Dòng chảy vốn 17/11/2014 20:28

“Hầu như chưa có ai bị cắt chức vì để xảy ra tình trạng buôn lậu”

FICA - “Cử tri cho rằng, Cụm từ “phải chịu trách nhiệm” là cụm từ quá chung chung, cần phải được cụ thể hoá. Hầu như chưa có ai bị cắt chức vì để xảy ra tình trạng buôn lậu”,

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chiều 17/11,đại biểu Quốc hội thể hiện thái độ bức xúc trước thực trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước và sức khỏe người tiêu dùng.

Trách nhiệm Bộ trưởng đến đâu?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Quốc hội chiều 17/11, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt vấn đề, mặc dù Bộ trưởng đã có giải trình về thực trạng chống buôn lậu, nhưng cử tri vẫn quan tâm: Chỉ đạo công tác phòng chống buôn lậu, Thủ tướng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần xử lý nghiêm kẻ tiếp tay, bao che cho buôn lậu, địa bàn nào xảy ra buôn lậu thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, cử tri cho rằng: “Cụm từ “phải chịu trách nhiệm” là cụm từ quá chung chung, cần phải được cụ thể hoá. Vì hầu như chưa có ai bị cắt chức vì để xảy ra tình trạng buôn lậu. Trước thực trạng đội ngũ chống buôn lậu nhiều tầng lớp nhưng con voi chui lọt lỗ kim, đề nghị Bộ trưởng cho biết với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ đã xử lý hoặc kiến nghị xử lý trách nhiệm bao nhiêu trường hợp buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng buôn lậu?”

Theo đó, đại biểu Cường đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra quan điểm về việc cần quy định tiêu chí đánh giá thực trạng buôn lậu, quy định mức độ cụ thể đối với việc để xảy ra tình trạng buôn lậu.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Về tình trạng buôn lậu, Bộ Công Thương chỉ là cơ quan phối hợp trong mảng quản lý thị trường.

“Chúng tôi chỉ là quản lý ở trung ương, còn hệ thống quản lý thị trường trực thuộc các địa phương cho nên trách nhiệm của chúng tôi chỉ là, nếu phát hiện sai phạm thì có cái liên hệ, đề nghị chính quyền địa phương xem xét, xử lý kỷ luật các cán bộ quản lý thị trường vi phạm”, Bộ trưởng Hoàng nói.

Nhấn mạnh về cách thức xử lý, ông cho rằng: “Quan điểm của chúng tôi là hết sức nghiêm túc trong xử lý cán bộ vi phạm và hy vọng các địa phương cũng đồng tình với cách xử lý này”.

Số liệu Bộ trưởng Công Thương cung cấp cho thấy, trong 2 năm 2012 - 2013 và hết tháng 8/2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kỷ luật, khiển trách 25 trường hợp sai phạm, cảnh cáo 16 trường hợp và cách chức, buộc thôi việc 4 trường hợp.

Dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón

Nêu thực trạng hàng giả, hàng kém, hàng nhái tràn lan, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và sức khỏe người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: “Xin Bộ trưởng cho biết, từ nay đến cuối 2015, Bộ trưởng có dám cam kết với đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước sẽ truy quét, ngăn chặn, xử lý các loại hàng nói trên so với năm 2014 và giảm được bao nhiêu %? Bộ trưởng cần bao nhiêu lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách từ Trung ương đến địa phương và chính sách cụ thể nào để thực hiện việc này đạt hiệu quả tốt hơn, để người dân yên tâm lao động sản xuất và cạnh tranh lành mạnh?”.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Đây là vấn đề nhức nhối, tồn tại từ nhiều năm nay. Các lực lượng chức năng đã cố gắng, nhưng kết quả còn hạn chế, trong đó có lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng còn cho biết, trong báo cáo kiểm điểm cá nhân gửi các đại biểu Quốc hội phục vụ lấy phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng cũng đã nhận trách nhiệm về hạn chế này. Vấn đề về chống buôn lậu qua biên giới, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo ngành công an, tài chính, quốc phòng chia sẻ thêm, vì buôn lậu trước hết phải đi qua biên giới, thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của các lực lượng liên quan này. Còn khi vào thị trường trong nước, quản lý thị trường là chủ công.

Nhấn mạnh công tác đấu tranh của lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương, dù đã có cố gắng, nhưng theo Bộ trưởng Hoàng, do phương tiện, công cụ vừa yếu, vừa thiếu, trang thiết bị không đầy đủ nên đấu tranh chống lại hiện tượng này hiệu quả không cao.

“Đi kiểm tra còn thiếu trang thiết bị kiểm nghiệm, thiếu thiết bị đánh giá chất lượng. Thậm chí, để có thể xác định chất lượng phân bón trên thị trường, khá nhiều nơi, cán bộ chi cục quản lý thị trường đã phải thử bằng miệng, tức là dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón. Đây là một hiện tượng có thật, xin báo cáo Quốc hội như vậy”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Chất vấn thêm Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Khá nói: “Tôi rất buồn khi nghe Bộ trưởng nói, do thiếu phương tiện đến nổi cán bộ phải kiểm định phân bón bằng miệng, vậy thuốc trừ sâu phải kiểm định bằng gì? Nếu thiếu phương tiện đến vậy, thì Bộ trưởng đề xuất giải pháp nào?”.

Trả lời đại biểu Khá, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Về việc lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra chất lượng phân bón vô cơ lấy tay thử, thì đây là ví dụ thôi, ví dụ để thấy rằng chúng ta còn đang thiếu các công cụ phục vụ việc kiểm tra chất lượng, không phải chỉ trong lĩnh vực phân bón vô cơ, mà còn nhiều hàng hóa khác liên quan đến sức khỏe nhân dân. Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều kiến nghị để Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét bổ sung thiết bị cho ngành quản lý thị trường”.

Đề cập tới câu hỏi của đại biểu  Khá về việc Bộ trưởng cam kết đến 2015 sẽ giảm bao nhiêu % hàng giả, hàng nhái…, Bộ trưởng Hoàng cho hay: “Chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực, cố gắng, còn đo lường phần trăm thì khó, nhưng chắc chắn không thể không cải thiện tình tình này. Tin rằng, với việc ra đời Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng ban thường trực và cả một Thứ trưởng Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó trưởng Ban, với sự vào cuộc quyết liệt các cấp ngành thì công tác này từng bước sẽ đạt hiệu quả”.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *