Dòng chảy vốn 25/10/2014 17:21

“Không vụ lợi, chẳng ai bổ nhiệm cán bộ ồ ạt trước khi về hưu”

FICA - Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương trao đổi với báo chí những vấn đề xung quanh việc trước khi về hưu lãnh đạo một số đơn vị thường làm “chuyến tàu vét”

“Trước đây đã có những xì xào, bàn tán, bộ này, ngành kia lãnh đạo bổ nhiệm cán bộ ồ ạt trước khi nghỉ hưu. Theo tôi, việc bổ nhiệm như vậy đa số là vì vụ lợi, còn không chẳng ai làm thế”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nói.

 

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương trao đổi với báo chí những vấn đề xung quanh việc trước khi về hưu lãnh đạo một số đơn vị thường làm “chuyến tàu vét” bổ nhiệm cán bộ hàng loạt, thậm chí những người được đưa vào vị trí cao hơn còn chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

 

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, nếu không vụ lợi chẳng ai bổ nhiệm cán bộ ồ ạt trước khi về hưu
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, nếu không vụ lợi chẳng ai bổ nhiệm cán bộ ồ ạt trước khi về hưu

 

Một số lãnh đạo trước khi nghỉ hưu bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, thậm chí cả những người chưa đủ tiêu chuẩn. Ông nhìn nhận thế nào về tâm lý làm “chuyến tàu vét” đó?

 

Vừa rồi Thanh tra Chính phủ cũng đã xác nhận nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trước khi nghỉ hưu có ký quyết định bổ nhiệm cán bộ chưa đủ năng lực. Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định có nhiều cán bộ đươc bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm về chức vụ và đã phải xử lý bằng cách cho đi đào tạo; hiện nay phải rà soát, phân công lại.

 

Không phải bây giờ mới có, mà trước đây cũng đã có những xì xào, bàn tán ở bộ này, ngành kia, trước khi lãnh đạo nghỉ hưu bổ nhiệm cán bộ ồ ạt. Nói trách nhiệm thì có trách nhiệm của Bộ Nội vụ, nhưng bộ này cũng không kiểm soát hết được do thẩm quyền bổ nhiệm là của thủ trưởng cơ quan đó. Trong khi đó lãnh đạo nhiều đơn vị không gương mẫu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quy trình bổ nhiệm cán bộ để có căn cứ theo nhu cầu thực tiễn, mà cứ bổ nhiệm sai, bổ nhiệm ồ ạt. Mà đa số bổ nhiệm vì vụ lợi là chính, nếu không vì vụ lợi, chắc chẳng bổ nhiệm cán bộ ồ ạt làm gì.

 

Có giải pháp nào để ngăn tình trạng lãnh đạo một số đơn vị có tư tưởng là “chuyến tàu vét” như vậy không, thưa ông?

 

Khi thấy đơn tố cáo hoặc tố giác việc đó, có thể chưa có cơ sở nhưng các cơ quan có trách nhiệm, cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngành, của Bộ Nội vụ phải vào cuộc ngay để xác minh xem, căn cứ vào quy định của pháp luật để xác định là có sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ không. Cán bộ được bổ nhiệm phải trên cơ sở quy hoạch và trên cơ sở nhu cầu số lượng, trình độ. Những cái đó đều có quy trình, quy định nhưng có điều, họ làm đúng hay không. Qua kiểm tra nếu phát hiện làm không đúng thì phải xử lý ngay. Lâu nay chưa có ai bị xử lý về việc đó cả, điều đó rất là đáng tiếc. Ít nhất anh cũng phải xác định vài vụ để xử lý thật nghiêm khắc, nó sẽ có tính răn đe tốt hơn.

 

Trường hợp lãnh đạo tìm cách “lót ổ” trước khi rời nhiệm sở cũng gây ồn ào trong thời gian qua. Như ông Hồ Nghĩa Dũng - nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tham gia dự án hầm đường bộ đèo Cả trên cương vị quản lý nhà nước khi còn đương chức, nhưng đến khi về hưu ông Dũng lại tham gia điều hành dưới góc độ doanh nghiệp?

 

Đây là việc rất không nên làm. Qua đó cũng cho thấy quy định pháp luật của mình chưa chặt chẽ. Nhiều nước họ còn quy định những chức danh, ở những ngành nghề, yêu cầu sau khi anh kết thúc quá trình công tác tại đó, suốt đời hoặc có thời hạn không được tham gia công tác. Quy định đó để ngăn chặn người lạm dụng chức vụ làm lợi cho cơ quan, tổ chức nào có thể là sân sau của anh sau này, thu lợi cho cá nhân mình.

 

Những ví dụ trên có cho thấy chúng ta có cả một khoảng trống về cơ chế, chính sách để kiểm soát cán bộ lãnh đạo các ngành trước và sau khi nghỉ hưu có những việc làm vụ lợi cá nhân?

 

Việc này tôi nói nhiều lần rồi! Thứ nhất, thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng của mình nó vẫn còn rất hình thức. Như kê khai tài sản, anh phải chốt được cái kê khai lần đầu và anh phải theo dõi quá trình tăng lên, giảm đi của khối tài sản người ta có. Thế nhưng từ trước đến nay, ai kê khai gì cứ kê khai mà không có sự xác minh. Bởi vì chừng nào không chốt được khối tài sản của người ta kê khai lần đầu thì không thể nào biết được tài sản của người ta tăng lên hay giảm đi.

 

Việc quản lý tài sản, thu nhập cán bộ, công chức đương nhiệm là đã có nhưng rõ ràng, việc kiểm soát cán bộ sau khi nghỉ hưu bị bỏ trống. Đến lúc về hưu, có cán bộ mới bung tài sản ra, mà lúc ấy lại không có cơ sở xem xét, kiểm tra người ta nữa. Đó là điều đáng tiếc!

 

Với khối tài sản lớn mà ông Trần Văn Truyền “bung” ra khi về hưu, khi dư luận phản ánh thì nhận được thanh minh về nguồn gốc của nó chưa thực sự thỏa đáng?

 

Rất nhiều người, kể cả đại biểu Quốc hội không được tiếp cận thông tin đó, mà chỉ thông qua báo chí. Tôi biết là hiện nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra nhưng kết quả thế nào thì chưa ai biết cả thì làm sao có cơ sở đánh giá.

 

Thực ra, nếu khối tài sản đó là minh bạch thì đâu có vấn đề gì. Qua xác minh thấy không có gì mờ ám, không có nguyên nhân gì về sự bất minh khi ông đang đương chức để có tài sản đó thì có gì mà không công khai chuyện đó ra. Nếu nó hoàn toàn minh bạch thì ta kết luận là minh bạch. Còn không thông tin đầy đủ thì dư luận luôn trong tình trạng đặt câu hỏi, nghi ngờ. Người ta có thể cho rằng, cơ quan nhà nước bưng bít thông tin đó.

 

Vừa rồi ông có chuyển đơn thư tố cáo những chuyện thi cử, tuyển dụng cán bộ, công chức ở một số cục của Bộ Công thương có dấu hiệu sai phạm. Đến nay, Bộ Công thương và Bộ Nội vụ đã có trả lời ông thế nào, thưa ông?

 

Bộ Nội vụ đang thanh tra, chưa có kết luận.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Quang Phong (ghi)

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *