Dòng chảy vốn 03/11/2014 07:38

“Cái ốc vít” là câu chuyện lớn của quốc gia hội nhập!

FICA - Tại Diễn đàn: “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải cho Sản phẩm Việt” vừa được VCCI tổ chức mới đây

Câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam không làm nổi con ốc vít cho Samsung dù đã qua 1 tháng sau khi Samsung cho biết không doanh nghiệp nào của Việt Nam đáp ứng được 170 sản phẩm của họ, kể cả việc sản xuất được ốc vít.

 

 

Câu chuyện này đến nay vẫn  nóng, và nó đang được các chuyên gia mổ xẻ chi tiết, nhiều ý kiến cho rằng: Tại sao chúng ta chúng ta bắt buộc vào chuỗi của Samsung, khi miếng bánh đã hết phần ngon, chỉ còn lại phần xương xẩu? Nhiều ý kiến lại cho rằng, “chuyện cái ốc vít” tuy nhỏ nhưng lại là câu chuyện lớn về hội nhập của Việt Nam.

 

Đi đường người, ta sẽ nhận rác công nghệ

 

Tại Diễn đàn: “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải cho Sản phẩm Việt” vừa được VCCI  tổ chức mới đây, TS Vũ Đình Ánh – Viện Nghiên cứu Thị trường và Giá cả cho rằng: Chuỗi giá trị sản phẩm toàn cẩu của các tập đoàn lớn của thế giới đang chẳng khác như 1 chiếc bánh đã hết phần, chỗ ngon, chỗ dễ và lợi thế các DN lớn chiếm lĩnh hết rồi. Nếu chúng ta nhất định vào thì cũng được thôi, nhưng sẽ ăn chỗ bé lắm, chỗ mà không ai muốn ăn.

 

“Nếu ví chuỗi sản phẩm như 1 chiếc bánh thì những phần ngon đã lọt vào tay của các DN Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan rồi, nếu vào được thì DN Việt cũng chỉ vào được chỗ mà không ai làm, giá trị thấp. Samsung công bố chúng ta không làm được ốc vít, sạc, pin mà chỉ đáp ứng được sản xuất bao bì, hộp xóp, bìa các tôn… trong khi doanh nghiệp Việt bảo làm được, đó cũng là điều dễ hiểu trong bức tranh thị phần đã được chia sẵn” ông Ánh bình luận.

 

Đồng quan điểm của TS Ánh, PGS T.S Tạ Lợi – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng chuyện cái ốc vít làm được hay không làm được là hai quan niệm. Nhưng nó cho thấy chúng ta không biết cách tiếp cận chuỗi, không biết cạnh tranh và hội nhập riểng thành công. Trong khu vực, các nước đi sau, đi vào công nghiệp phụ trợ trên thế giới hiện có ba mô hình thành công.

 

Đầu tiên là Hàn Quốc, quốc gia này luôn cạnh tranh với Nhật, ô tô và điện tử là sản phẩm quốc gia cạnh tranh trực tiếp của họ với Nhật Bản, Mỹ. Nếu Nhật Bản có Sony thì Hàn Quốc có Samsung, LG; nếu Mỹ có Apple thì Hàn Quốc có Samsung, nếu người Nhật có Toyota, Suzuki thì người Hàn có Huyndai, KIA… Người Hàn cạnh tranh không trực tiếp bằng công nghệ, kỹ thuật, họ tìm cách đưa đa phương tiện vào sản phẩm điện tử để cạnh tranh. Nếu sản phẩm điện tử của Nhật Bản bền và chắc chắn thì những sản phẩm của Hàn Quốc mang đến nhiều chức năng,  ứng dụng hơn.

 

Còn người Đài Loan không chọn sản phẩm hoàn chỉnh cạnh tranh mà lại đi vào phát triển chuỗi sản phẩm. Mô hình của Foxcon là 1 thành công. Hiện nay, cứ mỗi màn hình Apple, Samsung hay các hãng điện tử khác cũng đều do Đài Loan làm ra. Giá cả rẻ do lợi thế quy mô và lịch sử phát triển, rất khó có đối thủ cạnh tranh được với họ.

 

Trung Quốc lại rất khôn ngoan, họ có hai cách đi và làm. Giai đoạn đầu, họ mở cửa mạnh cho các nhà đầu tư khắp thế giới vào Trung Quốc làm công xưởng sản xuất, cho thế giới biết những sản phẩm ấy được sản xuất tại Trung Quốc (Made in China), họ chứng minh cho thế giới thấy họ làm được và thế giới có gì, Trung Quốc có cái đó. Giai đoạn thứ hai, họ sử dụng chiêu thức chuyển giao công nghệ (sao chép, copy công nghệ) họ tung ra hàng loạt thiết bị được sản xuất từ công nghệ và bàn tay người Trung Quốc (made by China) như: tivi TLC, Lenovo… cạnh tranh trực tiếp với nước ngoài.

Theo Tiến sĩ Lợi, Việt Nam phải tìm con đường riêng cho chúng ta đi, không nên đi những đường mà các nước đã đi và làm rồi. Họ đi trước chúng ta hàng chục năm, giờ chúng ta mới bắt đầu không những muộn mà cách đi này chúng ta vô hình chung lại nhập khẩu máy móc, thiết bị thải loại của 1 số nước trong quy trình chuyển giao công nghệ và vòng đời sản phẩm công nghiệp.

 

Có nên “cố đấm ăn xôi”?

 

Phải chọn những sản phẩm có giá trị gia tăng, có lợi thế dài hạn hãy tham gia vào chuỗi. Nếu chỉ sản xuất hộp xốp, bao bì thì hoàn toàn không có lợi gì, thậm chí lệ thuộc. Trước khi chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hãy đặt ra hai vấn đề, đó là: xem chúng ta làm được gì và hiểu gì về chuỗi đó?

 

“Hiện nay các tập đoàn đa quốc gia có rất nhiều chuỗi, mỗi chuỗi có 1 đặc điểm khác nhau. Chuỗi của tập đoàn Nhật khác, Hàn Quốc khác và Mỹ lại càng khác. Cả những người làm chính sách đang cổ vũ tham gia chuỗi đã hiểu gì về chuỗi của họ chưa hay mới chỉ hiểu sơ sơ. Các DN lại chỉ hiểu khơi khơi thôi, chưa hiểu được tường tận chuỗi đó là gì và tham gia vào công đoạn nào phù hợp với mình?”, T.S Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định.

 

“Trong suốt thời gian qua, không có các nhà cung cấp Việt Nam, họ (Samsung) vẫn sản xuất được. Chứng tỏ có hay không có nhà cung cấp tại Việt Nam chẳng ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Vào chuỗi Samsung chủ yếu là do ý muốn của chúng ta mà thôi, còn với họ, không thiệt hoặc không lợi nhuận gì”, T.S Vũ Đình Ánh phân tích.

 

Còn theo ông Vũ Minh Thắng – Phó Chủ tịch BKAV, phải lựa chọn tham gia sản phẩm phù hợp và coi tham gia chuỗi chỉ là ngắn hạn, còn dài hạn vẫn phải tính việc nghiên cứu và phát triển (R&D) của mình để tạo chủ động: “Vào chuỗi, chúng ta sẽ phụ thuộc lớn, trong ngắn hạn còn được nếu đổ toàn bộ sức theo đuổi thì không nên. Nếu yên ổn không sao, “trái gió trở trời” họ không đặt hàng nữa, thì chúng ta sẽ sản xuất cho ai?” ông Thắng nói.

 

Ông Thắng đưa ra ví dụ: Nếu đem sản phẩm Iphone 6 plus của Apple ra phân tích thì để sản xuất ra được 1 sản phẩm này, cần đến 100 doanh nghiệp phụ trợ đặt tại Đài Loan, Trung Quốc. Giá 1 chiếc Iphone 6 là 20 triệu đồng, thì 100 doanh nghiệp này chỉ chia nhau khoảng 250 USD (khoảng 5 triệu đồng), nếu chia trung bình mỗi 100 nhà cung cấp chỉ có khoảng 50.000 đồng 1 sản phẩm (bao gồm tất cả chi phí nguyên liệu, khấu hao và nhân công), còn 14 triệu sẽ thuộc về Apple trong khi họ chỉ cần đầu tư vào R&D sản phẩm, quảng bá và phân phối. Đấy là lợi thế của DN nắm được công nghệ lõi, đầu tư vào R&D.

 

Cũng theo vị lãnh đạo của BKAV này, thách thức hội nhập đang có vấn đề rất lớn thuộc về công nghệ. Chúng ta không thể có sản phẩm đẳng cấp quốc tế khi chỉ sử dụng công nghệ đời thứ 2 – 3 hay công nghệ thải hồi từ nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề tiếp cận với công nghệ đời 1 của thế giới đang cực khó với hai lý do: vốn và quyền sở hữu trí tuệ.

 

“Tiếp cận với công nghệ của EU và Mỹ hiện đối với doanh nghiệp Việt Nam là rất khó, đặc biệt là công nghệ thế hệ F1 (công nghệ tiên tiến hàng đầu). Nhiều đối tác băn khoăn, nếu bán cho chúng ta sẽ mất công nghệ vào tay Trung Quốc - 1 nước vốn được xem là có công nghệ nhái cực kỳ tinh vi”, ông Thắng chia sẻ.

 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *