiệp được từ chức trong trường hợp không còn đủ uy tín để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, Nghị định cũng cho phép các “sếp” DNNN viết đơn từ chức nếu nhận thấy vi phạm khuyết điểm của tập đoàn, tổng công ty, công ty hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình; có nguyện vọng xin từ chức vì lý do cá nhân khác.

Áp lực lên các DNNN ngày càng lớn khi áp dụng kỷ luật thị trường (ảnh minh họa)
Áp lực lên các DNNN ngày càng lớn khi áp dụng kỷ luật thị trường (ảnh minh họa)
 

Tuy nhiên, nếu không từ chức thì theo Nghị định này, lãnh đạo các DNNN cũng sẽ bị miễn nhiệm nếu bị đánh giá không đủ năng lực, trình độ, uy tín để thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Tiêu chí căn cứ của việc miễn nhiệm này là trong 2 năm liên tiếp của nhiệm kỳ giữ chức vụ bị đánh giá, phân loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; trong 1 nhiệm kỳ hoặc trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp bị 2 lần xử lý kỷ luật liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao; để tổ chức, đơn vị được giao phụ trách mất đoàn kết hoặc làm tổ chức, đơn vị mất đoàn kết theo kết luận của cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, nếu bị cơ quan kiểm tra, thanh tra có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về vi phạm tư cách đạo đức hoặc vi phạm quy định về những việc đảng viên không được làm đối với người quản lý là đảng viên thì các “sếp” DNNN cũng không giữ được “ghế”.

Nghị định này nêu rõ, “việc miễn nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp không chờ đến hết thời hạn giữ chức vụ được bổ nhiệm hoặc chờ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định”.

Song song với Nghị định trên, Chính phủ cũng vừa ban hành hai Nghị định khác, trong đó quy định, muốn làm “sếp” DNNN cần phải đáp ứng 10 điều kiện bổ nhiệm, ngoài ra, thời gian tại vị không được quá 2 nhiệm kỳ.

Các Nghị định này được ban hành trong bối cảnh Chính phủ đang áp kỷ luật thị trường lên các DNNN, đồng thời giảm mạnh số lượng và nâng chất lượng quản lý, điều hành tại những DNNN.

Áp lực cạnh tranh trong những năm gần đây, nhất là khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế thế giới, đã làm bộc lộ rõ những yếu kém trong quản lý tại các DNNN. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới công bố mới đây đã “bêu” tên hàng loạt DNNN do nợ nần chồng chất, quản lý tài chính yếu kém, và lãng phí tài sản công.

Qua kiểm toán 249 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã phát hiện hàng loạt vấn đề tài chính như quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn; đầu tư tài sản sử dụng không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ.

Trong giai đoạn trước, Vinashin là một bài học “đau đớn” trong quản lý yếu kém dẫn đến thua lỗ, nợ nần chồng chất. Kết cục, Tập đoàn này phải cơ cấu lại và chuyển đổi thành Tổng công ty SBIC, hàng loạt lãnh đạo “dính” vào vòng lao lý.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *