Dòng chảy vốn 24/04/2014 18:33

"Kinh tế Việt Nam đã thoát đáy từ quý III/2013"

FICA - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đưa ra dự báo, năm 2014. tăng trưởng kinh tế có thể đạt 5,8% và lạm phát sẽ ở mức 5% nếu không tính biến động giá lương thực, thực phẩm và điều chỉnh giá các hàng hóa cơ bản, dịch vụ công.

Sáng 24/4, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) tổ chức buổi giới thiệu Báo cáo“Tổng quan thị trường tài chính 2013 và triển vọng 2014”.

Theo báo cáo này, trong năm 2013, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã bị chậm hơn kỳ vọng và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tổng cầu yếu ở cả đầu tư lẫn tiêu dùng. Tỷ lệ đầu tư trên GDP giảm đối với tất cả các thành phần kinh tế; tín dụng tăng trưởng thấp do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hạn chế; cân đối ngân sách khó khăn...

 

Tuy nhiên, cơ quan này vẫn cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã thoát đáy từ quý 3/2013. Cụ thể, đã có nhiều tín hiệu ổn định thể hiện ở lạm phát thấp, tỷ giá ổn định và cán cân thanh toán thặng dư, lãi suất huy động giảm, tình trạng đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế đã giảm; lòng tin của nhà đầu tư được củng cố; hoạt động của doanh nghiệp có chuyển biến tốt thể hiện ở hiệu quả sản xuất kinh doanh đang tăng lên…

Ủy ban dự báo, kinh tế 2014 sẽ tăng trưởng tốt hơn nhờ cải thiện về tổng cầu, đầu tư tư nhân trong nước cải thiện, hoạt động xuất khẩu có nhiều tín hiệu tích cực.

Dự báo năm nay tăng trưởng kinh tế có thể đạt 5,8% và lạm phát sẽ ở mức 5% nếu không tính biến động giá lương thực, thực phẩm và điều chỉnh giá các hàng hóa cơ bản, dịch vụ công. Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn phải đối diện với nhiều thách thức do tổng cầu cải thiện chậm, khu vực nông nghiệp vẫn khó khăn và tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài…

Cũng tại báo cáo này, UBGSTCQG ghi nhận, các khuyết tật đang từng bước được khắc phục và thị trường tài chính Việt Nam dần đi vào ổn định nề nếp.

Đối với thị trường ngân hàng, theo số liệu tính toán của Ủy ban thì tổng tài sản ngân hàng năm 2013 tăng 13,2% và chất lượng tài sản được cải thiện, cơ cấu tài sản chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, thanh khoản tăng trên thị trường ngân hàng. Tín dụng tăng nhanh hơn, lãi suất thấp hơn, cơ cấu tín dụng theo loại tiền cân đối hơn, hệ số an toàn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 12,8% cao hơn mức quy định là 9%, tỷ lệ nợ xấu theo thông lệ quốc tế xấp xỉ 9% là hoàn toàn có cơ sở.

Theo ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch UBGSTCQG, trong khi tín dụng năm 2013 tăng trưởng nhanh hơn năm trước thì lãi suất đã thấp hơn. Lãi suất cho vay bình quân theo tính toán của Ủy ban giảm từ 20% (năm 2011) xuống khoảng 12% (năm 2013).

Thị trường chứng khoán có chuyển biến tích cực khi VN Index tăng 22% và HNX Index tăng 19%, thị trường trái phiếu chính phủ sôi động với giá trị phát hành đạt xấp xỉ 195 nghìn tỷ, chất lượng tài sản của các công ty chứng khoán được lành mạnh hóa với hiệu quả sinh lời được cải thiện.

Thị trường bảo hiểm có dấu hiệu tích cực hơn khi các công ty bảo hiểm có doanh thu phí tăng, đảm bảo khả năng thanh toán và chất lượng tài sản lành mạnh (tiền gửi và trái phiếu chính phủ chiếm hơn 70%)…

Bản báo cáo lần này của UBGSTCQG cũng chỉ ra những thách thức đối với thị trường tài chính Việt Nam năm 2014: Nền kinh tế phục hồi còn chậm, hạn chế sức hấp thụ tín dụng; tiến trình xử lý nợ xấu cần nhiều thời gian, mức sinh lời đang giảm xuống làm ảnh hưởng năng lực tài chính của các ngân hàng...

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn là những cơ hội: hoạt động huy động vốn tiếp tục xu hướng tăng, thanh khoản dồi dào thì cơ chế hoạt động của Công ty xử lý nợ (VAMC) và khả năng tự xử lý qua dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng sẽ góp phần kiểm soát được nợ xấu.

Cơ quan này khẳng định, quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đạt được kết quả bước đầu giúp hệ thống ngân hàng ngày càng ổn định hơn. Ngoài ra, cách chính sách kinh tế tích cực đang giúp tổng cầu từng bước tăng lên tạo thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng...

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *