Dòng chảy vốn 27/11/2014 07:21

"Bẫy" thu nhập trung bình:Việt Nam đối diện "rác" từ Trung Quốc...

'Ngân hàng thế giới cho rằng năng lực KHCN và sự sáng tạo đang ở mức yếu khiến Việt Nam khó thoát bẫy thu nhập trung bình là có cơ sở'.

PGS. TS. Lê Bộ Lĩnh. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã chia sẻ với Đất Việt trước nhận định về mức độ đổi mới sáng tạo cũng như năng lực khoa học công nghệ (KHCN) của Việt Nam thời gian qua.

 

Nhận định có cơ sở

 

PV: Thưa ông Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế trong Báo cáo đánh giá KHCN và đổi mới sáng tạo vừa được công bố đã chỉ thẳng: Năng lực khoa học, công nghệ và sáng tạo của Việt Nam còn yếu, hệ thống sáng tạo quốc gia còn non trẻ và manh mún. Nếu không cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo trong nước, Việt Nam có thể rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Ông bình luận như thế nào về nhận định này? Theo ông lý do nào khiến WB đưa ra nhận định này?

 

PGS. TS Lê Bộ Lĩnh: - Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình cũng đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ rất sớm và không chỉ riêng đối với Việt Nam mà với nhiều nước đang phát triển. Để bước sang ngưỡng phát triển hay nói cách khác là vượt qua bẫy thu nhập trung bình không phải dễ dàng.

Thực tế đã có nhiều nước nhỏ thậm chí một số nước Châu Phi còn thoái triển. Nguyên nhân chính là do sự tăng trưởng dựa trên các yếu tố chiều rộng giảm và năng suất lao động cũng giảm do không đẩy mạnh nghiên cứu sáng tạo ứng dụng khoa học công nghệ; do chất lượng nguồn nhân lực và do tổ chức và nhiều yếu tố khác. Những điều này làm cho các nước đang phát triển không vượt lên được hay nói một cách hình ảnh là vướng vào bẫy thu nhập trung bình.

 

Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì rõ ràng là phải chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Tức là phải đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ở đây không chỉ là khía cạnh công nghệ mà cả đổi mới trong hình thức tổ chức sản xuất, quản lý để nâng cao hiệu suất.

 

Nhưng đánh giá của WB cho rằng năng lực KHCN và sự sáng tạo đang ở mức yếu khiến Việt Nam khó thoát bẫy thu nhập trung bình là có cơ sở.

Nguyên nhân chính là do hiệu suất đầu tư giảm xuống và năng suất lao động toàn xã hội không được cải thiện là do yếu tố năng lực KHCN và đổi mới sáng tạo không được chú trọng.

 

Tuy nhiên để đánh giá đúng mức hiện trạng của Việt Nam về mức độ đổi mới sáng tạo và ứng dụng KHCN thì cần có điều tra, khảo sát, thống kê bài bản.

 

Thế nhưng một điều rõ ràng là trong nhiều nghiên cứu thống kê của chúng ta hiện nay cũng đã cho thấy một thực trạng như vậy. Đầu tư của chúng ta cho KHCN nói chung so với mức trung bình của thế giới đang ở mức thấp, đặc biệt là đổi mới sáng tạo phải được thực hiện ở khu vực doanh nghiệp.

Nhưng rất ít doanh nghiệp chú trọng vào việc này, đặc biệt là đầu tư vào R&D (nghiên cứu, triển khai) để đổi mới sản phẩm, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh nói chung là còn yếu, chỉ trừ một số doanh nghiệp công nghệ cao về công nghệ thông tin.

 

TS Lê Bộ Lĩnh: Đầu tư của chúng ta cho KHCN nói chung so với mức trung bình của thế giới đang ở mức thấp, đặc biệt là đổi mới sáng tạo phải được thực hiện ở khu vực doanh nghiệp.
TS Lê Bộ Lĩnh: Đầu tư của chúng ta cho KHCN nói chung so với mức trung bình của thế giới đang ở mức thấp, đặc biệt là đổi mới sáng tạo phải được thực hiện ở khu vực doanh nghiệp.

 

PV: - Trong khi doanh nghiệp 'ngại' đầu tư cho công nghệ nhưng có một thực tế đã được nhiều chuyên gia chỉ ra là thời gian qua Việt Nam trở thành 'bãi rác công nghệ' của thế giới, đặc biệt là nhập công nghệ lạc hậu của Trung Quốc. Thế nhưng việc ngăn công nghệ lạc hậu đến nay vẫn chưa có 'rào' hữu hiệu trong khi Thông tư 20 của Bộ KHCN nhằm hạn chế rác công nghệ thì không thực hiện được. Theo ông phải hiểu mâu thuẫn này như thế nào?

 

PGS. TS Lê Bộ Lĩnh: - Chúng ta vẫn chủ trương phải tiếp cận được công nghệ nguồn, công nghệ tiến tiến và tránh việc nhập công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên trên thực tế cũng có diễn ra việc nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ ở trình độ thấp, thậm chí là công nghệ lạc hậu.

 

Điều này trước hết là do nhận thức của doanh nghiệp chỉ chú ý đến lợi ích trước mắt mà chưa chú ý đến lợi ích lâu dài.

 

Họ mới chỉ quan tâm đến giá rẻ để bỏ ra chi phí ban đầu thấp. Còn nếu nhập công nghệ cao thì rõ ràng là phải đắt hơn. Ở đây không chỉ đắt ở chi phí nhập khẩu mà còn đòi hỏi năng lực hấp thụ công nghệ, tức là phải đầu tư để có thể làm chủ được công nghệ hiện đại. Do đó đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn mà điều này không phải doanh nghiệp nào cũng nhìn ra.

 

Một thực tế trong bối cảnh thị trường cạnh tranh như hiện nay thì những doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến sẽ có lợi thế không chỉ ở trong nước mà với cả thế giới cũng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng hơn. Còn với việc nhập công nghệ lạc hậu thì tự doanh nghiệp đó sẽ đào thải, loại mình khỏi cuộc chơi của thị trường trong dài hạn.

 

Một doanh nghiệp đầu tư công nghệ lạc hậu thì đương nhiên không thể đấu lại được với doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư công nghệ tiên tiến. Và phải thừa nhận thực trạng này đang tồn tại ở nhiều doanh nghiệp của nước ta.

 

Tuy nhiên việc ngăn chặn nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu đã qua sử dụng cũng phải có một lộ trình và có danh mục cụ thể. Lý do là vì không phải công nghệ nào đã qua sử dụng cũng là lạc hậu. Bởi vì trong nền kinh tế có nhiều trình độ khác nhau, đôi khi công nghệ là lạc hậu với nước này nhưng lại là tiên tiến với nước kia. Tức là trình độ công nghệ không giống nhau.

 

Đó là còn chưa kể nguồn vốn đầu tư cũng chi phối việc này. Trong điều kiện có hạn thì chưa thể loại bỏ hoàn toàn công nghệ cũ dù biết rằng xu hướng chung là phải làm như vậy.

 

Việc đổi mới công nghệ là nhiệm vụ phải làm nhưng trong từng gia đoạn cụ thể, từng lĩnh vực phải phân định rõ.

 

Đây là cái nhìn thực tế. Cũng giống như trước đây khi người dân bắt đầu sử dụng xe máy đa số là xe 'secondhand' được dùng một cách đại trà. Nhưng rõ ràng là không thể kéo dài mãi bởi như thế thì ngành công nghiệp xe máy sẽ chết.

 

Đối với các công nghệ cũng vậy, cần phải có lộ trình. Hiện chúng ta đã xác định phải ngăn chặn công nghệ có tác động xấu đến môi trường, tiêu hao năng lượng nhiều. Tuy nhiên việc cần làm hiện nay là đưa ra danh mục rõ ràng để tránh tình trạng doanh nghiệp nhập vào rồi đánh giá theo kiểu cảm quan là vẫn sử dụng được.

 

Nhiều chuyên gia đã nhận định chính sự thiếu sáng tạo và ngại đầu tư cho KHCN khiến Việt Nam trở thành nước gia công toàn diện
Nhiều chuyên gia đã nhận định chính sự thiếu sáng tạo và ngại đầu tư cho KHCN khiến Việt Nam trở thành nước gia công toàn diện

 

Tỉnh táo với nguy cơ nhập công nghệ lạc hậu lần 2

 

PV: Trong khi chúng ta vẫn còn chưa có những tiêu chí rõ ràng cho việc nhập công nghệ thế nào là lạc hậu thì hiện nay Trung Quốc đang thực hiện thải công nghệ lạc hậu để vươn kịp với nền sản xuất thế giới. Nhiều chuyên gia cũng dự đoán rất có thể Việt Nam sẽ không tránh được việc nhập rác Trung Quốc lần hai. Cá nhân ông có lo ngại điều này? Theo ông liệu Việt Nam có thể tìm cho mình cửa thoát? 

 

PGS. TS Lê Bộ Lĩnh: - Xét trên bình diện chung của sự phát triển kinh tế thế giới đúng là có diễn ra chu kỳ công nghệ như vậy. Tức là khi họ bước lên một trình độ phát triển công nghệ cao hơn thì sẽ chuyển công nghệ cũ, lạc hậu của một số ngành kinh tế công nghiệp sang nước ngoài.

 

Đây là sự dịch chuyển công nghệ gắn liền với sự thay đổi chu kỳ công nghệ. trong nước. Đó là thực tế không chỉ xảy ra với Trung Quốc mà nhiều nước khác.

 

Tuy nhiên do Trung Quốc ở sát với chúng ta cho nên khi họ đổi mới công nghệ cũng sẽ gây ra một làn sóng đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài và rõ ràng chúng ta cần tỉnh táo có thẩm định và lựa chọn khi nhập khẩu công nghệ để tránh 'mắc bẫy'.

 

Để tránh được làn sóng này trước hết chúng ta phải bám sát vào chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đồng thời tăng cường năng lực quản trị ở tất cả các bộ gồm Bộ KH&CN, các bộ chuyên ngành cũng như các cơ quan đánh giá thẩm định công nghệ.

 

Phải nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc lựa chọn và nhập khẩu công nghệ trong quá trình đổi mới của doanh nghiệp mình. Cần phải hết sức cảnh giác và có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

 

PV: Theo ông nếu tiếp tục nhận công nghệ lạc hậu, hậu quả của nền kinh tế sẽ là gì? Và giờ ai là người có trách nhiệm với việc này?

 

PGS. TS Lê Bộ Lĩnh: - Nếu chúng ta cứ để công nghệ cũ tuồn vào Việt Nam một cách tràn lan thì rõ ràng điều đầu tiên sẽ ảnh hướng chính đến khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp.

 

Hai nữa các công nghệ cũ có thể ảnh hưởng xấu tới môi trường và chúng ta lại tiếp tục trở thành bãi thải công nghệ là hiển nhiên.

 

Do vậy việc hạn chế ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu là cần thiết. Việc cần làm hiện nay là phải có phân định rõ ràng, có danh mục kỹ càng, còn nếu làm máy móc thì tính khả thi sẽ không cao.

 

Về trách nhiệm thì Bộ KHCN cần phối hợp với Bộ Công thương và các bộ chuyên ngành khác để xác định danh mục công nghệ khuyến khích cũng như hạn chế nhập.

 

Thực tế Luật Đầu tư mà Quốc hội vừa thông qua cũng đưa ra quan điểm rõ ràng về khuyến khích ưu đãi đầu tư đối với các ngành sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao.

 

Tuy nhiên để làm được thì cũng cần tăng cường năng lực thẩm định công nghệ để có thể đưa ra đánh giá thế nào là công nghệ lạc hậu, tiên tiến hay công nghệ cao một cách xác đáng.

 

Như tôi đã nói với nước này thì đây là công nghệ tiên tiến nhưng với những nước phát triển hơn thì có thể công nghệ đó trở thành trung bình rồi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Bích Ngọc

Đất Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *