Dòng chảy vốn 17/03/2015 12:20

“Mai nghỉ hưu, nay vẫn ký” là bất thường

Việc cán bộ lãnh đạo biết trước rằng, rất ít thời gian nữa mình sẽ nghỉ hưu, song vẫn cố ký quyết định không thuộc dạng “cháy nhà, chết người” cần phải giải quyết ngay, là điều rất bất thường.

GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã phải thốt lên như vậy khi trao đổi với chúng tôi xung quanh câu chuyện một số quan chức ngay trước ngày nghỉ hưu vẫn đặt bút ký vào những quyết định quan trọng, khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Động cơ đằng sau những chữ ký đó là gì?

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin đúng một ngày trước khi nghỉ hưu, ông Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký hàng loạt văn bản đồng ý cho các hộ tư nhân, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Hòa Vang cải tạo đất sản xuất nông nghiệp gây thất thoát tài nguyên, thuế, mất trật tự ATGT, môi trường bị ô nhiễm… Đón nhận thông tin trên, ông có suy nghĩ gì?

Trước khi nghỉ hưu một ngày (từ 1/1/2015), ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thời điểm đó đã ký nhiều văn bản cho phép các điểm cải tạo đất để khai khoáng, cho phép các doanh nghiệp vận chuyển đất “cải tạo” để bán cho các dự án san lấp mặt bằng, làm vật liệu sản xuất gạch tại huyện Hòa Vang.

Trước phản ứng của dư luận, đến chiều 11/3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu đình chỉ ngay việc khai thác đất kể trên.

Đây không phải lần đầu tiên dư luận phát hiện việc quan chức trước khi về hưu ký quyết định “nhạy cảm”. Tôi cho rằng, việc phải làm thì đã làm từ trước rồi, không phải để đến khi trước khi về hưu thì vội vàng ký. Thứ hai, tôi không tin việc ký quyết định cho phép doanh nghiệp cải tạo đất lại cần kíp, cấp bách đến mức như vậy. Tất nhiên người ta có thể thông cảm, công việc với một người ở cương vị Chủ tịch một thành phố thì nhiều, cấp dưới trình lên phải chờ đợi.

Nhưng rõ ràng, nói gì thì nói, dư luận có quyền nghi ngờ có gì đó khuất tất, vì thực ra đó đâu phải là những việc “cháy nhà, chết người”, không ký ngay thì không thể được? Tôi không tin việc cải tạo đất trên địa bàn Đà Nẵng lại cần kíp đến mức không thể bàn giao cho người kế nhiệm giải quyết.

Trước trường hợp ông Văn Hữu Chiến, dư luận cũng đã sửng sốt khi báo chí đăng tải thông tin ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ trước khi nghỉ hưu không lâu. Những việc làm của ông Chiến hay ông Truyền cho thấy điều gì, thưa ông?

Chúng ta đều biết, ông Trần Văn Truyền hay ông Văn Hữu Chiến đều là những cán bộ cấp cao, việc trước khi nghỉ hưu mà các ông lại ký hàng loạt những quyết định liên quan đến kinh tế, nhân sự như vậy là không nên chút nào. Bởi chắc chắn điều đó khiến cho dư luận sẽ đặt câu hỏi về động cơ đằng sau những chữ ký đó, cho dù trên thực tế không hề có gì khuất tất đi nữa.

Tôi nghĩ rằng, nếu cống hiến, phụng sự cho nhân dân, đất nước trên tinh thần còn một ngày cũng làm hết sức mình vì công việc chung thì rất tốt, nhưng nếu biết ngày mai mình nghỉ hưu mà vẫn cố ký quyết định nào đó và vì mục đích nào đó, tôi cho rằng cần hết sức tránh.

33

Hoạt động cải tạo đất tại Hòa Vang đã bị đình chỉ khi có văn bản của UBND TP.Đà Nẵng

Thông thường trước khi nghỉ hưu, các cán bộ lãnh đạo đã được thông báo trước và có một thời gian nhất định để bàn giao công tác. Bởi vậy đã có ý kiến cho rằng, việc ký các quyết định ngay sát thời gian nghỉ hưu là điều bất thường. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi cũng nghĩ như vậy. Việc ký quyết định vào thời điểm “nhạy cảm” như thế là vô lý. Khi một cán bộ về hưu thì đều được cơ quan quản lý báo trước 6 tháng và có thời gian bàn giao công việc cho người khác. Rõ ràng, người sắp về hưu không thể không biết điều đó. Còn tại sao họ vẫn ký thì chắc chỉ có họ mới biết.

Theo ông, có cần thiết ban hành một quy chế cụ thể nào đó để hạn chế hiện tượng quan chức ký quyết định ngay trước lúc nghỉ hưu?

Người cán bộ lãnh đạo chỉ hết nhiệm vụ của mình khi có quyết định nghỉ hưu. Theo đó, trong các vụ việc cụ thể đang triển khai mà khi chưa về hưu cần tiếp tục giải quyết cho xong. Tuy nhiên, đối với trường hợp như chúng ta đã thấy thì cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xem xét động cơ của họ là vì mục đích gì? Trường hợp có sai phạm phải xử lý nghiêm, xử lý thích đáng để rút kinh nghiệm.

Cảm ơn ông!

Sẽ có quy định chặt chẽ

32
 
Trao đổi với chúng tôi chiều 15/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, vẫn chưa nhận được thông tin liên quan đến việc ông Văn Hữu Chiến ký văn bản trước khi nghỉ hưu một ngày. “Về trách nhiệm của lãnh đạo trước khi bàn giao vẫn phải làm tròn phận sự của mình.
 
Tuy nhiên trong quá trình xử lý công việc thì người nào cũng vậy, trước khi nghỉ đều phải biết mình làm cái gì hoặc không nên làm cái gì.
 
Trước khi nghỉ một giờ, một giây thì mỗi cán bộ vẫn có trách nhiệm đầy đủ chứ không phải sắp nghỉ rồi thì trách nhiệm giảm dần”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói và cho biết thêm, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu để đưa ra những quy định chặt chẽ liên quan đến vấn đề trên để hạn chế tối đa những vấn đề có thể xảy ra.
 

Theo Văn Quế

Báo giao thông vận tải

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *