Dòng chảy vốn 04/11/2014 13:29

“Bộ trưởng ở Việt Nam từ chức, không dễ xin việc khác”

FICA - “Từ chức ở Việt Nam vẫn bị nhìn nhận hết sức nặng nề. Một ông Bộ trưởng mà từ chức, muốn đi xin việc khác cũng không dễ. Bối cảnh chung đang… bịt cửa với người muốn từ chức” – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng trao đổi với PV Dân trí.

Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi được trình Quốc hội cho ý kiến lần này đang làm dậy lên tranh luận xung quanh đề xuất xây dựng quy định về cơ chế từ chức đối với các thành viên Chính phủ. Quan điểm của ông về vấn đề này?

 

Tôi thấy từ chức một chuyện hiển nhiên, khá buồn cười khi cứ phải bàn đưa thành quy định trong luật này, luật khác. Từ chức là một phạm trù thuộc quyền tự do lao động, trước hết là quyền Hiến định, người ta không muốn làm việc nữa thì thôi thôi.

 

Còn nói đưa vào luật về quyền từ chức, theo tôi đó cũng chưa phải thay đổi đột phá, không có ý nghĩa nhiều. Nếu chuyện từ chức dựa trên cơ sở danh dự, văn hóa, như việc một bộ trưởng của Nhật, chỉ vì có ì xèo về nguồn tài chính thiếu minh bạch, không ổn khi tranh cử, người ta đã từ chức ngay rồi. Đó là một hệ thống chính trị hết sức có lương tâm. Chưa chắc người từ chức đã có vi phạm gì mà chỉ là người ta cảm thấy không còn uy tín thì người ta xin từ chức thôi.

 

TS. Nguyễn Sỹ Dũng
TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Từ chức là phương án ít lợi hơn nên không ai dại gì đi từ chức

 

Cơ chế từ chức, như vậy, vận hành theo đạo đức nhiều hơn là theo pháp luật, nên xây dựng một hệ thống đạo đức điều chỉnh như vậy thì hay hơn là đưa thành quy định pháp luật. Việc từ chức để nhận trách nhiệm, từ chức vì thấy cắn rứt, từ chức vì thấy đáng ra bản thân phải làm tốt hơn hoặc để người khác làm sẽ tốt hơn mình thì đó là chuyện của đạo đức, không phải chuyện của pháp luật.

 

Việt Nam được xem là có nền văn hoá truyền thống trọng đạo đức, trọng danh dự, liêm sỉ. Nói như ông thì yếu tố nào cản trở mà việc từ chức trở thành không đơn giản?

 

Vấn đề là từ chức hiện được quan niệm hết sức nặng nề ở Việt Nam. Từ chức nặng nề cho bản thân cán bộ, cho vợ con, gia đình, bạn bè, bà con thân tộc. Trong khi từ chức là chuyện không có gì ở Nhật, ở Hàn, ở phương Tây vì một cá nhân nếu giữ chức vụ ấy thì nhận lương 10.000, 30.000, 35.000 USD/tháng còn không giữ chức vụ ấy, có khi lương 100.000USD/tháng.

 

Còn ở ta, một ông Bộ trưởng mà từ chức, muốn đi xin việc ở đâu đó khác cũng không dễ đâu. Thành thử mà nói, bối cảnh xã hội đang bịt cửa của người ta. Khi xã hội rộng mở hơn và đánh giá của xã hội không quá khắt khe, quy chụp thì chuyện từ chức sẽ dễ dàng. Chức tước, đáng ra chỉ thể hiện lựa chọn dấn thân của mỗi cá nhân, không nên coi là thành tích vĩ đại. Nhưng với người Việt, chức tước, làm quan là một việc “khủng” lắm.

 

Ngoài ra, ở ta, cơ chế khuyến khích hoạt động từ chức rất ít vì có chức là có quyền, có quyền là có lợi. Trong khi nhìn ra bên ngoài, ông Bill Clinton khi còn là Tổng thống Mỹ, lương chỉ 200.000 USD/năm còn khi không làm Tổng thống nữa, ông ấy đi nói chuyện, phát biểu một buổi cũng đã được 200.000USD rồi. Theo đó, chuyện làm quan chỉ là một lựa chọn khi bản thân mỗi người có thôi thúc nội tại, để cá nhân cống hiến chứ làm quan không thể mang lại nhiều lợi lộc hơn công việc khác. Môi trường đó ở chúng ta không có. Vậy thì làm sao từ chức mà dễ được.

 

Cơ quan soạn thảo dự luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi cũng lập luận, không cần đưa quy định về vấn đề từ chức vào luật này vì nội dung này đã có trong luật Cán bộ công chức (ban hành năm 2008) nhưng thực tế, từ khi có luật đó, chưa thấy trường hợp cán bộ nào từ chức. Quy định như vậy rõ ràng không đủ hiệu lực?

 

Thực ra ở ta, cũng có người từ chức, vào giai đoạn khi thị trường chứng khoán, bất động sản đang sôi động, người ta có thể kiếm được nhiều tiền ở đó hơn làm công chức. Khi đó một số vị Phó GĐ Sở ở TPHCM đã từ chức, bỏ việc để đi sang làm ở lĩnh vực đó. Nhưng đó là khi chúng ta tạo được nền tảng kinh tế thị trường khiến cho việc làm ăn dễ dàng hơn. Với điều kiện như thế, việc từ chức thực hiện sẽ dễ hơn.

 

Vậy ông bình luận thế nào về việc nhiều quan chức của ta thời gian qua cũng đã nhận những lời “gợi ý” từ chức khi để xảy ra vấn đề gì đó thuộc lĩnh vực quản lý của mình nhưng câu trả lời luôn hàm nghĩa kiểu không xin chức, xin quyền, bản thân được tin tưởng giao việc thì sao lại “đầu hàng”, thôi chức?

 

Họ nói thế là đúng quá. Ở mình, chức vụ quyền hạn là nhiệm vụ mà Đảng giao, Đảng thống nhất cho nghỉ thì nghỉ, còn không thì phải kiên cường chứ, cũng như việc trước đó, Đảng giao nhiệm vụ ở nơi này, nơi khác, chẳng nhẽ từ chối, nói không nhận.

 

Như bình luận của ông, quy định từ chức dù có vẫn là hình thức, cơ chế này chưa mang lại ý nghĩa như sự ràng buộc, như một đòn bẩy để nâng cao trách nhiệm của quan chức?

 

Việc này liên quan đến mô hình quản trị vì hiện tại, khó có chuyện một cá nhân đứng ra quyết định hoàn toàn với công việc. Có là người đứng đầu, phụ trách lĩnh vực thì quan điểm của anh cũng chỉ là một ý kiến, có được giao quyền hết đâu. Có ai tự quyết được mọi việc đâu mà giờ lại phải tự chịu trách nhiệm toàn bộ. Nếu mà tôi tự quyết thì tôi tự nhận trách nhiệm còn một khi đã phải xin ý kiến và phải được sự cho phép của cấp này cấp khác thì cũng phải chia sẻ trách nhiệm chứ, nếu không cũng không công bằng.

 

Đứng trên nguyên tắc hành xử thì đáng ra từ chức phải là một hướng lựa chọn khôn ngoan của người làm quan, để giữ được danh dự, liêm sỉ của bản thân, tránh việc bị miễn nhiệm, cách chức… Nhưng sao không ai chọn con đường đó, thưa ông?

 

Bởi vì người ta hành động theo cái lợi. Đơn giản là từ chức không lợi bằng nên người ta không làm thôi. Tóm lại, theo quy trình như này, nếu anh muốn từ chức thì cũng vẫn từ chức được vì có hàng trăm ứng cử viên đang ngồi đấy, sẵn sàng cả rồi nhưng rõ ràng phương án từ chức là phương án ít lợi hơn nên không ai dại gì đi từ chức.

 

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (thực hiện)

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *